Trong đơn kêu cứu đến báo chí, người dân xã Hải Hà cho biết, việc hút cát làm cảng container đang có nguy cơ làm mất đi nghề truyền thống từ biển của họ. Nghề truyền thống này hiện có thể được coi là nghề kiếm sống duy nhất của người dân.
Đơn kêu cứu của người dân xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. |
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng nguyên văn đơn kêu cứu của người dân xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa):
“Chúng tôi là người dân xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi làm đơn này khẩn thiết kính trình lên các cơ quan Thông tấn Báo chí và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về vụ việc sau:
Từ bao đời nay, người dân xã Hải Hà sống chủ yếu dựa vào biển. Chúng tôi lớn lên từ biển, sống bằng nghề đi biển để làm kế sinh nhai. Nét đẹp văn hóa truyền thống của làng chài cũng được hun đúc từ bao đời nay từ nghề biển này. Chúng tôi có tục cúng Thuyền, cúng Thần Biển, cúng Ông Cá... Cũng như hàng năm tổ chức bơi thuyền, thể hiện nét đẹp văn hóa làng chài, để cầu mong một mùa ra khơi bội thu, may mắn hơn.
Hơn 10 năm qua, từ khi Khu kinh tế Nghi Sơn hình thành, các nhà máy lần lượt mọc lên: Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Nhà Nhiệt điện Nghi Sơn đã đi vào hoạt động nhiều năm và gần đây Khu liên hợp Hóa Lọc dầu…Nhà máy dầu ăn, Nhà máy gang thép…đang được xây dựng…Ở đây tất cả như một đại công trường. Người dân xã Hải Hà đã phải chịu ảnh hưởng rất nhiều, lợi ích còn chưa thấy đâu, thì những vấn đề ô nhiễm môi trường như bụi đường, bụi xỉ than, khói nhà máy, nước thải… đã khiến người dân sống trong sự bất an về nhiều mặt.
Không chỉ thế ở khu vực bờ biển xã Hải Hà cũng đã có rất nhiều cảng hoạt động. Đó là Cảng nước sâu Nghi Sơn, và các cảng Tổng hợp của các doanh nghiệp lớn hoạt động ở đây. Bến sông, bờ biển đã bị đào bới, bị lấy đi mất hơn nửa phần diện tích, chỉ còn phần bờ biển còn lại là con đường khai thông duy nhất cho thuyền của ngư dân Hải Hà neo đậu và ra biển để tiếp tục nghề đánh bắt, là nghề kiếm sống truyền thống duy nhất của người dân ở đây sau khi toàn bộ đất đai làm ruộng, đồng muối đã bị thu hồi và xóa trắng phục vụ cho xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Cảng nước sâu Nghi Sơn.
Kính thưa các cơ quan Thông tấn Báo chí, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trước đây, người dân xã Hải Hà chúng tôi ngoài nghề chính là đi biển, còn có phần diện tích đất khu Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn để làm ruộng. Năm 2007, Nhà máy được xây dựng, toàn bộ diện tích làm nông của Người dân bị thu hồi và coi như nghề nông được xóa sổ. Những người làm nông mất đất, mất nghề.
Cũng trước đó, người dân còn có đồng muối để khai thác và sản xuất muối cũng là một nghề kiếm sống của người dân chúng tôi nhưng cho đến nay toàn bộ đồng muối cũng đã bị thu hồi toàn bộ và xóa trắng nghề muối. Những người làm muối cũng thất nghiệp, mất nghề.
Người dân phản đối việc xây cảng container Long Sơn đứng trên bao tải chuyên dụng, cao to, dài ngoằng lấn chiếm bãi biển. Ảnh người dân cung cấp. |
Duy nhất cho đến nay còn lại là nghề đi biển, là nghề kiếm sống duy nhất nuôi cả gia đình, là nghề kiếm miếng cơm, manh áo của người dân.
Mặc dù vậy, do là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Hơn nữa, vì phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn nên việc thu đất hồi đất nông nghiệp, đất sản xuất muối để xây dựng nhà máy và phục vụ nhà máy chúng tôi đã tuân thủ chấp hành.
Nhưng nay, còn một phần bờ biển còn lại là con đường khai thông duy nhất cho thuyền của ngư dân Hải Hà neo đậu, và ra biển để tiếp tục nghề đánh bắt, là nghề kiếm sống truyền thống duy nhất, cuối cùng của người dân chúng tôi cũng có nguy cơ mất đi khi Cảng container Long Sơn được xây dựng thì chúng tôi thực sự hoang mang vô cùng. Rồi giờ đây chúng tôi sẽ làm gì để sống? Liệu chúng tôi có được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp như khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của chúng tôi? Nhưng chúng tôi có biết làm gì về công nghiệp mà chuyển đổi, ai tuyển dụng chúng tôi làm việc? Trước đây cũng vậy, người dân đã bị lấy mất đất nông nghiệp, mất đồng muối xong coi như thất nghiệp, sống mòn…cuộc sống mất đi niềm vui, niềm tự tôn, tự hào và sự vinh quang trong lao động nghề nghiệp. Cuộc sống bắt đầu nghèo khổ, túng quẫn dần.
Khoảng hơn hai tháng qua, chúng tôi không hiểu vì sao có một tàu hút cát xuất hiện ở gần bờ biển, thực hiện hút cát cho vào bao tải chuyên dụng dài, to, cao như con đê nằm khoanh tròn, lấn giữa bãi biển. Không những thế, tại đây còn cắm biển cấm chúng tôi ra tắm, đỗ thuyền, nhiều việc khác như cào ngao, kéo lưới rồng, đẩy xúc moi… không thực hiện được. Việc lấn chiếm cũng khiến người dân không có nơi tắm, không có nơi vui chơi. Hơn nữa, còn xuất hiện một số người mặc sắc phục xanh canh giữ nơi này. Trong khi đó, bao đời nay, chúng tôi đã sinh sống bình yên trên bãi biển này.
Khi chúng tôi phản đối thì mới biết rằng, việc lấn biển như vậy là do chủ trương của UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho một chủ đầu tư là Công ty TNHH Long Sơn xây dựng cảng container Long Sơn. Còn trước đó, chúng tôi không hề biết có việc này. Người dân chúng tôi cũng chưa hề được lấy ý kiến gì về việc sử dụng bờ biển. Chúng tôi cho rằng UBND tỉnh Thanh Hóa như vậy là chưa đúng.
Việc xây dựng cảng container mà ảnh hưởng đến đại đa số người dân làm nghề đi biển do mất ngư trường, mất nơi đỗ thuyền, mất các nghề truyền thống. Như vậy chúng tôi biết sống ra sao? Hơn nữa, theo kinh nghiệm sống bao đời giáp bãi biển của chúng tôi, việc hút cát sẽ ảnh hưởng đến độ sụt lún của đất khiến nền móng nhà khu giáp biển có nguy cơ sụt, khiến nhà dễ đổ, nhất là vào mùa mưa bão, mùa biển động tới đây.
Việc làm của UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép tiếp tục xây thêm một cảng container trong khi bờ biển này có quá nhiều cảng đang làm xáo trộn cả vùng quê vốn yên bình. Hiện tại, chúng tôi đang sống rất hoang mang, lo sợ nếu như bãi biển biến mất, thay vào đó là cảng và cảng. Không biết việc chính quyền địa phương cho phép Công ty TNHH Long Sơn xây dựng Cảng Container như vậy là có hợp pháp không?
Người dân xã Hải Hà khẩn thiết kính mong cơ quan báo chí phản ánh đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hãy cứu bờ biển xã Hải Hà, hãy cứu những người dân khốn khổ chúng tôi, hãy cứu lấy nghề truyền thống duy nhất, cuối cùng – là nghề kiếm sống của chúng tôi”.
Tác giả: Thiên Hà-Vũ Bão
Nguồn tin: Báo Gia đình & Pháp luật