![]() |
Dự án Trung tâm phát triển nông thôn Thanh Hóa được đầu tư 17 tỉ đồng nhưng đã bị “bỏ hoang” suốt nhiều năm qua |
Thế nhưng, sau gần hai thập kỷ, công trình trị giá hơn 17 tỉ đồng này lại rơi vào cảnh hoang phế, gây lãng phí lớn về tài sản và quỹ đất, để lại nhiều tiếc nuối và bức xúc trong nhân dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa được đầu tư từ nguồn vốn tín dụng tài trợ, với tổng mức đầu tư hơn 17 tỉ đồng, trên khu đất rộng gần 20.000m². UBND huyện Hoằng Hóa là chủ đầu tư kiêm đơn vị quản lý.
Dự án gồm nhiều hạng mục như nhà trung tâm, nhà sơ chế rau quả, nhà kho chứa rau quả, kho lạnh, các công trình phụ trợ và hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật đồng bộ. Mục tiêu đặt ra là trở thành nơi trưng bày, sơ chế, bảo quản nông sản, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho địa phương, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Tại thời điểm khởi công, người dân Hoằng Kim và các xã lân cận đều hồ hởi kỳ vọng. Ông Hoàng Văn Sơn, người dân xã Hoằng Kim nhớ lại: “Khi dự án khởi công, chúng tôi mừng lắm và kỳ vọng nông sản sẽ có đầu ra ổn định, giá cả được nâng lên, đời sống nông dân đỡ vất vả hơn. Ai cũng hy vọng con cháu trong vùng sẽ có thêm cơ hội việc làm”.
Sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa chỉ vận hành èo uột trong khoảng 4 năm, rồi rơi vào tình trạng gần như “đắp chiếu”. Thấy hiệu quả khai thác quá thấp, năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định chuyển giao trung tâm về cho Sở NN&PTNT tỉnh quản lý. Sở này đã thành lập Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa, với kỳ vọng đổi mới mô hình quản lý sẽ giúp phát huy hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, thực tế lại phũ phàng hơn: Trung tâm tiếp tục bị bỏ hoang, không phát huy được tác dụng từ đó đến nay. Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, toàn bộ khuôn viên dự án hiện đang trong tình trạng hoang hóa: Cỏ dại mọc um tùm, các dãy nhà kho, nhà sơ chế đều cửa đóng then cài, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Cửa chính của trung tâm bị khóa chặt, trong khi lớp sơn tường bong tróc, trần nhà mục nát, gạch lát nền vỡ, khu vệ sinh bốc mùi nồng nặc. Không bóng người, không hoạt động sản xuất hay kinh doanh nào diễn ra. Một công trình từng được kỳ vọng giải cứu nông sản nay chỉ còn là “phế tích” bên quốc lộ 1A nhộn nhịp.
Ông Hoàng Văn Sơn xót xa: “Chúng tôi rất đau lòng khi mỗi ngày chứng kiến khối tài sản hàng chục tỉ đồng của nhà nước nằm phơi mưa nắng. Đây là sự lãng phí ghê gớm, vừa về tiền bạc, vừa về đất đai”.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của dự án là do vị trí xây dựng không thuận lợi. Trung tâm nằm khá xa thành phố, xa khu dân cư đông đúc, khiến việc tổ chức hội chợ, quảng bá sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc kết nối, phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã, các vùng sản xuất chuyên canh để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cũng không khả thi. Một yếu tố khác là việc thay đổi chủ quản và công năng sử dụng. Ban đầu, dự án được định hướng là mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua, sơ chế và bảo quản sản phẩm.
Tuy nhiên, sau khi chuyển giao về Trung tâm Tư vấn Quy hoạch thị trường và Chiến lược phát triển nông nghiệp, thiết kế tổng thể các hạng mục và phương thức vận hành không còn phù hợp với thực tiễn mới, khiến hiệu quả khai thác giảm sút nghiêm trọng.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, cho biết thêm: “Trước đây, để tránh lãng phí, chúng tôi đã xin ý kiến và được UBND tỉnh đồng ý cho phép Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa liên doanh với Công ty cổ phần thực phẩm Phú Gia, nhằm đưa nông sản về trung tâm trưng bày, quảng bá. Nhưng tiếc rằng mọi nỗ lực “hồi sinh” trung tâm đều bất thành”.
Ngày 18.10.2024, Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa chính thức bàn giao lại toàn bộ tài sản cho UBND huyện Hoằng Hóa tiếp nhận và quản lý theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Dự án Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa là một điển hình cho thấy sự bất cập trong công tác quy hoạch, đánh giá tính khả thi và quản lý đầu tư công.
Khi một dự án được đầu tư tiền tỉ nhưng không được nghiên cứu kỹ về nhu cầu thực tế, vị trí địa lý và sự đồng bộ trong thiết kế, vận hành, hậu quả tất yếu là sự lãng phí to lớn, kéo theo hệ lụy lâu dài cho kinh tế, xã hội địa phương.
Đáng buồn hơn, trong bối cảnh quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ngày càng khan hiếm, một khu đất rộng gần 2 ha nằm ngay sát quốc lộ trọng yếu lại bị bỏ hoang, trong khi các địa phương khác chật vật tìm mặt bằng thu hút đầu tư. Để tránh những “vết xe đổ” tương tự, các cấp chính quyền cần rút ra bài học sâu sắc.
Tác giả: NGUYỄN LINH
Nguồn tin: baovanhoa.vn