Một ngày tháng 7, chúng tôi có mặt tại bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng gặp cháu Phạm Xuân Hưng (12 tuổi), trú nóc Long Cheng, thôn 1, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Em đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực với hơi thở yếu ớt, đáng thương.
Cạnh đó, chị Hồ Thị Thơm (SN 1987), mẹ Hưng trông tiều tụy, xơ xác như người mất hồn. Chị bật khóc, nước mắt ngắn dài cứ lăn trên gò má cháy nám khi nghe chúng tôi hỏi han về cháu.
Chị kể, mới đây, nhà chị ở miền núi nên cuộc sống còn lắm khó khăn. Hưng hay vào rừng hái rau, hái củi phụ giúp gia đình. Đầu tháng 7, trong một lần như vậy em bị đạp trúng bẫy kẹp của thợ săn.
Ở cái miền ngược còn khốn khó này, chuyện trúng nhầm bẫy săn đã trở nên quá bình thường. Người dân giăng bẫy săn thú, giăng bẫy bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản ở khắp nơi. Chỉ một bước lơ đễnh là dính ngay hầm chông, bẫy kẹp ngay. Việc trúng bẫy, đắp lá rừng rồi lại lành đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Họ dần xem nhẹ chuyện này. Chị Thơm cũng vậy! Không phải vì thiếu quan tâm con mà cũng như bao người, chị cứ nghĩ rồi đâu đó vết thương cũng sẽ lành.
Đúng 3 ngày sau, vết thương nổi sưng đỏ. Hưng bị sốt nóng, co giật không đi được. Vợ chồng chị mới cuống cuồng nhờ người cáng con chạy đường rừng cả ngày trời về trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cấp cứu.
Tại đây, Hưng được chuẩn đoán bị nhiễm trùng nặng, nguy cấp. Và cái trung tâm y tế còn thiếu thốn nơi heo hút miền ngược này cũng chẳng làm gì được nhiều. Hưng được yêu cầu phải chuyển xuống bệnh viện tỉnh điều trị, rồi không lâu sau thì ra bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Chị Thơm và đứa con trai đang cần sự giúp đỡ. |
“Lúc đó, mình suy sụp, chết lặng. Từ đó đến nay, cháu nó vẫn mê man. Bác sĩ bảo từ vết thương cháu bị nhiễm trùng máu, suy hô hấp, 2 chân gần như bại liệt. Sự sống đang rất mong manh”, chị Thơm nói.
Anh Hánh, chồng chị Thơm kể, nhà anh chị nghèo lắm. Ngôi nhà được ghép từ ván rừng và tre nứa. Nó nằm vắt vẻo ở nóc Chen Long, nơi chẳng có đường xe lên cũng chẳng có điện đài. Ở đó, cái đói, cái nghèo thường trực, bu bám lấy gia đình anh. Anh chị có với nhau 3 mụn con. Hưng là anh cả, sau có 2 đứa em gái 5 và 7 tuổi.
Hưng là cậu bé vốn lanh lẹn, hoạt bát. Hàng ngày, một buổi Hưng đến trường, một buổi lên rừng lấy củi, hái rau rừng mang về đổi gạo phụ giúp gia đình. Mỗi khi hái được nắm rau rừng, cậu bé này hay mang đến quán tạp hóa đổi gạo giúp ba mẹ.
Vừa nghe chúng tôi nhắc đến chuyện gia đình cháu Hưng, ông Nguyễn Đỗ Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang cũng không cầm được xúc động. Ông Trí bảo, anh Hánh bố của Hưng cũng đang công tác ở xã Trà Cang theo diện thời vụ, hợp đồng, lương bổng ba cọc ba đồng. Để nuôi gia đình, anh Hánh cùng vợ bám ruộng bám rẫy rồi làm thuê đủ trăm nghề. “Nhà anh Hánh ở thôn 1, nơi đây chưa có đường xe đi, chưa có điện đài, cuộc sống còn khó khăn lắm”, ông Trí nói.
Chị Thơm kể rằng, suốt gần 20 ngày nay ở viện chăm con, vài ba trăm ngàn anh chị dốc hết gia sản mang xuống "bay vèo" trong ngày đầu tiên. Những ngày sau, anh chị không xu dính túi. Nhà nghèo nên toàn bộ tiền thuốc thang cậy nhờ vào cái bảo hiểm y tế. Nhưng nhiều loại thuốc đắt tiền, anh chị không biết lấy đâu ra. Thậm chí, cơm gạo để ở lại nuôi Hưng cũng không có.
Để có tiền chăm con, đêm nào anh cũng gọi về nhà nhờ người thân chạy vạy vay mượn tiền. Nhưng rồi bao lần anh thất vọng. Điện đài là vậy, nhưng anh hiểu ở quê anh, trên núi trên đồi ấy, bà con ai cũng nghèo như anh lấy đâu ra tiền cho mượn. Nhà anh ngoài 4 phiên nứa, mái lá tranh che thì chẳng có gì mà bán. Chưa kể, những ngày chăm Hưng ở viện, 2 đứa em gái nhỏ của Hưng không người trông coi ở nhà.
Để giúp đỡ cháu bé qua cơn hiểm nghèo, bạn đọc có thể liên hệ: - Chị Hồ Thị Thơm qua SĐT: 0971403917. Hoặc - Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An; ĐT/Fax: 038.8601010; Mobil: 0912329293 Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung. |
Tác giả: Nhâm Thân - Duy Cường
Nguồn tin: Báo Người đưa tin