Căn nhà nhỏ, lụp xụp và tăm tối dưới những bóng cây hồng xiêm to là chỗ trú ngụ của gia đình bà Vũ Thị Thành (Xóm 4, Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) mà chúng tôi đã trở về thăm theo địa chỉ của lá đơn cầu cứu. Anh Ngô Văn Dũng - Bí thư xóm 4 không giấu được sự lo lắng và ái ngại trên gương mặt khi kể về bà.
“Hoàn cảnh nhà bà thì bi đát và khổ nhất vùng này, ai cũng biết cô ạ. Chồng bà thì chết lâu rồi, bà giờ cứ ở đây nuôi 2 đứa con tâm thần, có làm được gì đâu. Năm trước anh Chung là con trai bà còn đánh bà đến nhập viện nên chúng tôi lo lắm. Hiện giờ bà cũng yếu quá rồi, không làm được gì nên có 1 cô con gái lấy chồng ở gần đây thường xuyên chạy về với mẹ nhưng hoàn cảnh cũng nghèo nên không đỡ đần được mẹ nhiều”.
Nói rồi anh Dũng chỉ cho chúng tôi vào thăm bà Thành khi bà đang nằm 1 mình trên chiếc giường cũ kê ở góc nhà. 85 tuổi, bà già và đã khá mệt mỏi nên gần như không làm được việc gì cả. Đỡ bà ngồi dậy 1 chút, bà bảo: “Các cô chú nhìn hộ tôi 2 cái đứa kia nó đang ngồi chỗ nào với, xem 2 đứa có đang đánh nhau không thì can hộ tôi với”.
Ở góc đằng kia của ngôi nhà là hai anh chị Ngô Thị Dung và Ngô Đình Chung đang ngồi thẫn thờ nhìn rồi thi thoảng lại cười trong vô thức. Theo lời kể của gia đình thì anh chị mang bệnh kể từ khi sinh ra nên trong suốt mấy chục năm qua mọi sinh hoạt đều 1 tay bà Thành chăm sóc. Giờ bà già yếu thì thi thoảng có chị Xuân (là con gái bà Thành) lấy chồng ở gần đó chạy qua chạy lại nhưng chị cũng nghèo nên không giúp được gì cho mẹ.
“Với tình hình hiện tại của bà Thành thật sự là chúng tôi rất ái ngại. Hàng tháng 3 mẹ con sống dựa vào mấy đồng trợ cấp ít ỏi nên cũng thiếu thốn trăm bề. Ở địa phương vào những dịp lễ, tết chúng tôi đều ưu tiên cho gia đình bà nhưng cũng không thấm vào đâu cô ạ. Hiện gia đình bà còn thờ liệt sĩ chống Pháp là ông Ngô Đình Vân (anh trai chồng bà Thành) nữa”.
Anh Dũng tiếp tục tâm sự với chúng tôi rồi đi khảo sát ngôi nhà bà với tâm trạng đầy lo lắng vì nó đã xuống cấp trầm trọng. Bà thì già, chân tay run lẩy bẩy nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn nên kể được hết những tháng ngày chăm con với khổ sở trăm bề. Bà kể với giọng còn nghẹn đắng như chực trào khóc nhưng nước mắt cũng cạn rồi, bà chỉ ngồi bần thần, im lặng.
“Tôi già rồi cũng sẽ phải theo ông bà tổ tiên thôi. Tôi mà nằm xuống chỉ lo cho 2 đứa nó, chúng dại người, dại nết, giờ mấy chục tuổi đầu rồi còn đánh nhau tranh nhau cả chỗ ngủ thì ai mà nuôi nổi chúng đây”.
Bà nghẹn ngào khi hai tay đang run run phải bám vào thành giường mới không ngã xuống. Nỗi lo sợ của bà cũng là điều trăn trở của chúng tôi khi nhìn vào hoàn cảnh thực tại. Ở tuổi của bà đáng ra phải được vui vầy bên con cháu, chứ không phải sống cả một đời chật vật và khổ sở như giờ.
Đang trò chuyện nhưng mệt quá nên bà lại xin phép nằm xuống. Lặng nhìn bà, người mẹ gầy mòn, héo hon vì tuổi tác nay lại càng kiệt quệ, u buồn hơn vì suy nghĩ lo lắng cho con. Ở tuổi gần đất, xa trời rồi… bà còn bao nhiêu thời gian nữa mà sao lại khổ thế, bà ơi. Giá mà có phép nhiệm màu để bà bớt khổ, dù chỉ là 1 chút thôi, có lẽ với bà cũng là 1 niềm an ủi.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Bà Vũ Thị Thành (Xóm 4, Ngô Khê, Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam) Số ĐT: 0166.772.5577 (Số ĐT của chị Xuân, con gái bà Thành) |
Tác giả: Phạm Oanh
Nguồn tin: Báo Dân trí