Nhân ái

Xót thương người phụ nữ quét chợ cô độc trong túp lều rách nát

Hơn 60 tuổi, người đàn bà ấy chẳng có gì ngoài túp lều rách nát. Không chồng, không con, không tài sản... Bao năm qua cuộc sống của bà triền miên trong đói nghèo, bệnh tật. Giờ đây bà chỉ ước “ Có ít tiền để lợp lại cái lều cho khỏi dột, và khi chết thì có một cỗ quan tài tử tế”

Được chị Dung- một người dân địa phương chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nơi ở của bà Trần Thị Lan (62 tuổi)- người phụ nữ cô đơn được ví như “Chị Dậu của thế kỷ 21”. Thật xót xa, khi được tận mắt thấy cuộc sống của bà, nó còn tồi tệ hơn rất nhiều những gì đã mường tượng trước đó... Túp lều rách nát, sực mùi xú uế của bà Lan nằm lẫn trong mấy lùm cây ở một góc chợ, ngập ngụa trong nước thải và rác rưởi. Để vào được bên trong túp lều, chúng tôi phải khom lưng, rón rén lách người qua tấm liếp. Bởi, nếu không cẩn thận sẽ khiến túp lều đổ sụp ngay tức khắc.

Nơi ở của bà Trần Thị Lan(62 tuổi)- thuộc khu 1- Đồn Vực - xã Đồng Lương - huyện Cẩm Khê - tỉnh Phú Thọ
Nơi ở của bà Trần Thị Lan(62 tuổi)- thuộc khu 1- Đồn Vực - xã Đồng Lương - huyện Cẩm Khê - tỉnh Phú Thọ
…Là túp lều rách nát.
…Là túp lều rách nát.
Các cột chống đã mục ruỗng, mái lá thì rách toang hoang.
Các cột chống đã mục ruỗng, mái lá thì rách toang hoang.

Như thấu hiểu những điều lo lắng của chúng tôi. Chị Dung ái ngại cho biết:“ Khổ lắm các bác ạ, bà ấy sống một mình trong cái lều nát ấy mấy chục năm rồi, không điện, nước thì bà lấy từ con ngòi lên, lại chẳng có nơi vệ sinh. Cái lều thì chả biết sập lúc nào, hôm nào vào phiên chợ ai cho gì ăn nấy, còn ngày nào cũng chỉ có nồi cháo loãng thôi…”

Những thứ được coi là “tài sản” của người phụ nữ cô đơn
Những thứ được coi là “tài sản” của người phụ nữ cô đơn

Được biết, bà Lan là chị cả trong một gia đình nghèo khó lại đông anh em. Vốn dĩ không được khôn ngoan lanh lợi, lại kém sắc, nên tuổi xuân nhanh chóng qua đi mà chị vẫn một mình. Khi đã qua tuổi 30 chị Lan đành cam phận không chồng. Túp lều được dựng lên ở góc chợ làng, kể từ đấy cuộc đời của người phụ nữ cô đơn cứ thế trôi đi cùng với công việc quét chợ buồn tẻ…

Chỗ ngủ bao năm qua của bà
Chỗ ngủ bao năm qua của bà

Thời gian thấm thoát trôi, sau 30 năm túp lều đã quá rách nát. Các cây cột chống hầu như đã mục ruỗng, mái lá thì rách toang hoang, khiến trời nắng cũng như trời mưa, trong nhà cũng hay ngoài trời chẳng khác gì nhau. Những thứ được gọi là “tài sản” là 2 cái nồi nhôm cũ méo mó, vài cái vại đựng nước và một cái giường đã gãy.

Mấy chục năm nay bà sống trong cảnh thiếu thốn không điện, không nước...
Mấy chục năm nay bà sống trong cảnh thiếu thốn không điện, không nước...

Ngồi trên cái giường đã sập 1 nửa, 2 tay cứ vò đi vò lại vạt áo nhăn nhúm, bà Lan ngại ngùng giãi bày : “ Chị cũng biết ở như thế này không được, nhưng biết làm sao, hàng tháng chị chỉ có 60 nghìn đồng tiền công quét chợ, với mấy trăm tiền trợ cấp đơn thân, còn chẳng đủ để mua thuốc. Phải hôm nào tới phiên chợ, mọi người thương cho cái bánh, mớ rau, ngày thường thì đói cô ạ…”

Nước sinh hoạt thì bà lấy ở con ngòi sau “nhà”, chứa vào chum vại để lắng trong rồi dùng.
Nước sinh hoạt thì bà lấy ở con ngòi sau “nhà”, chứa vào chum vại để lắng trong rồi dùng.

Nhìn khắp lượt túp lều rách nát, tôi rùng mình khi nghĩ, bằng cách nào mà người đàn bà này có thể “sống” được ở đây bao năm qua. Dường như đọc được những trăn trở trong tôi, bà Lan ngậm ngùi: “ Cuộc đời chị nó như vậy đấy, chị chả biết sống được bao lâu nữa. Mấy năm nay chị hay đau yếu, nhưng cũng chẳng đi khám bao giờ, cứ đau là ra ngay hiệu thuốc đầu chợ mua thuốc uống thôi. Chị chỉ ước có ít tiền để lợp lại cái mái cho khỏi dột, lúc chết thì cho chị cái áo quan tử tế!....”. Nói rồi bà đưa tay gạt đi dòng nước mắt mặn chát, đang lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo…

Do sức yếu nên công việc hằng ngày của bà là quét chợ, với tiền công 60 ngàn đồng/ tháng.
Do sức yếu nên công việc hằng ngày của bà là quét chợ, với tiền công 60 ngàn đồng/ tháng.

Những giọt nước mắt buồn tủi của người phụ nữ cô đơn, khiến không gian như chùng xuống. Là người cùng thôn thấu hiểu cảnh đời éo le này, chị Chu Thị Yên, trưởng khu 1, ái ngại chia sẻ: “ Hoàn cảnh bà Lan ai cũng thương xót. Bà Lan sức yếu không làm được gì, thu nhập chỉ có tiền công quét chợ mấy chục một tháng, và mấy trăm trợ cấp xã hội. Năm trước theo chương trình xóa nhà tạm, xã có ưu tiên xét duyệt cho bà ấy. Nhưng nói thật số tiền đó ít quá, muốn làm nhà phải vay thêm nhiều nên bà ấy sợ không dám nhận. Bà con quê tôi còn nghèo lắm, nên cũng chẳng hỗ trợ được mấy…”

Nghèo đói, bệnh tật cô quạnh trong túp lều rách nát, người phụ nữ này đang đối diện với một tương lai u ám đầy bất trắc!
Nghèo đói, bệnh tật cô quạnh trong túp lều rách nát, người phụ nữ này đang đối diện với một tương lai u ám đầy bất trắc!

Trời đã về chiều, túp lều tối om đầy muỗi, bà Lan bần thần lần ra ngồi bệt trước nhà, hướng ánh mắt buồn thảm ra phía chợ làng đã vắng ngơ, vắng ngắt. Không khí u ám như chính phận đời của bà vậy…Không biết ngày mai, ngày kia… cuộc sống của người phụ nữ cô quạnh này sẽ ra sao!? Khi mà nghèo đói, bệnh tật vẫn đang bủa vây lấy bà…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 2855: Bà Trần Thị Lan , khu 1, Đồn Vực , xã Đồng Lương , huyện Cẩm Khê , tỉnh Phú Thọ

ĐT: 0163 910 3263 (sđt Chị Dung là hàng xóm ở gần bà Lan)

Tác giả: Hương Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok