Ngày 6/4, trao đổi với Tiền Phong, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) Vũ Minh Thoại cho biết, năm nay ở địa phương không tổ chức Lễ hội đua voi do dịch COVID-19.
“Cứ 2 năm chúng tôi tổ chức một lần Lễ hội đua voi, kết hợp với Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Các nài voi (quản tượng) sẽ cho voi chạy trên bãi đất trống, gần trung tâm văn hóa huyện cự ly đi và về khoảng 200 mét. Ở huyện Buôn Đôn không có trường đua voi”, ông Thoại khẳng định.
Nhiều ý kiến cho rằng ngữ liệu SGK tập 2, lớp 3 sai thông tin thực tế. |
Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lắk H’Loan Buôn Đắp cho biết: Lễ hội đua voi thường được tổ chức bên hồ Lắk để thu hút khách du lịch và kêu gọi xúc tiến đầu tư cho địa phương.
“Voi chỉ chạy cự ly khoảng 50 mét. Ban tổ chức không để đàn voi chạy năm cây số, nếu làm vậy chúng sẽ kiệt sức. Ở huyện Lắk không có trường đua voi nào”, bà H’Loan Buôn Đắp nói.
Còn anh Y Vinh Ê Ung (quản tượng voi, SN 1985, trú tại thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) nói rằng, anh đang chăm 2 con voi tên là Y khăm Sen (29 tuổi) và Y Măm (40 tuổi).
“Chúng tôi chưa khi nào tổ chức cho voi chạy cự ly dài năm cây số”, anh Y Vinh Ê Ung cho biết.
Trước đó, trên một số diễn đàn mạng xã hội xuất hiện những ý kiến cho rằng trong bài "Hội đua voi ở Tây Nguyên" của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 (tập 2, nhà xuất bản Giáo dục do Nguyễn Minh Thuyết chủ biên) có những nội dung phi thực tế.
Theo đó ở trang 60, mục tập đọc sách này nói về Hội đua voi ở Tây Nguyên viết rằng: “Trường đua voi là một đường rộng phẳng lì, dài hơn năm cây số”.
“Với cụm từ “trường đua voi...” người đọc sẽ hiểu: việc tổ chức đua voi có “trường đua” hẳn hoi.
Trong thực tế, nơi tổ chức đua voi thay đổi ở nhiều nơi, tùy theo từng kỳ đua; nơi nào có bãi đất trống, tương đối rộng, thuận lợi cho tổ chức, điều hành và cho người dân, du khách theo dõi thì được chọn làm nơi đua (ví dụ các hội đua voi ở Bản Đôn, Đắk Lắk từng tổ chức tại đường băng Sân bay Bản Đôn, tổ chức trong Khu du lịch văn hóa - sinh thái Bản Đôn, tổ chức cạnh Nhà văn hóa cộng đồng Bản Đôn, tổ chức tại khu đất trống gần mộ Ama Kông...). Nơi đua voi không phải một đường rộng phẳng lì mà là bãi đất trống, có thể là đất sản xuất nông nghiệp, sau khi thu hoạch sản phẩm, ban tổ chức cho san ủi tương đối bằng phẳng”, một bình luận trên facebook cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, hiệu trưởng trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Bài tập đọc “Hội đua voi ở Tây Nguyên” nằm trang 60, SGK Tiếng Việt lớp 3. Đây là tác phẩm của tác giả Lê Tấn được nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa hiện hành đưa vào chương trình. Tác phẩm với lối hành văn rất hay, văn phong trong sáng, khi dạy học sinh rất thích vì khám phá, tìm hiểu được văn hóa của một vùng đất khác. Học những tác phẩm như vậy, học sinh sẽ thêm yêu quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, nếu bài học có ngữ liệu không đúng kiến thức thực tế cũng cần xem xét, chỉnh sửa lại. Dù đó là tác phẩm văn học, nhà văn có quyền hư cấu nhưng nội dung quá xa vời thực tế đem vào dạy học sinh cũng không nên.
Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên dạy tiểu học ở Hà Nội cũng cho rằng, “Hội đua voi ở Tây Nguyên” là một bài tập đọc thú vị, quen thuộc đối với học sinh. Do không có điều kiện tìm hiểu về văn hóa của vùng đất Tây Nguyên nên lâu nay, cô vẫn cho trò đọc hiểu như vậy. "Nếu thông tin bài đọc không đúng thực tế thì nên sửa chữa hoặc cắt bỏ để học sinh tránh hiểu sai về kiến thức văn hóa", cô Huyền nói.
Phóng viên đã liên hệ lãnh đạo Bộ GD&ĐT về thông tin kể trên, đại diện đơn vị này cho biết sẽ nghiên cứu, xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.
Tác giả: Vũ Long - Hà Linh - Nguyễn Thảo
Nguồn tin: Báo Tiền Phong