Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 18/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang đã hối thúc Ấn Độ rút quân khỏi khu vực ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan.
"Chúng tôi đã nhắc lại nhiều lần và hy vọng phía Ấn Độ hiểu rõ tình hình hiện nay cũng như ngay lập tức đưa ra các biện pháp rút lực lượng binh sĩ đã trái phép vượt biên quay trở về phía biên giới Ấn Độ", AP dẫn lời ông Lu.
Binh sĩ Ấn Độ. |
Ông Lu cũng nhấn mạnh, quân đội Ấn Độ cần phải rút lui trước khi bất cứ cuộc thảo luận nào về khu vực xảy ra tranh chấp được tiến hành.
Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc và Bhutan đã nhiều lần rơi vào trạng thái căng thẳng liên quan tới vùng lãnh thổ nằm giữa khu vực biên giới Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan.
Về phần mình, Ấn Độ được xem là đồng minh và ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Bhutan. Đây chính là lý do khiến căng thẳng giữa Trung - Ấn bùng phát từ ngày 16/6. Tại thời điểm này, Trung Quốc đang bắt đầu cho triển khai xây dựng một con đường ở khu vực tranh chấp trên cao nguyên Doklam. Phía Ấn Độ khẳng định, đây là vùng đất của Bhutan. Bhutan cũngh đã đề nghị Ấn Độ giúp đỡ và các binh sĩ Ấn Độ đã vượt biên để tới Doklam.
Sự xuất hiện của các binh sĩ Ấn Độ ở Doklam đã khiến Trung Quốc vô cùng tức giận. Phản ứng trước hành động của Ấn Độ, Trung Quốc đã cho đóng cửa con đèo mà người hành hương Ấn Độ di chuyển để tới núi Kailash ở Tây Tạng.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã tăng cường lực lượng quân sự tới Doklam Plateau từ tháng Sáu với số lượng mỗi bên lên tới 3.000 binh sĩ. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc lại cho rằng Ấn Độ đã điều động 200.000 binh sĩ tới khu vực xảy ra tranh chấp. Nói cách khác, một binh sĩ Trung Quốc phải chiến đấu chống lại từ 15 - 20 binh sĩ Ấn Độ.
Trong khi đó, cuối tuần trước, CCTV đưa tin Trung Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập bắn đạn thật suốt 11 giờ đồng hồ ở Tây Tạng với sự tham gia của một lữ đoàn được trang bị súng phóng lựu, súng máy hạng nặng và pháo cối. Các binh sĩ Trung Quốc còn diễn tập khả năng theo dấu và nhắm bắn máy bay đối phương.
Cuộc đối đầu ở Doklam trở thành sự kiện căng thẳng kéo dài lâu nhất giữa Trung - Ấn kể từ năm 1962, thời điểm hai nước xảy ra đụng độ quân sự liên quan tới những căng thẳng ở Tây Tạng và dọc biên giới hai nước.