Như trước đó đã đưa tin, sáng ngày 4/9, Đội Quản lý thị trường số 16 (thuộc Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa) đã có quyết định kiểm tra đối với Công ty Thiết bị Y tế Duy Cường, có chi nhánh ở số 294, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT số 16 đã thu giữ tổng số 17 loại hàng hóa nghi có dấu hiệu vi phạm, trong đó có nhiều hộp chứa que Test mang nhãn hiệu DC made in Japan sản xuất, bị nghi có dấu hiệu vi phạm, không xuất trình được hóa đơn thể hiện nguồn gốc xuất xứ .
Đội QLTT số 16 tỉnh Thanh Hóa đang kiểm tra số thiết bị y tế tại số 294, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa. |
Sau khi kiểm tra, đối chiếu, đến ngày 9/9, Đội QLTT số 16 tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong số 17 loại sản phẩm y tế bị thu giữ ở cửa hàng này thì có 9 loại Test được xác định là hàng trôi nổi, không hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ.
Tại biên bản xác minh của Đội QLTT số 16, thì 9 loại Test thử không có nguồn gốc xuất xứ gồm: DC HCV; TMED-CHECK Syphillo rapid test strip; TMED-CHECK Dengue IgMlIgG rapid test cassete; TMED-CHECK DOA-4 rapid test cassete; Fastep Malasia pflphan rapid test; HEALGEN HP al rapid test strip SLP; HEALGEN HTV ½ rapid test strip S/P; SERO-CHECK HBSAG SERUM STRIP-SM; SERO-CHECK TB SERUM CASSETTE-SM.
Loại Test DC sau khi kiểm tra đã bị thu giữ và chủ cửa hàng khai nhận là hàng không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ. |
Toàn bộ số hàng nói trên ông Hoàng Duy Điệp, là chủ cửa hàng đã không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có số đăng ký lưu hành. Theo chủ cửa hàng trình bày với cơ quan chức năng thì 9 loại Test thử này được mua trôi nổi ngoài thị trường Hà Nội và được bán ra cho khách hàng là 8.000 đồng/test.
Trong vai là khách hàng đến mua các loại Tets, PV được một nhân viên bán hàng của cửa hàng này giới thiệu các loại Test này là do Công ty Duy Cường cung cấp, đồng thời nhân viên này cũng đã cung cấp cho PV 1 tấm danh thiếp có ghi tên Công ty Thiết bị Y tế Duy Cường và số máy của Giám đốc Công ty để PV có thể đặt mua hàng với số lượng lớn bao nhiêu cũng được đáp ứng.
Cửa hàng bán thiết bị Y tế tại số 294, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa treo biển là Công ty Thiết bị Y tế Duy Cường -Chi nhánh Thanh Hóa nhưng khi xuất trình giấy phép kinh doanh với cơ quan chức năng lại là hộ cá thể. |
Như vậy, sau khi bị QLTT bắt giữ và yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến số hàng bị thu giữ thì chủ cửa hàng này đã không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ của 9 loại Test này, trong đó có Test mang nhãn hiệu DC Made in Japan (sản xuất tại Nhật bản) được người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phản ánh loại Test này chưa được cấp phép và là hàng nhập lậu, ngoài nhãn thì ghi là hàng Nhật Bản nhưng thực chất bên trong ruột thì có dấu hiệu là hàng của Trung Quốc, kém chất lượng.
Giấy phép kinh doanh là hộ cá thể Hoàng Duy Điệp. |
Với hành vi bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, rất nguy hiểm cho người dân khi đến cửa hàng này mua các Test để tets thử các loại bệnh là rất nguy hiểm. Do đó người dân đề nghị với Công an tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xác minh nguồn gốc, xuất xứ, yêu cầu chủ cửa hàng báo cáo cụ thể nơi mua, số lượng nhập vào, bán ra để xử lý tận gốc vấn đề bằng cách thu hồi, tiêu hủy và có biện pháp cảnh báo để người dân biết, không sử dụng các sản phẩm Test này nữa chứ không thể để loại Test này bày bán tràn lan trên thị trường khiến người dân bị lừa mãi như vậy được, một người dân bức xúc cho biết.
Biên bản xử phạt của QLTT tỉnh Thanh Hóa đối với cửa hàng kinh doanh thiết bị Y tế ở số số 294, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa là hơn 15 triệu đồng là quá "nương tay" cho hành vi buôn bán hàng không có nguồn gốc xuất xứ. |
Trao đổi với PV Báo Thương hiệu và Pháp luật, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Qua báo chí phản ánh tôi cũng đã nắm được thông tin về vụ việc này, để chờ khi QLTT có kết luận chính thức tôi sẽ ban hành văn bản gửi đến các bệnh viện, cơ sở Y tế để khuyến cáo người dân không sử dụng các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc này. Đồng thời sẽ cho tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở buôn bán thiết bị vật tư y tế như thế này, nếu kiểm tra mà phát hiện những sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm minh, tránh tình trạng vì lợi nhuận mà các cửa hàng cố tình bán hàng trôi nổi, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân là không thể chấp nhận được. Nếu xác minh ở đây có việc buôn gian, bán lận, hàng giả, hàng kém chất lượng chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng để tiến hành điều tra làm rõ xử lý nghiêm theo quy định của luật pháp", người đứng đầu Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Nhân viên bán các loại thiết bị Y tế và các loại Test của cửa hàng số 94, đường Hải Thượng Lãn Ông đang bị lực lượng QLTT đối chất về test mang nhãn mác DC. |
Sau khi kiểm tra tại cửa hàng này đang treo biển Công ty, nhưng khi cơ quan chức năng yêu cầu thì chủ cửa hàng này đã xuất trình đăng ký kinh doanh hộ gia đình mang tên Hoàng Duy Điệp là trái quy định của pháp luật.
Ngay sau khi bị kiểm tra, cơ sở kinh doanh này đã nhanh chóng tháo bỏ bảng hiệu quảng cáo của Công ty Thiết bị y tế Duy Cường. Tuy nhiên, việc này đã được PV Thương hiệu và Pháp luật chụp hình, quay video để chứng minh với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm đối với Công ty này.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Thanh Hóa cho biết, “Nếu phát hiện sai phạm ở các sản phẩm này thì căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, khi có dấu hiệu vi phạm mang yếu tố hình sự thì QLTT tỉnh Thanh Hóa sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an để điều tra xử lý theo đúng thẩm quyền", ông Hùng cho biết.
Với những sai phạm đã rõ ràng đó là, trong số 17 sản phẩm bị thu giữ, cửa hàng này có bán 9 loại Test không có nguồn gốc xuất xứ, treo bản biển là Công ty nhưng khi xuất trình giấy phép kinh doanh lại là hộ kinh doanh cá thể. Thế nhưng ngày 18/9, Đội QLTT số 16, thuộc Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa chỉ đưa ra mức xử phạt hành vi kinh doanh trang thiết bị Y tế không có số đăng ký lưu hành, không có giấy chứng minh rõ nguồn gốc 15 triệu đồng.
Phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ băng tiếng Việt Nam, 375.000 đồng và hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm là trang Thiết bị Y tế gồn 9 loại Test đã nêu.
Với việc xử phạt là vậy, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu QLTT tỉnh Thanh Hóa có quá "ưu ái" cho việc bán hàng không có nguồn gốc xuất xứ của chủ cửa hàng này hay không, và sau khi xử phạt thì lực lượng chức năng của tỉnh Thanh Hóa cũng không đưa ra cảnh báo gì với người dân về các sản phẩm Test DC do Công ty thiết bị Y tế Duy Cường cung cấp là không rõ nguồn gốc xuất xứ, mà hàng vẫn được bán trên thị trường thì liệu có đủ sức răn đe cho việc bán hàng kém chất lượng, đang có diễn biến phức tạp trên thị trường tỉnh Thanh Hóa như hiện nay?
Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Tác giả: Duy Duẩn
Nguồn tin: Báo Thương hiệu và Pháp luật