Trong tỉnh

Xây khu xử lý rác 12 tỉ đồng rồi bỏ... không

Được đầu tư tới 12 tỉ đồng, dự án xử lý rác thải của huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa mới xử lý được vài xe rác rồi bỏ không gần 3 năm qua.

Dự án này do UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư, với công suất xử lý 7-9 tấn rác/ngày; khi đi vào hoạt động, công trình sẽ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân xã Xuân Bình, Bãi Trành và các vùng phụ cận của huyện Như Xuân.

Dự án được khởi công tháng 5-2018, đưa vào vận hành tháng 4-2019. Công trình sau đó được huyện Như Xuân bàn giao cho UBND xã Xuân Bình vận hành, khai thác. Tuy nhiên, sau 3 năm đi vào hoạt động, dự án xử lý rác thải gần như bỏ không, để làm cảnh, gây lãng phí tiền của, tài nguyên đất đai. Trong khi huyện Như Xuân đang là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, việc chi thường xuyên vẫn đang phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước.

Ghi nhận thực tế cho thấy, công trình nằm ở một khu đất xa dân cư, bao quanh là những đồi cây, dự án có: nhà quản lý, nhà đặt lò đốt rác, nhà bảo vệ, nhà để xe, nhà vệ sinh, bể xử lý rác thải, bể nước, hố chôn lấp rác thải tạm thời, san nền, cổng tường rào, sân bê-tông, rãnh thoát nước, bồn hoa… Thế nhưng, do để lâu không vận hành, các hạng mục của công trình đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng.

Nhà máy xử lý rác thải được đầu tư 12 tỉ đồng nhưng để không nhiều năm qua

Bà Lê Thị Hằng (ngụ thôn Mít, xã Xuân Bình) cho biết gia đình được UBND xã Xuân Bình giao cho trông coi khu xử lý rác và được thỏa thuận trả lương 2,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, hơn 3 năm trôi qua, gia đình bà chưa nhận được đồng tiền lương nào. "Vừa qua, xã có mang tới cho gia đình tôi 10 triệu đồng, họ nói xã hiện không có tiền, chỉ có từng này, số còn lại xin gia đình "từ thiện" cho xã. Số tiền này còn không đủ tiền điện gia đình tôi bỏ ra, chứ nói gì tới tiền lương. Giờ xã họ nói thế, gia đình tôi cũng không biết phải làm thế nào" - bà Hằng buồn bực.

Còn theo ông Lò Văn Yêu (chồng bà Hằng), sau khi bàn giao công trình, lò đốt rác cũng đã đưa vào vận hành nhưng không thể chạy được vì điện quá yếu. "Lò chỉ đốt được vài xe rác rồi để không cho tới giờ. Hiện nay, thi thoảng họ đưa rác về đây và xử lý bằng cách đổ xăng đốt lộ thiên, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường" - ông Yên bức xúc.

Ông Trịnh Xuân Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, thừa nhận công trình xử lý rác thải trên địa bàn không hiệu quả và hiện nhiều hạng mục của công trình đã xuống cấp, hư hỏng do không thường xuyên được bảo dưỡng. "Đúng là công trình xử lý rác chưa phát huy được hiệu quả, bởi mục tiêu của nhà máy là thu gom rác của 2 xã và vùng phụ cận, tuy nhiên nhu cầu của dân lại không nhiều. Đến thời điểm này, chỉ có khoảng 500 hộ đăng ký thu gom rác, quá ít so với công suất của nhà máy" - ông Sơn thất vọng.

Cũng theo ông Sơn, xã đã có văn bản báo cáo huyện về việc này để đưa ra hướng xử lý, tuy nhiên cũng rất nan giải. "Chiều 15-7 vừa qua, Phòng Kinh tế - Hạ tầng và một số phòng, ban của huyện đã về làm việc với địa phương và Công ty Thành Chung (đơn vị ký hợp đồng vận hành), có đi thực tế và ghi nhận tình trạng xuống cấp, hư hỏng của nhà máy để tìm giải pháp. Tại buổi làm việc, xã đề nghị huyện sớm bố trí vốn để khắc phục, sửa chữa những hạng mục hư hỏng, sớm đưa lò đốt rác vào vận hành trở lại, chứ càng để lâu công trình sẽ càng xuống cấp" - ông Sơn khẳng định.

"Cái khó hiện nay là kinh phí để doanh nghiệp vận hành còn gặp khó khăn. Huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường và Tài chính phối hợp với các xã thống nhất số hộ thu phí để tạo nguồn kinh phí cho nhà máy hoạt động" - ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, nêu hướng giải quyết.

Tác giả: Thanh Tuấn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok