Trong tỉnh

Xô xát với cảnh sát hình sự khi đá bóng: Khởi tố chưa thuyết phục!

Luật sư cho rằng 2 căn cứ quan trọng để buộc tội là vật chứng và mục đích gây thương tích đều chưa được cơ quan tố tụng xác định và làm rõ.

Sân bóng nơi xảy ra va chạm giữa cầu thủ hai bên. Ảnh: Tuyết Yến.

Không thu giữ vật chứng, làm sao chứng minh tội phạm

Vụ án “cố ý gây thương tích” do xô xát trong khi đá bóng với đội FC Hình sự Thanh Hóa vẫn đang trong giai đoạn tố tụng và sẽ được TAND tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử trong thời gian tới. Vụ việc có nhiều tình tiết gây tranh luận về căn cứ buộc tội các bị cáo.

Theo luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Công ty Luật hợp danh The Light), Lê Đăng Trung và nhóm bạn trong vụ án hiện đang bị truy tố theo khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự với hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm nhằm mục đích gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Do đó, việc thu giữ, giám định vật chứng và xác định được mục đích, động cơ của các đối tượng trong vụ án là rất quan trọng và mấu chốt để xác định có hay không có hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, trong vụ việc xô xát giữa anh Lê Đăng Trung với anh Đỗ Xuân Hùng (cán bộ công an hình sự của CA tỉnh Thanh Hóa) trên sân bóng đá ngày 17/2/2020 mà TAND tỉnh Thanh Hóa đang thụ lý hồ sơ, có 2 căn cứ quan trọng để buộc tội là vật chứng và mục đích gây thương tích đều chưa được cơ quan tố tụng xác định và làm rõ.

Tại Kết luận điều tra và Cáo trạng, đồ vật Trung và nhóm bạn sử dụng đều không thu giữ được, không thể xác định là loại vật dụng gì, đặc điểm, cấu tạo như thế nào và có được xác định là hung khí nguy hiểm hay không?

Trang 4 bản Kết luận điều tra số 2015 của cơ quan CSĐT Thanh Hóa ghi nhận: “Không thu giữ được vật chứng", trang 3 bản Cáo trạng số 55/CT-VKS-P2 cũng khẳng định: “Về vật chứng của vụ án: Cơ quan điều tra không thu giữ được".

Theo luật sư Trang, lời khai của các bị can đều khẳng định đó là các vật dụng là đồ chơi bằng nhựa, trong khi cơ quan điều tra nói đó là hung khí. Bởi vậy, việc giám định là vô cùng quan trọng để chứng minh sự thật rằng vật đó là gì.

Có cần thiết khởi tố hình sự?

"Một yếu tố quan trọng khác là hình ảnh camera về những đồ vật bị cho là hung khí do nhóm bạn của Lê Đăng Trung mang đến, nhưng không rõ vì sao những đồ vật này không bị thu giữ, không được giám định trong quá trình điều tra vụ án", luật sư Lưu Thị Kiều Trang nêu nghi vấn?

Căn cứ khoản 6 điều 134 Bộ luật hình sự thì cơ quan điều tra phải chứng minh được hung khí nguy hiểm để gây thương tích; cũng theo Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng thẩm phán TCNDTC thì hung khí nguy hiểm là vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công, như búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

Trong vụ án này cả hai dấu hiệu trên đều được cơ quan điều tra suy diễn để buộc tội chứ chưa có tài liệu chứng cứ bằng vật chất để chứng minh. Đây là sự suy diễn, chủ quan trong chứng minh tội phạm, đi ngược lại nguyên tắc chứng minh chứng cứ vật chất trực tiếp trong khoa học hình sự mà pháp luật đã quy định.

Đồng thời, mục đích của các bị cáo đến sân bóng là để đưa Lê Đăng Trung về trước sự đe dọa và quây đánh của một nhóm khoảng 6 đến 7 người. Khi đến, anh Đỗ Xuân Hùng và nhóm bạn trong FC Hình sự Thanh Hóa đã rời khỏi đó.

Bản Kết luận điều tra của cơ quan công an và Cáo trạng của Viện kiểm sát trong vụ việc này cùng thể hiện “anh Hùng cùng mọi người lên xe đi về” tại thời điểm bị cáo Trung gọi điện cho bạn bè đến đón về. Mục đích của nhóm Tuân, Kiên, Đại... xuất hiện tại sân bóng không nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho anh Đỗ Xuân Hùng hoặc bất kỳ ai.

"Do đó, việc quy kết mục đích của các bị cáo đến sân bóng là để gây thương tích cho Hùng là không có căn cứ, mang tính suy đoán buộc tội và áp đặt", luật sư Trang nói.

Cần nhìn nhận rõ bản chất sự việc này là Lê Đăng Trung bị nhóm cầu thủ đối phương quây đánh, cố gắng vùng vẫy thoát nạn và gọi người thân đến đưa về, chứ không phải đến để tiếp tục đánh nhau.

Việc các bị can có mặt tại sân bóng để đưa Trung về và không gặp bất cứ ai của đội FC Hình sự Thanh Hóa đã được cáo trạng thừa nhận. Các bị can không đi tìm anh Đỗ Xuân Hùng đang ở đâu, không có hành vi kích động tập trung lôi kéo.

"Do đó việc khởi tố, truy tố Lê Đăng Trung và nhóm bạn về hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm để gây thương tích cho người khác theo tội danh “cố ý gây thương tích” là chưa đủ căn cứ, đi ngược lại nguyên tắc suy đoán vô tội của pháp luật", luật sư Kiều Trang nói.

Theo luật sư Lưu Thị Kiều Trang, với những va chạm nhỏ, các bên nên bình tĩnh giải quyết và xem xét thận trọng việc có cần thiết dùng đến biện pháp hình sự để xử lý. Đặc biệt, trong vụ án nói trên, người bị vây đánh là anh Lê Đăng Trung cũng có thể là bị hại nhưng sau đó trở thành bị can, khiến cho dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về việc có hay không chuyện lợi dụng pháp luật để giải quyết mâu thuẫn cá nhân?

Tác giả: Linh Nhi

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok