Cảng cá ở xã Quảng Nham. |
Vượt qua nghèo khó
Sáu năm trước khi công bố “Bộ tiêu chí Nông thôn mới”, không ít cán bộ đảng viên và người dân cho là khó thực hiện. Bởi Quảng Nham là xã nghèo ven biển bãi ngang, được Nhà nước hỗ trợ theo chương trình 257. Nghề truyền thống của xã là đánh bắt hải sản, nhưng công việc làm ăn hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Toàn xã có 398 ha đất tự nhiên, không có đất nông nghiệp, trong số đó, già nửa là đất trồng cây chắn cát, chắn gió, một phần ba diện tích đất ở chật chội dành cho 3.163 hộ với hơn 14.000 nhân khẩu. Năm 2012 Quảng Nham vẫn còn hơn 28% số hộ là hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 11 triệu đồng/năm. Tiềm lực như vậy, không thể có vốn để làm những dự án công trình xây dựng nông thôn mới trị giá hàng tỷ đồng?
Mấy năm liền, hết lớp cán bộ chủ chốt này tiếp lớp khác phải loay hoay trông chờ Nhà nước rót vốn, hoặc xin huyện cho bán một số diện tích đất cồn bãi để làm trường mẫu giáo, làm đường giao thông nông thôn… nhưng rồi cái gì cũng dở dang, không đồng bộ vì thiếu vốn, như có đường lại không có cống rãnh, mưa xuống nước ngập cả làng.
Vài năm gần đây, nhờ sự chỉ đạo và giúp đỡ tận tình của huyện, trong đó có việc luân chuyển cán bộ, đồng thời học tập được kinh nghiệm của những xã bạn đi trước, Đảng bộ và chính quyền Quảng Nham tổ chức lại lực lượng, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nghị quyết của Đảng bộ xác định năm 2017 là năm phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cán bộ đảng viên nào còn thờ ơ với công việc, hoặc làm qua loa cho xong chuyện thì hãy đứng ra ngoài cuộc. Trong những cuộc họp của Đảng, chính quyền và khu dân cư đã đưa ra rất nhiều ý kiến cần xem xét lại tiềm năng thế mạnh của mình, kiểm điểm làm rõ việc gì đã làm được, việc gì làm sai hoặc chưa làm được. Từ đó đề ra những quyết sách mới, những cách làm mới, đặc biệt chú ý cách huy động sức dân cho hợp tình, hợp lý, đúng mức, đúng hoàn cảnh của từng hộ, làm cho dân đồng tình, tự nguyện đóng góp.
Ngoài nguồn vốn nhà nước cấp, chỉ còn cách trông chờ vào nguồn huy động sức dân. Đền Phúc - một di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh nơi có bia ghi chiếu xây dựng của Vua Quang Trung đã bị phá hủy từ năm 1965, nay được phép xây dựng lại. Không cần phải kêu gọi, đốc thúc, nhân dân vui vẻ góp công, góp của xây dựng lại đền mới, và đúc thêm một chuông đồng lớn. Hai công trình trị giá trên dưới ba tỷ đồng.
Được lòng dân, dân sẵn sàng đóng góp
Trong một vài lần gặp gỡ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Nham Hà Thế Anh, tâm sự: Làm việc gì cũng phải vì dân, được lòng dân, dân không giúp thì chẳng làm nên trò trống gì. Do đó, cán bộ đảng viên phải gần dân, nói và làm thật sự để dân tin, dân biết mình là chủ thể trực tiếp, dân sẽ đóng góp, dân sẽ làm, dân đứng ra kiểm tra và dân sẽ được hưởng thụ.
Người Quảng Nham dũng cảm trong chiến đấu, qua hai cuộc kháng chiến, xã đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Người Quảng Nham thông minh, năng động, một anh chưa qua lớp 1, biết cách học nuôi ngao trở thành tỷ phú, hàng loạt anh chị em chưa qua trường lớp quản trị kinh doanh, tự học hỏi đã trở thành những doanh nhân giàu có trong sản xuất, chế biến và làm hàng xuất khẩu hải sản. Họ chính là những người góp phần đáng kể cho ngân sách xã xây dựng nông thôn mới. Thật đáng mừng, Quảng Nham đã hoàn thành đủ 19 tiêu chí, với tổng kinh phí hơn 203 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp 22,3 tỷ đồng chiếm 10,99%; ngoài ra, nhân dân tự đầu tư chỉnh trang đường làng ngõ xóm, xây mới và sửa chữa nhà, hiện 98% số hộ đã có nhà xây kiên cố.
Rõ ràng, để huy động tiềm lực kinh tế trong dân, phải biết kết hợp tuyên truyền với vận động, một khi dân thông suốt đồng tình thì việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông, mạng lưới điện, trạm y tế, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, hay đầu tư trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, nhà văn hóa thôn, chợ trung tâm, sân vận động... đều được thuận lợi, trôi chảy.
Quảng Nham đã cán đích xây dựng nông thôn mới một cách ngoạn mục? Trước hết, Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, nòng cốt là Hội Cựu chiến binh của xã có sự đoàn kết thống nhất trong hành động, coi sự nghiệp xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của tổ chức Đảng và cả bộ máy từ xã đến thôn. Một trong sự thống nhất đó là tập trung sức phát triển kinh tế, cơ cấu lại ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho dân vay vốn ngân hàng để đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh cá (hiện có 324 tàu có công suất từ 90 mã lực trở lên); tổ chức HTX dịch vụ nghề cá khuyến khích dân đầu tư làm trại nuôi tôm, bãi nuôi ngao mở; các cơ sở làm nước mắm có thương hiệu, các xưởng chế biến thủy sản, các cơ sở cơ khí, gò hàn, vận tải (trong xã có 15 xe vận tải, nhiều xe chở khách), hàng loạt cơ sở dịch vụ nghề cá, kinh doanh tạp hóa, xây dựng, may mặc ra đời.
Quảng Nham hiện chỉ còn 4,9% số hộ nghèo (do già cả, neo đơn, thiếu lao động); thu nhập bình quân đầu người đã nâng lên 32 triệu đồng/năm.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự đóng góp của dân, Quảng Nham không còn là xã nghèo. Về Quảng Nham nơi cuối dòng chảy sông Yên giáp cửa lạch Ghép không ai còn cảm giác về vùng cát bỏng, mà như đang đi giữa phố thị yên bình.
Tác giả: PHẠM THANH
Nguồn tin: Báo Nhân dân