|
Viện Kiểm sát: Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò là người chỉ đạo
Sáng 2/2, sau 4 ngày tạm dừng, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí (PVP Land).
Mở đầu phiên xử sáng 2/2, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã đối đáp lại ý kiến bào chữa của các luật sư. Trong đó, đối đáp với ý kiến luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, đại diện VKS nhấn mạnh, việc VKS đề nghị truy tố Thanh tội “Tham ô tài sản” là có căn cứ.
Theo đại diện VKS, quá trình điều tra, truy tố, từ những chứng cứ, tài liệu thu thập được và lời khai các bị cáo tại phiên tòa, có căn cứ xác định Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò chỉ đạo, quyết định chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land, quyết định về giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, thấp hơn mức giá 52 triệu đồng/m2, tạo ra chênh lệch giá để cùng đồng phạm chiếm đoạt trên 87 tỷ đồng. Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã chiếm đoạt 49 tỷ đồng, trong đó Thanh chiếm đoạt 14 tỷ đồng.
Về ý kiến của các luật sư cho rằng Trịnh Xuân Thanh không phạm tội, đại diện VKS khẳng định chưa chính xác. Đại diện VKS nêu rõ, từ tháng 1/2010, bị cáo Thanh đã được báo cáo về dự án Nam Đàn Plaza và ra thông báo triển khai dự án. Tuy nhiên, tháng 4/2010, sau khi được Đinh Mạnh Thắng tác động, bị cáo Thanh đã ban hành nghị quyết cho PVP Land chuyển nhượng với giá 34 triệu đồng/m2.
Lời khai của Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Cty 1/5, Cty Minh Ngân) thể hiện, ngày 5/4/2010, sau khi ký hợp đồng với các cổ đông của công ty Xuyên Thái Bình Dương, Bình và cấp dưới Nguyễn Thị Kim Thoa mời các cổ đông ăn cơm tại nhà hàng My Way. Tại đây, Trịnh Xuân Thanh hỏi đã ký xong hợp đồng với PVP Land hay chưa.
Về việc chuyển tiền, đại diện VKS nêu, hồ sơ thể hiện sau khi bán đất, Thái Kiều Hương đã chuyển 14 tỷ đồng cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng. Bị cáo Thắng gọi điện thông báo và được Trịnh Xuân Thanh hướng dẫn đưa tiền cho lái xe của mình. Vì vậy, lái xe của Thắng đã đưa tiền cho lái xe của Thanh. Lời khai của các bị cáo và nhân chứng đều phù hợp với nhau về số tiền 14 tỷ đồng này, chính bị cáo Thanh cũng khai từng nhận vali tiền của Thắng rồi chuyển vào nhà, mở ra thấy tiền.
Về việc các luật sư cho rằng có mâu thuẫn trong việc 14 tỷ đồng không thể cho vào vali nên cần thực nghiệm, theo đại diện VKS, CQĐT đã làm rõ, sau khi Lê Hòa Bình bị khởi tố (2010), bị cáo Thắng gọi điện cho bị cáo Thanh bảo trả tiền. Thanh đồng ý và dặn Thắng nói lại với Hương phải giữ bí mật, coi như tiền mới đến tay Hương và phải hợp pháp hóa thành tiền mua cổ phần của Vietsan.
Số tiền 19 tỷ đồng Thắng và Thanh trả lại được nộp vào một chi nhánh ngân hàng Hàn Quốc ở Việt Nam. Số này gồm nhiều mệnh giá, đựng trong 3 bao tải nên không có căn cứ khẳng định chính xác đây là số tiền Thắng và Thanh đã nhận rồi trả lại.
Với các phân tích trên, đại diện VKS cho rằng, Viện KSND Tối cao truy tố Trịnh Xuân Thanh tội “Tham ô tài sản” với vai trò là người chỉ đạo, quyết định là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Việc các luật sư cho rằng bị cáo Thanh không phạm tội Tham ô tài sản là không có căn cứ.
Trịnh Xuân Thanh “thất vọng” về lập luận của VKS
Sau khi đại diện VKS kết thúc đối đáp, các bị cáo được quyền tranh luận. Bị cáo Đinh Mạnh Thắng xin trình bày: “Trong việc này, bị cáo không phải người chủ động tham gia giới thiệu và tác động tới bị cáo Thanh. Bị cáo chỉ được Hương nhờ, Hương nói giới thiệu cho anh Thanh để chuyển nhượng cổ phần còn chuyển nhượng thế nào bị cáo không biết. Sau đó, bị cáo cũng chỉ gọi điện cho Đào Duy Phong vì cũng được Hương nhờ nên mong HĐXX cho bị cáo hình phạt nhẹ hơn.”.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh liên tục chối tối tại phiên xử sáng nay (2/2) |
Mở đầu phần tranh luận của mình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói rằng bản thân thất vọng về lập luận của VKSND.
“Lập luận không khác bản luận tội và biến điều bị cáo làm đúng thành sai. Về việc bị cáo chỉ đạo Phong và Sinh thì từ tháng 1 đến lúc sang nhượng cỏ phần bị cáo đều đồng ý và yêu cầu sang nhượng không thấp hơn 13.500 đồng.
VKS nói vốn nhà nước trong PVP Land là 87% để nói bị cáo lấy tiền nhà nước nhưng PVP Land là công ty liên kết, không phải công ty Nhà nước. Quy kết bị cáo chủ mưu là không đúng vì như bị cáo Phong và Sinh vừa nói thì công ty này đã ra nghị quyết để đặt cọc và Phong nói không cần xin ý kiến bị cáo nhưng vì bị cáo có ý kiến trong 2 cuộc họp nên họ hỏi. Họ đã ra nghị quyết, đặt cọc rồi nhưng VKS lại bảo bị cáo ký hợp thức. Về pháp luật bị cáo cho rằng bị cáo chỉ đồng ý sang nhượng nhưng giờ lại thành bị cáo chỉ đạo để lấy tiền.
Về chia tiền, tại tòa các bị cáo đều không có bất cứ cuộc gọi, liên hệ gì với bị cáo. Bị cáo nói với công an là tôi chưa bao giờ gọi cho Phong nhưng không ai xác nhận. Có người ngồi đây không ai nói liên hệ trực tiếp với bị cáo, không hiểu bị cáo bàn thế nào mà bảo bị cáo chỉ đạo bán giá thấp.
Đại diện VKS coi thường tất cả người ở đây, coi thường các luật sư, coi thường cả bố mẹ bị cáo ngồi đây, biến không thành có, nói bị cáo chia tiền. Việc này ảnh hưởng rất lớn khiến người ta nghĩ đây là đấu tố, bè phái. Bản đối đáp của VKS hoàn toàn né tránh sự thật. Bị cáo khẳng định bị cáo hoàn toàn vô tội...” - bị cáo Thanh tranh luận.
Tác giả: Tiến Nguyên
Nguồn tin: Báo Dân trí