Để xây dựng Nhà văn hóa thôn Liên Minh, rất nhiều đối tượng được miễn giảm theo quy định nhưng vẫn phải đóng góp. Ảnh: N.Hưng |
Thu hết, không chừa ai
Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại thôn Liên Minh (xã Mỹ Lộc, huyện Hậu Lộc), năm 2015, để đáp ứng đủ tiêu chí “nông thôn mới”, địa phương đã quyết định xây dựng nhà văn hóa thôn. Kinh phí xây dựng, ngoài số tiền hỗ trợ từ UBND xã, lãnh đạo thôn đã huy động từ đóng góp của người dân, với mức 400.000 đồng/khẩu. Người dân cho rằng, mức đóng góp trên là gánh nặng đối với nhiều hộ gia đình, nhất là những hộ đông con hoặc có khó khăn về kinh tế. Trong khi khoản thu trên nộp chưa lâu thì người dân tiếp tục nhận được thông báo phải đóng thêm 350.000 đồng/khẩu.
Điều đáng nói là hộ nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi – những đối tượng vốn được Nhà nước ưu tiên miễn giảm các khoản đóng góp – nhưng thôn Liên Minh vẫn thu như bình thường. Đơn cử, trường hợp ông Phạm Văn C (có 2 cháu nhỏ từ 2 - 3 tuổi) đều sống xa quê với bố mẹ (vợ chồng ông C đi làm ăn xa- PV) nhưng cũng không được miễn giảm. Hay như trường hợp vợ chồng ông Phạm Văn M đã ngoài 80 tuổi cũng phải đóng góp theo quy định của thôn. Ông M cho biết: “Do thôn, xã không phổ biến nên tôi cũng không biết người già, trẻ nhỏ được miễn giảm, khi họ yêu cầu đóng góp thì gia đình tôi đành phải đi vay mượn để đóng. Vợ chồng tôi già yếu, chẳng làm được gì, ăn còn không đủ, lấy đâu tiền dư thừa chứ ? Tuy nhiên, do bị yêu cầu nên gia đình tôi cũng vay mượn đóng cho yên phận”.
Không chỉ người già và trẻ nhỏ phải đóng góp, ngay cả đến những thương binh mất sức lao động cũng phải chấp hành theo yêu cầu của thôn. Đó là trường hợp ông Phạm Văn L (61 tuổi), một thương binh đã mất đi 36% sức khỏe. “Do sức khỏe yếu không làm được việc gì, lại là đối tượng chính sách nên hàng tháng tôi đều được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về vật chất để duy trì cuộc sống. Vậy nhưng, cũng như bao người trong thôn, tôi vẫn phải đóng góp cho thôn”, ông L nói.
Với những hộ chậm đóng, thôn có “chế tài” cụ thể: thu lãi 1%/tháng. Trường hợp gia đình anh Phạm Văn H và chị Đặng Thị K là ví dụ. Gia đình anh H có 4 nhân khẩu gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con nên theo quy định của thôn, vợ chồng anh H phải đóng 1,6 triệu đồng. Do đi làm ăn xa, gia đình anh H đóng chậm, vậy là bị thu thêm tiền lãi, tổng cộng phải nộp 1,7 triệu đồng. Khi đóng tiền, đứa con thứ 2 của anh H mới hơn 2 tháng tuổi, vẫn đóng như người lớn.
Cần xử lý nghiêm
Ông L bức xúc trước những khoản phí vô lý. |
Trước sự bức xúc của người dân về các khoản thu ở thôn Liên Minh, vừa qua, UBND huyện Hậu Lộc đã vào cuộc kiểm tra. Theo “Biên bản Kiểm tra khoản thu đóng góp ở thôn Liên Minh”, ký ngày 2/8/2017, do ông Đoàn Thanh Độ, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hậu Lộc cùng các thành viên trong đoàn lập đã bước đầu hé lộ những sai sót của thôn Liên Minh trong việc huy động tiền đóng góp của người dân để xây nhà văn hóa.
Biên bản này ghi: Căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu cần thiết phải xây dựng lại công trình văn hóa thôn Liên Minh, ban lãnh đạo thôn đã báo cáo UBND xã Mỹ Lộc. Được sự đồng ý của UBND xã, trên cơ sở khái toán ban đầu, ngày 2/11/2015, lãnh đạo thôn Liên Minh đã tổ chức họp thôn bàn về việc huy động đóp góp xây dựng nhà văn hóa. Theo đó, toàn thôn có 92 hộ (320 nhân khẩu), tổng số người tham dự 66 người (đại diện hộ), mức vận động đóng góp 400.000 đồng/khẩu. Có 59/66 người thống nhất.
Về việc nộp tiền, có 277 khẩu nộp đúng hạn. Với những khẩu nộp chậm, ngày 6/7/2016 thôn tổ chức Hội nghị, với 34 người tham dự, để bàn cách “thu nợ”. Sau đó, thôn đã thu được tiền đóng góp và tiền lãi nộp chậm của 8 hộ (23 khẩu), với tổng số tiền là 9.640.000 đồng (440.000 đồng lãi).
Biên bản Kiểm tra nêu trên nhận định: Việc thu đối với trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng hộ nghèo, đối tượng đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, đối tượng người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, chưa được nhân dân trong thôn nhất trí vận động thu là sai quy định.
Qua kiểm tra, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hậu Lộc kiến nghị với UBND xã Mỹ Lộc thực hiện một số việc như sau: Nghiêm chỉnh chấp hành theo quy chế dân chủ ở cơ sở, trước khi xây dựng phương án thu phải được sự thống nhất của đa số người dân. Khi tham dự hội nghị cần có ít nhất 70% số người đại diện cho hộ tham dự; khi thống nhất các khoản thu phải có ít nhất 50% số người đại diện cho các hộ tham dự đồng ý; khi xây dựng phương án thu phải tính đến điều kiện kinh tế của nhân dân, tránh tình trạng thu vượt sức dân; bãi bỏ ngay các khoản thu đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, đối tượng hộ nghèo, đối tượng đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, đối tượng người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn; đề nghị thôn Liên Minh trả lại ngay số tiền lãi đã thu của 8 hộ dân.
Chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước nhằm mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Nhà nước cũng đã có quy định rõ, phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương và khả năng nguồn lực của nhân dân để vận động đóng góp xây dựng. Tuyệt đối không được bắt buộc dân đóng, thu quá sức dân; không huy động đối với hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.
Thiết nghĩ, dù Đoàn kiểm tra của huyện Hậu Lộc đã bước đầu chỉ ra những sai sót tại thôn Liên Minh, nhưng vẫn cần sự vào cuộc của các ban ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa, để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan, làm yên lòng người dân địa phương.
Ông Lê Xuân Bẩy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết: “Trong quá trình làm nhà văn hóa ban đầu huy động đóng góp với mức 400.000 đồng/khẩu, có nghị quyết của thôn. Do phát sinh thêm tường rào và các công trình phụ trợ khác nên thôn thu thêm 350.000 đồng/khẩu. Khi người dân có đơn kiện nhà văn hóa đã làm xong. Riêng các khoản thu sai đối tượng, nhà văn hóa đã làm và đã chi trả xong nên thôn không có tiền để trả lại các hộ. Việc thôn tính lãi các hộ nộp chậm UBND xã đã yêu cầu thôn trả lại cho các hộ”. |
Tác giả: Ngọc Hưng – Phương Thanh
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội