Giáo dục

Xuất hiện 4 trường hợp đặc biệt trong chấm thi tốt nghiệp THPT

Quá trình chấm thi tốt nghiệp THPT đã xuất hiện những tình huống khá đặc biệt như thí sinh khoanh đáp án vào đề thay vì trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Ở Quảng Ninh có đến 3 trường hợp như vậy.

Trong quá trình kiểm tra công tác chấm thi tại một số địa phương từ ngày 11 - 16/8, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT đã tiếp nhận báo cáo về những tình huống phát sinh trong quá trình chấm.

Bên trong một phòng thi chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Thanh Hùng

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm cho biết, tỉnh có 3 bài thi trắc nghiệm đặc biệt khi thí sính khoanh đáp án trực tiếp vào đề thi.

Trong đó, có 2 bài thi môn Địa lý và 1 bài thi môn Giáo dục công dân. Do đây là tình huống mà địa phương chưa từng gặp trong các lần chấm thi, nên ông Tuế cho biết phải xin ý kiến của Bộ GD-ĐT để có hướng dẫn xử lý cụ thể.

Còn ở Hội đồng thi Hà Nội, ông Hà Xuân Nhâm, Phó trưởng ban chấm thi trắc nghiệm cho biết, trong số bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi này, có 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội khá “đặc biệt”.

Cụ thể, có 1 thí sinh sau khi làm bài thi môn Lịch sử vào phiếu trả lời trắc nghiệm, thì đến môn Địa lý lại khoanh đáp án trực tiếp vào đề thi như một cách làm nháp.

Sau đó thí sinh này quên không khoanh lại các đáp án đã làm ở đề thi vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi phát hiện ra thì đã hết giờ làm bài. Do vậy, giám thị và điểm thi đó đã thu cả phiếu trắc nghiệm và đề thi của thí sinh này, niêm phong riêng bài thi và tiến hành lập biên bản.

Phiếu trả lời trắc nghiệm này vẫn được tiến hành quét vì có bài làm môn Lịch sử của thí sinh. Tất cả việc này đều có báo cáo lãnh đạo ban chấm thi và có sự chứng kiến, giám sát chặt chẽ của thanh tra chấm thi.

Ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng cách xử lý của hội đồng coi thi và chấm thi với bài thi đặc biệt này của thí sinh là phù hợp.

Thứ trưởng Độ đề nghị ban chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội, Quảng Ninh và những trường hợp tương tự cần lập biên bản chấm với bài thi này, có xác nhận của đầy đủ các thành phần liên quan và tiến hành chấm đúng quy định.

Các địa phương gặp hiện tượng tương tự cần có văn bản báo cáo và Bộ GD-ĐT sẽ trả lời bằng văn bản để có căn cứ xử lý phù hợp ngay trong quá trình chấm bài trắc nghiệm.

Tác giả: Thiên Thanh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok