Trong tỉnh

Xã đổi đất xây công sở rồi... đẩy dân vào thế khó

Đồng ý cho xã đổi đất để làm công sở mới, nhưng sau đó xã "quên" làm các thủ tục trả đất khiến 3 hộ gia đình ở Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn đi đòi đất

Theo phản ánh của gia đình các ông, bà: Ngô Đình Vượng, Phạm Minh Đức, Lê Thị Hưng (ngụ xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), năm 2010, huyện Hà Trung thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) khu Đồng Giếng (thuộc xã Hà Vân cũ khi chưa sáp nhập xã). Có 19 hộ trúng đấu giá, trong đó gia đình ông Vượng, ông Đức, bà Hưng trúng 5 lô đất.

Ông Ngô Đình Vượng chỉ về lô đất gia đình trúng đấu giá, sau đó cho xã đổi xây công sở khiến người dân phải gõ cửa khắp nơi để đòi lại đất

Đến năm 2014, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xã Hà Vân triển khai xây dựng công sở mới tại khu vực Đồng Giếng và vướng vào 5 lô đất của 3 gia đình trên. Để có mặt bằng xây công sở, xã Hà Vân đã mời các hộ gia đình trên lên bàn bạc để "mượn" đất, đồng thời sẽ đổi cho các hộ sang vị trí mới. Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của địa phương nên các hộ dân đều đồng ý.

Điều đáng nói là năm 2016, khi được UBND huyện Hà Trung cấp giấy chứng nhận QSDĐ, gia đình ông Vượng và các hộ trên "tá hỏa" khi sổ đỏ cấp gia đình vẫn nằm ở vị trí mà UBND xã đã đổi để xây công sở.

Thấy có điều bất thường, các hộ dân đã làm đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền thì mới biết vị trí mà UBND xã Hà Vân thống nhất đổi và sẽ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân xã giao trái thẩm quyền. "Gia đình mua đất được đấu giá công khai, đúng quy định và đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Thế nhưng, sau khi được xã "mượn" đất, giao đất vị trí mới thì chúng tôi mới biết việc làm của xã là trái quy định của Luật đất đai"- ông Vượng nói.

Cũng theo ông Vượng và các hộ gia đình trên, dù đã có đơn gửi các cấp, kêu cứu tới cả Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhưng đến thời điểm này các gia đình vẫn không rõ khi nào mới có thể lấy lại được đất. "Năm 2023, khi chúng tôi có đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy, sau đó Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa có chỉ đạo, UBND huyện Hà Trung mới vào cuộc hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa. Chúng tôi mua đất đàng hoàng, giờ tự dựng lại kéo nhau ra tòa mà không biết lúc nào lấy lại được đất. Chúng tôi thực sự rất mệt mỏi"- ông Vượng bức xúc.

Biên bản thống nhất đổi đất để xây công sở giữa UBND xã Hà Vân (nay là xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung) và gia đình ông Ngô Đình Vượng

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Vũ Hùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Hoạt Giang, cho biết việc xã Hà Vân (sáp nhập với xã Hà Thanh thành xã Hoạt Giang) cũ có "mượn" đất của các hộ dân để xây công sở là đúng sự thật. Tuy nhiên, trong quá trình đổi đất, xã Hà Vân đã bỏ qua các bước quy trình về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mới dẫn tới sự việc trên.

"Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, địa phương đã xây dựng các phương án và báo lên huyện để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết sự việc. Tuy nhiên, do quy định đất đai hiện hành không thể làm khác được, buộc các hộ dân phải khởi kiện ra tòa, sau đó tòa phán quyết thế nào chúng tôi mới có cơ sở để giải quyết dứt điểm vụ việc được"- ông Xuân cho hay.

Ông Đặng Văn Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hà Trung, cũng thẳng thắn cho rằng việc làm tắc trách của chính quyền xã Hà Vân thời điểm đó đã đẩy người dân vào thế khó. "Theo quy định khi xây dựng công trình, vướng đất của dân thì xã phải làm các bước quy trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ bồi thường, tái định cư… Xã cứ nghĩ đơn giản đổi từ vị trí này, sang vị trí khác là được, không trình cấp trên, vì thế hiện đất của 5 hộ dân đã được cấp sổ vẫn nằm ở vị trí thuộc khuôn viên UBND xã Hoạt Giang hiện nay"- ông Thiện nói.

Về hướng xử lý dứt điểm vụ việc, ông Thiện cho biết vẫn phải chờ phán quyết cuối cùng của tòa.

Tác giả: Tuấn Minh

Nguồn tin: Báo người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok