Kinh tế

Vượt mặt ông lớn nhà nước, gia đình tỷ phú USD mới xuất hiện

Hàng loạt ngân hàng dồn dập lên sàn, kéo quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng vọt. Quy mô lớn và tính minh bạch tăng cao sẽ giúp tăng sức hấp dẫn của thị trường tài chính Việt Nam.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho biết sẽ đưa hơn 1,1 tỷ cổ phiếu TCB lên niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 4/6 tới với mức giá 128.000 đồng, cao nhất so với tất cả các cổ phiếu ngân hàng hiện niêm yết trên TTCK.

Với mức giá 128 ngàn đồng, Techcombank lên sàn sẽ có vốn hóa 149.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD, cao thứ hai trong số các ngân hàng đã niêm yết, chỉ sau Vietcombank (hiện có vốn hóa khoảng 8,4 tỷ USD). Vốn hóa của Techcombank sẽ cao gấp rưỡi của BIDV và Vietinbank.

Hiện Techcombank có 41.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ hơn 11.500 tỷ. Theo kế hoạch, ngân hàng này sẽ tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần lên gần 35.000 tỷ thông qua chia cổ tức với tỷ lệ 200% bằng cổ phiếu từ nguồn vốn sẵn có, là phần cổ tức các cổ đông đã tích lũy suốt nhiều năm vừa qua. Với mức pha loãng như vậy, giá sẽ điều chỉnh về khoảng hơn 40 ngàn đồng/cp. Hiện tại, room của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 22,5%.

Trước đó, ngày 19/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã đưa 555 triệu cổ phiếu TPB lên niêm yết trên HOSE với mức giá khởi điểm 32.000 đồng/cp.

Như vậy, Techcombank sẽ ngân hàng thứ 3 trong 10 ngân hàng (ngay sau TPBank) lên sàn trong năm nay sau cú chào sàn thành công của cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank của ông Ngô Chí Dũng và HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trong vài tháng vừa qua.

Theo kế hoạch, trong năm 2018, một loạt ngân hàng nữa dự kiến cũng sẽ lên sàn gồm: NamABank, MaritimeBank, SeABank, OCB, SaigonBank, ABBank, VietABank, góp phần mang lại sức hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu ngành này.

OCB kỳ vọng vốn hóa đạt 1 tỷ USD sau khi đưa 750 triệu cổ phiếu niêm yết trên HOSE cuối quý 3 hoặc đầu quý 4 năm 2018. OCB sẽ phát hành lượng cổ phiếu trị giá khoảng 800 tỷ đồng (35 triệu USD) cho nhà đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ vào quý 3 năm nay sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 14,2% và phát hành cổ phiếu tỷ lệ 20,5% cho các cổ đông hiện hữu.

OCB cũng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 50%, đạt 7.500 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu trước khi niêm yết. Ngoài ra, OCB cũng có kế hoạch dành nhiều nhất 25% vốn cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết.

Ông Hồ Hùng Anh

Trước thềm niêm yết, Techcombank cũng đã thu về gần 1 tỷ USD từ đợt bán vốn cho nước ngoài. Theo đó, nhà băng này đã bán tổng cộng hơn 164 triệu cổ phiếu, tương đương 14% vốn điều lệ ngân hàng cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài với giá 128.000 đồng/cổ phiếu, bằng giá tham chiếu và thu về 21.000 tỷ đồng. Điều này giúp vốn chủ sở hữu đạt mức 41.000 tỷ đồng, tương đương các ngân hàng có vốn Nhà nước.

Cùng với việc Techcombank lên sàn, TTCK sẽ chứng kiến sự xuất hiện của 1 doanh nhân gốc Đông Âu giàu có ngang tầm tỷ phú USD. Trước thời điểm Ngân hàng Techcombank lên sàn của nhóm người nhà ông Hồ Hùng Anh đã có một loạt các thương vụ mua bán cổ phiếu.

Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu 13,1 triệu cổ phiếu Techcombank. Vợ con và mẹ ông Hùng Anh nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu TCB. Nhà ông Hồ Hùng Anh sẽ nắm tổng cộng 159,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương gần 14% vốn điều lệ.

Với mức giá dự kiến chào bán cổ phiếu với giá 128.000 đồng/cp, gia đình nhà ông Hồ Hùng Anh có thể sẽ sở hữu số cổ phần trị giá lên tới hơn 20 ngàn tỷ đồng, nhiều gấp đôi tài sản nhà ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch HĐQT VPBank.

Khoảng hơn 1 năm qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sức hút mạnh mẽ đối với giới đầu tư. Thị trường chứng kiến phiên chào sàn hiếm có tăng kịch trần hôm 5/1 của cổ phiếu HDBank với hơn 32 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua hơn 5 triệu. Hay, cú chào sàn ấn tượng của VPBank (VPB) với 46 triệu cổ phiếu VPB được chuyển nhượng, trị giá tổng cộng 1,8 ngàn tỷ đồng, trong đó khối ngoại chi gần 1,5 ngàn tỷ đồng.

Ngành ngân hàng được xem là một lĩnh vực rất tiềm năng bởi đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu, thu được nhiều kết quả. Nhu cầu tăng vốn và mở cửa rộng hơn cho khối ngoại cũng như kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc của hầu hết các ngân hàng cũng là cơ sở để cổ phiếu tăng giá.

Câu chuyện cổ phiếu Ngân hàng BID tăng giá mạnh trong thời gian qua và kỳ vọng dòng vốn ngoại, nhất là từ Hàn Quốc đổ vào thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam gần đây cũng khiến kỳ vọng nhóm ngân hàng tiếp tục là trụ cột của thị trường trở nên thực tế hơn bao giờ hết.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam bằng việc trở thành cổ đông của BIDV và việc hợp tác chỉ còn bước cuối cùng là được sự chấp thuận của NHNN Việt Nam. Trước đó, Shinhan cũng đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam khi hoàn tất việc thâu tóm mảng bán lẻ của ANZ hay là Shinhan Card đã mua đứt Công ty Tài chính Tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) tại Việt Nam…

Vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) chịu rủi ro đảo nghịch dòng vốn do đợt sụt giảm mạnh trên TTCK thế giới và đồng USD lên giá, các quỹ phải tính toán và cơ cấu lại các nhóm tài sản và rủi ro bảo hộ thương mại tác động tới xuất khẩu.

Mặc dù vậy, sự đảo nghịch dòng vốn sẽ dần giảm bớt. Thị trường cần thời gian để hấp thụ lượng chốt lời cả năm 2017 và hình thành mặt bằng mới. Áp lực bán đã giảm đi rất nhiều trong phiên giao dịch ngày 23/4. Sức cầu bắt đáy đã khiến chỉ số VN-Index đảo chiều từ giảm 18 điểm trở thành tăng hơn 3 điểm trong phiên giữa tuần. VN-Index không đánh mất mốc 970 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 23/5, VN-index tăng 3,03 điểm lên 988,94 điểm; HNX-Index tăng 1,22 điểm lên 117,94 điểm. Upcom-Index tăng 0,34 điểm lên 54,07 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu cổ phần. Giá trị đạt 7,2 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok