Trong tỉnh

Xây dựng nông thôn mới ở Triệu Sơn, Thanh Hoá: Nợ tiêu chí hay bệnh thành tích?

Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao có những câu chuyện cần phải phản ánh để các cấp các ngành kiểm tra, xem xét, uốn nắn kịp thời để tránh hình thức, tránh chạy theo phong trào.

Xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện bộ mặt nông thôn nước ta đảm bảo cho người nông dân có cuộc sống ngày một nâng cao, xóm, làng, thôn, bản khang trang, sạch đẹp, môi trường lành mạnh, người dân được hưởng lợi ngày một nhiều và tốt hơn từ chủ trương này.

Thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương của Đảng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền cùng với hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở ở Thanh Hóa đã hưởng ứng và vào cuộc rất quyết liệt, nên hiệu quả rất khả quan.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 13 trên 27 huyện, thị, thành với 363 xã, 717 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn nông nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2023 lượng xã đạt nông thôn mới nâng cao đạt và vượt 150% kế hoạch, sản phẩm OCOP (một trong những tiêu chí về nông thôn mới nâng cao) đạt và vượt 130%... Thanh Hóa có số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc tốp đầu cả nước; sản phẩm OCOP thuộc tốp 5 đa dạng về chủng loại…

Đây thực sự là nỗ lực không mệt mỏi của Thanh Hóa với nhiệm vụ nâng cao mức hưởng thụ về mọi mặt của người làm nông. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới đưa số huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 17 huyện.

Nhà máy nước Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá). Ảnh: Gia Bảo

Tuy nhiên, cũng cần phải nói, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao có những câu chuyện cần phải phản ánh để các cấp các ngành kiểm tra, xem xét, uốn nắn kịp thời để tránh hình thức, tránh chạy theo phong trào "anh làm được tôi cũng làm được" dù chất lượng và các tiêu chí còn nhiều bất cập.

Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi đề cập đến huyện Triệu Sơn mà qua tìm hiểu về công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, chúng tôi chỉ chọn một trong những tiêu chí "sát sườn" nhất đối với người dân; tiêu chí nước sạch.

Tháng 4/2022, huyện Triệu Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thời điểm này, Triệu Sơn có 32 xã và 2 thị trấn với tổng số hộ là 57.531, có 16.426 hộ sử dụng nước từ nhà máy nước tập trung đạt tỉ lệ 28,55%.

Theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2024-2025 với 19 tiêu chí từ quy hoạch đến quốc phòng - an ninh với rất nhiều nội dung trong các tiêu chí này.

Giấy biên nhận thu tiền nước của Nhà máy nước Thọ Ngọc, Công ty Thái Học, huyện Triệu Sơn.

Trong tiêu chí 18 về chất lượng môi trường, mục 18 chấm 1 tỉ lệ hộ dùng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung vùng I bằng hoặc cao hơn 35%; vùng II bằng hoặc cao hơn 55%.

Đối chiếu với 14 xã của huyện Triệu Sơn đã được công nhận nông thôn mới nâng cao gồm các xã: Đồng Tiến, Vân Sơn, Đồng Lợi, Thọ Vực, Nông Trường, Dân Lực, An Nông, Xuân Thịnh, Dân Lý, Minh Sơn, Xuân Lộc, Tiến Nông, Hợp Lý, Hợp Thành.

Chúng tôi vô cùng bất ngờ vì hầu hết các xã này không đạt theo bộ tiêu chí quy định về nước sạch. Thậm chí có xã không những nông thôn mới nâng cao mà còn là nông thôn mới kiểu mẫu như xã Vân Sơn, tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung chỉ có 10,7%.

Chọn tiêu chí về sử dụng nước sạch bởi "cơm ăn nước uống" không thể thiếu hàng ngày đối với con người. Nước sạch liên quan trực tiếp, lâu dài đến sức khỏe của người dân, từng gia đình, dòng họ, thôn xóm, làng bản…

Liên quan đến nước sạch ở huyện Triệu Sơn, chúng tôi muốn đề cập thêm câu chuyện một doanh nghiệp xây dựng "chui" nhà máy nước ở huyện nông thôn mới này.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Thái Học được tỉnh Thanh Hóa chấp nhận địa điểm đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch tại xã Thọ Ngọc (Triệu Sơn) theo Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 9 tháng 1 năm 2020. Lẽ ra doanh nghiệp này phải hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định mới được xây dựng.

Không biết lý do gì, không cần ai cho phép, doanh nghiệp này cứ xây rồi cấp nước chưa được kiểm nghiệm cho dân dùng. Dân dùng nước của nhà máy này với giá 9 ngàn 500 đồng một khối trong khi Công ty cấp nước Thanh Hóa và Công ty nước sạch Triệu Sơn hiện đang bán cho dân 7 ngàn 800 đồng một khối.

Bán nước cho dân dùng, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Thái Học cũng "quên luôn" xuất hóa đơn theo quy định thay vào đó mà là giấy biên nhận rồi lấy tiền…

Câu chuyện về nhà máy sản xuất nước sạch xã Thọ Ngọc của Công ty trách nhiệm hai thành viên Thái Học làm cho dư luận dậy sóng đến độ Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Thanh Hóa phải ra văn bản gửi Ủy ban nhân dân huyện Triệu Sơn kiểm tra, xác minh làm rõ…

Ở một huyện nông thôn mới như Triệu Sơn để xảy ra tình trạng trên chỉ là cá biệt trong quá trình thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trên địa bàn Thanh Hóa. Nhưng, phần nào cũng để lại hình ảnh không đẹp đối với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc ở địa phương này.

Tác giả: Gia Bảo

Nguồn tin: congdankhuyenhoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok