Du lịch

​Xa hơn Vân Đồn

Những bức hình đẹp lung linh về Bãi Dài Vân Đồn hay bãi tắm Việt Mỹ gần cảng Cái Rồng đều không thể lột tả hết được “bí mật” dưới làn nước. Vậy điều gì ở Vân Đồn sẽ hấp dẫn du khách?

Ở cuối con đường là cảng Vạn Hoa - Ảnh: THÁI ANH


Hãy cùng nhau đi một chuyến - xa hơn Vân Đồn.

Vân Đồn là một quần đảo nằm ở phía đông và đông bắc của vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), với Cái Bầu là đảo lớn nhất huyện lại nằm liền kề với lục địa, cách đất liền bởi lạch biển Cửa Ông và sông Voi Lớn.

Nối liền với Cẩm Phả qua ba cây cầu Vân Đồn I, II, III trên tỉnh lộ 334 dài 40km chạy xuyên đảo, Cái Bầu khiến du khách không có cảm giác mình đang ở trên đảo.

Nếu các hòn đảo như Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi... thuộc huyện đảo Vân Đồn đều sở hữu rất nhiều bãi tắm tuyệt đẹp theo đúng tiêu chí “biển xanh, cát trắng, nắng tràn” thì đường bờ biển trên đảo Cái Bầu lại thiếu hẳn tiêu chí “cát trắng”. Do cấu tạo địa chất của khu vực, các đường bờ biển ở đây đều có một lượng lớn sỏi đá, vỏ sò, vỏ ốc trộn cùng với cát vàng.

Nhưng du khách tới với Vân Đồn không chỉ để đắm mình với biển xanh...

Ở cuối con đường là cảng Vạn Hoa

Bạn tôi người Cẩm Phả bảo xuống Vân Đồn nhiều nhưng chưa bao giờ đi xa hơn Cái Rồng hay Bãi Dài, hôm nay nhất định phải dẫn cả nhóm đi vào sâu trong đảo, nơi những con đường đang được mở ra thênh thang đang hứa hẹn một tương lai rực rỡ.

Đã qua xã Hạ Long, chùa Cái Bầu ở lại sau lưng, trước mặt là con đường băng qua xã Vạn Yên - một xã đảo nhà cửa thưa thớt với khoảng rừng xanh và con đường men theo dọc biển mới trải nhựa tinh tươm tuy đôi chỗ vẫn chưa hoàn thiện.

Bạn chỉ lên những cây cầu sắt cũ nằm lấp ló trong đám lá rừng, kể chúng vốn là công trình của người Pháp trong quá khứ, nay thanh niên Phả vẫn hay tới lấy bối cảnh để chụp ảnh. Có tới 10 cây cầu như thế từ chùa Cái Bầu đến mũi Vạn Hoa, có cây cầu vẫn dùng để đi lại, có cây đã trở thành “hàng lưu niệm”.

Nhưng ngoài cầu trên đường vào Vạn Hoa còn có hai đường hầm xuyên núi do người Pháp xây dựng, đến nay kết cấu vẫn còn rất tốt. Mỗi đường hầm dài khoảng 100m, cao 4,5m và rộng khoảng 4,5m, do cơn mưa đêm trước nên đường hầm khá ẩm ướt, nước vẫn giọt ton ton từ trên nóc hầm.

Xa xa là tàn tích lô cốt của người Pháp - Ảnh: THÁI ANH

Đường hầm xuyên núi trên đường ra cảng Vạn Hoa - Ảnh: THÁI ANH


Cảm giác lái xe qua hầm rất đặc biệt. Đèn sáng tới đâu thì thấy cái vòm tròn của hầm tới đó, và rồi một không gian bao la mở ra phía bên kia cửa hầm.

Một chiếc xe máy với tiếng nổ rền vang khi chạy qua hầm cũng mang lại cho người lái một cảm giác phấn khích khó tả, và đôi khi cánh thanh niên lái xe chạy qua chạy lại, chỉ đơn giản để nghe tiếng pô xe mình nổ vang dội trong hầm.

Vượt qua những tàn tích cuối cùng của một lô cốt nằm hai bên con đường, phía trước đã là cảng Vạn Hoa. Đây là cảng cũ được xây dựng dưới thời thực dân Pháp, ngày nay đã bỏ hoang không còn sử dụng, được bảo vệ gìn giữ trông coi bởi một đơn vị bộ đội.

Dưới ánh nắng lấp lánh, biển trở nên sẫm màu và xa lạ. Một vụng biển hình omega trải ra dưới tầm mắt, con đường tới đây không còn phía trước nữa, muốn đi tiếp chỉ còn cách quay lại.

Chúng tôi dừng xe. Tiếng cười bạn bè giòn tan loang đi trong không gian thênh thang và mặn mòi vị biển.

Dù bãi cát không tốt nhưng vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn của nhiều người vào mùa hè - Ảnh: THÁI ANH


Chùa Cái Bầu và “vọng cảnh đài” đẹp nhất Việt Nam

Nếu tặng cho chùa Cái Bầu danh xưng là “vọng cảnh đài đẹp nhất Việt Nam” tôi nghĩ hẳn nhiều người đồng ý.

Nằm cách trung tâm cảng Cái Rồng chừng 10km trên đường ra cảng Vạn Hoa, chùa Cái Bầu được xây dựng trên nền một ngôi chùa cổ có từ thời nhà Trần cách đây 700 năm.

Với một địa thế cực kỳ đắc địa, sau lưng là núi, trước mặt là vịnh biển Bái Tử Long mênh mông bát ngát, được tô điểm bằng những ngọn núi đá vôi nhấp nhô trên sóng nước, xa xa thuyền cá rẽ sóng ra khơi, chùa Cái Bầu thật sự là một nơi phong thủy hữu tình đáng mơ ước được đến một lần trong đời của rất nhiều người.

Sự khang trang, bề thế của chùa Cái Bầu không làm du khách mất đi cảm xúc an nhiên khi từ trên vọng cảnh đài phóng tầm mắt nhìn xuyên suốt về phía đường chân trời trên vịnh Bái Tử Long hay trong lúc dạo bước lang thang vãn cảnh chùa.

Sẽ có lúc bạn thấy lòng chùng lại, tựa như muốn co mình thật sâu để tâm trí được tĩnh lặng trong một không gian khoáng đạt, mơ mộng, hài hòa.

Còn có một tên gọi khác là thiền viện trúc lâm Giác Tâm, chùa Cái Bầu chính là nơi tu tập của các nữ tu. Khách thập phương tới chùa, nếu muốn, đều có thể được mời ăn một bữa cơm chay, thư thả quan sát cuộc sống đời thường bình dị của các nữ tu từ công việc dọn dẹp, quét lá đến lái xe tải chở vật liệu xây dựng vào chùa.

Nhiều người sẽ không quên được tiếng chuông gió lảnh lót ngân vang khi những cơn gió ngoài biển thổi vào mát lộng. Đôi khi tôi giật mình tự hỏi có một nơi thanh lặng thật như thế ở trên đời sao?

Mặt chùa Cái Bầu hướng ra vịnh biển Bái Tử Long xinh đẹp - Ảnh: THÁI ANH

Chùa Cái Bầu với vọng cảnh đài tuyệt đẹp, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra vịnh biển Bái Tử Long - Ảnh: THÁI ANH

Một góc chùa Cái Bầu với hướng ra vịnh biển Bái Tử Long xinh đẹp - Ảnh: THÁI ANH

Vịnh biển Bái Tử Long xinh đẹp nhìn từ chùa Cái Bầu

Tác giả bài viết: THÁI ANH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok