Xe

Xe bán tải có thể tăng giá hàng trăm triệu đồng

Với đề xuất tăng hơn 200% thuế Tiêu thụ Đặc biệt từ các mức 15 - 25% lên 30 - 54%, tùy dung tích xy-lanh, phân khúc bán tải tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ "rã đám" khi dòng xe này mất đi lợi thế về giá bán.

Liên tiếp đề xuất thay đổi chính sách - thị trường náo loạn

Trong một thời gian ngắn, các cơ chức năng liên tiếp đưa ra những đề xuất tăng thuế/phí không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang mà ngay cả các doanh nghiệp ôtô nói chung và xe bán tải nói riêng rơi vào tình trạng không thể lên phương án kinh doanh để thích ứng.

Cuối năm 2015, Chính phủ quyết định việc thay đổi cách tính thuế Tiêu thụ Đặc biệt (TTĐB) mới đối với ôtô; đến 7/2016 là đợt thay đổi thuế suất thuế TTĐB; đến tháng 6/2017 là đề xuất thu thuế TTĐB dòng xe bán tải tương tự xe du lịch dưới 9 chỗ cùng dung tích; và tháng 8 này thêm một đề xuất mới: mức thu thuế TTĐB dành cho xe bán tải bằng 60% so với xe du lịch cùng dung tích.

Trong đó, riêng đề xuất lần này, dự kiến Bộ Tài Chính sẽ trình Chính phủ ngay trong tháng 9 tới để kịp trình thường vụ Quốc trong kì họp cuối năm nay.

Dòng xe bán tải được ưa thích không chỉ bởi trang thiết bị tiên tiến, mà còn bởi giá bán hợp lí


Tất cả xe bán tải tại Việt Nam hiện nay được nhập khẩu từ Thái Lan (ngoại trừ mẫu Pronto đã dừng lắp ráp) và việc lên kế hoạch kinh doanh, đặt hàng, nhập xe cũng đã mất hàng tháng trời để nhà sản xuất có thể lắp ráp và sản xuất xe cho thị trường Việt Nam. Do chính sách liên tục thay đổi, hầu hết các nhà sản xuất xe đều không thể có được phương án kinh doanh tối ưu (đặc biệt là cách tính giá bán phù hợp), hoặc nếu có cũng chỉ mang tính tạm thời.

Trong khi đó, đối với người tiêu dùng Việt Nam, việc mua một chiếc ôtô không bao giờ là một quyết định nhất thời, mà là một quá trình, có sự tính toán và chuẩn bị. Và rõ ràng ảnh hưởng của việc tăng thuế, giá bán tăng cao sẽ khiến kế hoạch mua xe của người tiêu dùng sẽ bị thay đổi và kéo dài thêm.

Nhiều ý kiến trái chiều

Cách đây ít lâu, trong cuộc tọa đàm về công nghiệp ô tô ở Bộ Công Thương, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch tập đoàn ôtô Trường Hải cho rằng cần rà soát lại chính sách ưu đãi đối với dòng xe bán tải nhập khẩu về Việt Nam do được được hưởng lợi quá nhiều từ chính sách thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ) trong khi được sử dụng như xe du lịch. Ông Trần Bá Dương cho rằng, thực tế này tạo ra sự không công bằng giữa dòng xe bán tải với xe con.

Xe bán tải ngày càng có nhiều trang bị an toàn và hiện đại


Tuy nhiên, đại diện một thương hiệu kinh doanh dòng xe bán tải tại Việt Nam lại cho biết, đề xuất tăng thuế TTĐB (và sắp tới có thể bao gồm cả phí trước bạ và thuế Giá trị Gia tăng), sẽ làm mất lợi thế dòng xe này và là sự kết thúc của thời kì bùng nổ ở phân khúc xe bán tải. Lợi ích trước mắt khi tăng thuế có thể nhìn thấy, nhưng về lâu dài sẽ không còn doanh số 2.000 xe/tháng như trong những năm gần đây và sẽ không có gì đảm bảo việc tăng thuế có thể bù đắp nguồn thu đến từ doanh số lớn (nhiều chi phí, dịch vụ và cả việc làm đi theo).

Giá bán tăng thêm hàng trăm triệu đồng

Theo thống kê, năm 2015, số lượng xe bán tải bán ra là 16.741 xe, năm 2016 đạt 23.099 xe, chiếm hơn 7,5% thị phần (chỉ xếp sau dòng sedan và SUV); 7 tháng đầu năm 2017 đạt gần 13.598 xe. Sự tăng trưởng này là do dòng xe này được ưa chuộng bởi sự đa dụng và quan trọng nhất là giá bán hợp lí nhờ hưởng những chính sách ưu đãi chung trong khu vực. Và đã khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang bởi với sự thay đổi này sẽ khiến giá xe tăng lên hàng trăm triệu đồng, một con số vô cùng lớn.

Chính vì vậy, đề xuất tăng thuế của xe bán tải tương đương với dòng xe du lịch dưới 9 chỗ sẽ đánh mất đi lợi thế của dòng xe này. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số của phân khúc, và như vậy chắc chắn tác động đến nguồn thu của Nhà nước thông qua thuế.

Hiện tại, cơ cấu tính giá xe bán tải hiện tại ở Việt Nam (chưa bao gồm các khoản chi phí liên quan đến vận chuyển trong nước, chi phí về quảng cáo, nhà xưởng và nhân sự, và cả lợi nhuận của nhà nhập khẩu/phân phối).


A: Giá nhập khẩu CIF (Cost: Giá xuất xưởng, Insurance: Bảo hiểm, Freight: Vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam).

B: Giá sau khi nộp thuế nhập khẩu = A + (Giá nhập khẩu x 5%)

C: Giá sau khi nộp thuế Tiêu thụ Đặc biệt = B + (Giá sau thuế nhập khẩu x thuế suất thuế TTĐB từ 15-25%)

D: Giá sau khi nộp thuế Giá trị Gia tăng = C + (Giá sau thuế TTĐB x 10%)

Phân khúc xe bán tải tại Việt Nam hiện phổ biến là dòng động cơ dưới 2.500cc, có giá nhập khẩu CIF khoảng 450 triệu đồng, chiếc xe sẽ có phải chịu mức thuế nhập khẩu 5% (22,5 triệu đồng), thuế TTĐB 15% (khoảng 70 triệu đồng), và sau đó là thuế Giá trị Gia tăng (khoảng 54 triệu đồng). Cộng với các chi phí khác và lợi nhuận củ doanh nghiệp, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng khoảng 650 triệu đồng (chưa tính phí trước bạ).

Sự lớn mạnh không ngừng của phân khúc xe bán tải từ năm 2010 tới nay, phần lớn là nhờ các chính sách thuế/phí phù hợp với người tiều dùng.


Trong khi đó, nếu đề xuất tăng thuế TTĐB cho dòng xe này lên 30% (khoảng 140 triệu đồng), giá xe sẽ tăng lên tới hơn 740 triệu đồng. Và con số này sẽ tăng cao hơn nữa đối với các dòng động cơ trên 2.500cc và đặc biệt là trên 3.000cc (Ford Ranger, Mazda BT-50).

Như vậy, nếu đề xuất tăng thuế TTĐB đối với dòng xe bán tải chính thức được thông qua, có thể thấy trước tương lai "xám xịt" của phân khúc này khi mà việc tăng giá sẽ đánh mất đi lợi thế về giá bán, người tiêu dùng quay lưng. Và về lâu dài, nếu doanh số giảm sút, điều gì có thể khẳng định các hãng sẽ tiếp tục đưa dòng xe này về Việt Nam?

Tác giả: Như Phúc

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok