Hãng xe Doanh Lý nhồi nhét 150 hành khách trên chiếc xe 45 chỗ từ Thanh Hoá đi Hà Nội rạng sáng ngày 10/2 (tức mùng 6 Tết Kỷ Hợi 2019) |
Sáng ngày 10/2 (tức mùng 6 Tết Kỷ Hợi 2019), đường dây nóng của Tạp chí Giao thông vận tải nhận được phản ánh của độc giả có tên “Nguyễn Thanh T.” kèm theo hình ảnh và flie ghi âm, với nội dung nhà xe “Doanh Lý” đã “lừa dối” hành khách, nhồi nhét khoảng 150 người trên chiếc xe 45 chỗ, tự ý đẩy giá vé tăng gấp 2, gấp 3 lần so với quy định. Đặc biệt, sau khi hành khách có ý định phản ánh về chất lượng dịch vụ, ngay lập tức phụ xe đã giở thói côn đồ, văng tục và dọa đánh hành khách.
Theo lời kể của chị T., sáng ngày 10/2, tại xã Quảng Lộc (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá), chị bắt xe Doanh Lý đi BX Giáp Bát (Hà Nội). Tại đây, phụ xe cam kết mỗi người một giường và thu đúng giá vé niêm yết. Theo lời phụ xe, chị T. đồng ý lên xe đi Hà Nội. Tuy nhiên, khi lên xe phụ xe “trở mặt” với chị T. và nhiều hành khách khác, xe không sắp xếp được chỗ nằm mà bắt khách ngồi co ro ở đường luồng. Thậm chí một giường được phụ xe nhồi nhét 3 - 4 người.
“Ngồi sát vô để cho xe xếp khách, ngồi sát vô giùm cái đi. Ngồi sát...ngồi sát vô cô chú ơi! Ngồi co chân lại, sát nữa vô". Phụ xe liên tục la hét, mặc cho hành khách nói "ngồi co ro rồi còn chỗ nào nữa đâu mà sát.
Do nhồi nhét khách, nên trong xe chật cứng, đứng ngồi lộn xộn, đến nỗi cửa chính đông người đứng quá, khách lên xe sau không leo được lên xe bèn trèo qua cửa lái xe, chen vào và chấp nhận ngồi xổm giữa các hành khách đã ngồi ken kín trước đó.
Ngoài việc nhồi nhét trái quy định, nhà xe Doanh Lý “chặt chém” hành khách 200 nghìn đồng/người/lượt |
Chiếc xe lăn bánh chừng khoảng 40 km, khi tới địa phận huyện Bỉm Sơn, nhà xe Doanh Lý “gõ đầu” từng người, thu 200 nghìn đồng/người/lượt, mà không phát hành vé theo quy định.
Trước một mức giá chặt chém kịch khung, trong khi chất lượng phục vụ không tương xứng, nhiều hành khách trên xe phản ánh đòi quyền lợi thì ngay lập tức, phụ xe Doanh Lý văng tục, chửi thề: "Đi không đi thì xuống m* đi. Xe trả tiền lại cho các ông, các bà xuống...”
Cũng theo thông tin phản ánh, không chỉ riêng chuyến xe này, mà hầu hết các tuyến xe thuộc hãng xe Doanh Lý hoạt động tại BX Giáp Bát luôn trong tình trạng nhồi nhét khách và chặt chém, ép giá hành khách gấp đôi, gấp ba so với với quy định, bất kể quãng đường xa hay gần.
Trong nhiều trường trường hợp, nhà xe này còn có hành vi côn đồ, miệt thị hành khách.
Đơn cử như trong dịpTết Kỷ Hợi 2019, nhà xe này áp dụng chính sách chỉ cho người nhỏ con, ít đồ lên xe để “nhồi nhét” được nhiều người. Những người to lớn có ý kiến đều bị thẳng tay đuổi xuống giữa đường.
Thậm chí, chiếc xe mang BKS: 36B-020.98 của hãng xe Doanh Lý cùng một lúc “tàng hình” qua nhiều các chốt chặn thuộc Cục CSGT (Bộ Công an) làm nhiệm vụ trên cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Pháp Vân và trạm CSGT cửa ngõ phía Nam Hà Nội, mà không bị xử lý, trước sự khó hiểu của nhiều người. Phải chăng chiếc xe này và vô số chiếc xe khác của hãng xe này được “bảo kê” nên mới cả gan lộng hành và xem thường pháp luật đến vậy?
|
Nhiều hành khách tỏ ra bức xúc trước hành vi vi phạm của nhà xe Doanh Lý và đồng loạt kêu gọi tẩy chay nhà xe này |
Trước đó, Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã yêu cầu Tổng công ty Vận tải Hà Nội nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường xe đáp ứng nhu cầu trong đợt cao điểm. Đặc biệt, cần ngăn chặn việc đầu cơ, buôn bán vé, tăng giá vé, giá cước vận tải trái phép, hạn chế tối thiểu hiện tượng ùn ứ khách tại các bến trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán...
Không những vậy, đại diện Công ty CP Bến xe Hà Nội đã yêu cầu các nhà xe không được tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhằm hỗ trợ người dân đi lại dịp này. Nếu nhà xe nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Đặc biệt, tại cuộc họp tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết 2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị trong ngành nâng cao trách nhiệm, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, không được chủ quan, lơ là trong đảm bảo ATGT và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Trong đó, các đơn vị đặc biệt chú ý không được tự ý tăng giá vé ở tất cả các lĩnh vực của ngành.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là phải bình ổn giá, tất cả các lĩnh vực phải ổn định giá vé, không để xảy ra tình trạng tự ý tăng giá vé trong dịp Tết, giá vé phải được niêm yết công khai, ngăn chặn tình trạng “cò vé” và cần có giải pháp lồng ghép chống gian lận.
Trước những sai phạm trong kinh doanh vận tải của nhà xe “Doanh Lý”, các cơ quan chức năng sẽ có động thái xử lý như thế nào?
Điều 23 Nghị định 46 quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ đã phân loại các mức phạt khác nhau đối với xe chạy cự ly dưới và trên 300 km. Đồng thời, nghị định cũng phân chia mức độ vi phạm để phạt với từng loại xe có số ghế ngồi khác nhau. Các mức phạt cơ sở sẽ được áp dụng từ mức: Chở quá 2 người trở lên đối với xe 9 chỗ; Chở quá từ 3 người trở lên đối với xe 10 - 15 chỗ; Chở quá từ 4 người trở lên đối với xe 16 - 30 chỗ; Chở quá từ 5 người trở lên đối với xe trên 30 chỗ. Theo đó, đối với cự ly dưới 300 km, Khoản 2, Điều 23 quy định,phạt tiềntừ 400 - 600 nghìn đồng/người mà nhà xe chở vượt quá quy định nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt). |
Tác giả: HÀ THANH
Nguồn tin: tapchigiaothong.vn