Những mảnh đời bất hạnh
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở ấp 8A, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước vào một buổi trưa nắng gắt, oi bức. Bà Nga đang với tay múc từng gáo nước trong chiếc thùng trước nhà, dội vào người thanh niên nằm dưới sàn.
Chồng chết đi, bà Nga phải trông con nên không còn thời gian kiếm tiền. |
"Nó là đứa con lớn của tôi, bị bệnh động kinh từ khi mới sinh ra nên không thể tự vệ sinh cá nhân. Có lúc lên cơn nó còn đập đầu vào tường... ".
Bà kỳ cọ khắp thân mình con, từng kẽ tay kẽ chân với những lời dịu ngọt: "Giỏi đi con, má tắm xong rồi ăn cơm..."
Chúng tôi bước vào nhà, chợt chạnh lòng. Tài sản đáng giá nhất là chiếc giường ọp ẹp cùng chiếc tivi đã lỗi thời. Trong nhà, đống phế liệu ngổn ngang xen lẫn với vài cành củi khô để đun nấu. Ở góc trang trọng nhất là chiếc bàn thờ mới tinh đặt di ảnh của một người đàn ông, nhang vẫn đang nghi ngút. "Ông xã tôi đó". Bà Nga từ phía sau vừa nói vừa giữ tay đứa con bệnh tật. "Phải giữ nó chứ không nó lao vào bàn thờ".
Bà nghẹn ngào kể, chồng bà vừa mới mất cách đây mấy ngày do bệnh sỏi thận. Căn bệnh tưởng chừng không quá phức tạp, nhưng với chi phí phẫu thuật lên tới 20 triệu đồng, gia đình không đủ tiền lo nên cho ông về nhà uống thuốc cầm cự, không bao lâu thì qua đời.
Căn nhà cô quạnh của mẹ con bà Nga |
“Tôi đi mua ve chai. Ba tháng mới bán một lần, mỗi lần bán lãi được khoảng 2 triệu, chỉ đủ mua mớ rau, bát cháo với thuốc động kinh cho con, biết kiếm đâu ra 20 triệu chữa bệnh cho chồng", bà gạt nước mắt.
Anh Hải là con đầu của bà Nga, bị dị tật bẩm sinh, không thể di chuyển bình thường, không ý thức được những việc mình làm. 22 tuổi cũng là 22 năm cuộc sống của anh chỉ quanh quẩn nơi góc nhà chật hẹp. Bất giác, anh ú ớ và đập đầu vào tường. Bà Nga la lên: “Con ơi thương lấy mẹ, ngồi chơi ngoan để mẹ làm cơm cúng cha”. Nghe tiếng mẹ, anh đưa mắt nhìn dáo dác rồi cười ngây dại.
Xung quanh bàn thờ, bà Nga dùng tấm ván chặn lại, sợ anh lại gần rồi xô ngã bàn thờ. Trên người anh Hải đôi chỗ bị bầm, hỏi ra mới biết anh hay tự hành hạ mình. Đôi khi anh vùng vẫy, xô té mẹ già.
Ngoài anh Hải, bà còn một người con trai năm nay 15 tuổi, đã nghỉ học. Hiện em đang theo một người bà con đi phụ xây dựng cầu, đường. Hay tin cha mất, em xin ứng tiền về lo tang, ở nhà được 4 ngày lại tiếp tục đi làm.
Cô độc giữa rừng
Hiện nay, bà Nga không thể nào tiếp tục công việc gom phế liệu để mưu sinh. “Sau khi lo liệu cho chồng xong, tôi phải ở nhà hương khói cho ông ấy và chăm con. Đi làm thì không ai chăm con, lỡ nó lên cơn đập đầu vào tường, cấu xé bản thân thì càng khổ hơn. Nhưng nếu cứ ở nhà lấy gì mà trang trải cuộc sống?", bà giãi bày.
Bà Nga thắp nhang cho người chồng quá cố |
Như để thanh minh, bà đứng dậy lấy cho chúng tôi xem toa thuốc. Bà bị bệnh tim. Một người già bệnh tật và một người động kinh sống giữa rừng cao su lúc nào cũng lo sợ.
“Ở đây sợ lắm. Ban ngày đã thế, đêm đến hai mẹ con ôm chặt lấy nhau. Tôi chỉ sợ cơn đau tim tái phát, không ai hay biết thì chỉ có nước chết”, những lời người mẹ già nghe đến nhói lòng.
Niềm mong ước duy nhất lúc này là có người trông con giúp bà. Có như vậy, bà mới an tâm tiếp tục công việc kiếm sống. Hai mẹ con đơn độc giữa bốn bề là cao su, bà chỉ mong có 1 gian nhà được ở gần người. Đối với bà, đêm đến ngôi nhà này buồn và đáng sợ biết nhường nào.
Mọi đóng góp có thể gửi về
Gửi trực tiếp: Bà Nguyễn Thị Nga ở ấp 8A, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
Tác giả: Ngọc Hiền
Nguồn tin: Báo VietNamNet