Clip: Cận cảnh bể rượu hổ mang chúa khổng lồ ở Hà Nội
Gần đây, thông tin về bể rượu chứa mãng xà nặng 45kg ở Hà Nội thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Theo ông Nguyễn V.N (Hoàng Mai, Hà Nội), chủ nhân của bể rượu cho biết, con rắn khổng lồ này là loại hổ mang chúa. Ông N tình cờ bắt gặp con rắn lọt vào đăng của ngư dân ở khu vực sông Măng, gần biên giới Việt Nam - Campuchia. Ông N đã thuyết phục người dân để mua lại với giá lên tới 10 ngàn USD (hơn 200 triệu đồng).
Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ về kích thước, cân nặng khủng của con rắn hổ mang chúa. Còn chủ nhân của bể rượu rắn khủng khá dè dặt trong việc tiết lộ thông tin cụ thể của mãng xà. Bởi rắn hổ mang chúa nằm trong danh mục động vật quý hiếm, cấm mua bán, sử dụng.
Bể rượu ngâm con rắn hổ mang chúa, được cho là nặng tới 45kg ở Hà Nội |
Để tìm hiểu thêm thông tin về loài rắn hổ mang chúa, cũng như kích thước thực sự của chúng trong tự nhiên, PV đã đến làng Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội), nơi có truyền thống hàng trăm năm nuôi, săn bắt rắn.
Ông Nguyễn Quang Triết (56 tuổi), người được giới đi săn phong là “vua rắn độc”, với 40 năm kinh nghiệm, tỏ ra kinh ngạc trước hình ảnh con rắn hổ mang chúa 45kg trong bể rượu của ông N.
Cố nheo mắt nhìn kỹ hình ảnh con rắn trong bể rượu ông Triết nhận xét: “Đúng là con hổ chúa này có kích thước rất lớn. Nhưng từ bé tới giờ, tôi chưa từng nghe nói có con nào lên tới 45kg. Tôi từng đi săn rắn khắp vùng Tây Bắc, miền Tây, biên giới Lào, Campuchia. Rắn hổ chúa hơn 10kg mới chỉ thấy đôi lần”.
Theo ông Triết, nếu có rắn hổ mang chúa tự nhiên nặng tới 45kg thì cũng không thể bắt nổi |
Ông Triết cho biết, rắn hổ mang chúa là một trong những loại rắn có kích thước lớn nhất ở Việt Nam. Chúng chủ yếu ăn thịt đồng loại, vô cùng hung dữ và lọc kịch độc.
“Dính một nhát cắn của hổ chúa trưởng thành, nạn nhân khó mà thoát chết. Thời trẻ, con hổ mang chúa lớn nhất tôi bắt được cũng chỉ hơn 3kg ở khu vực miền Tây.
Tôi chưa nhìn trực tiếp bể rượu nên không suy đoán chuẩn về kích thước, cân nặng con rắn kia. Có thể rắn nuôi mới đạt được kích thước đó, chứ rắn tự nhiên thì cực hiếm, có thật cũng không bắt nổi”, thợ săn rắn độc lão luyện chia sẻ.
Ông Minh, 45 tuổi, chủ một nhà hàng chuyên chế biến rắn ở Lệ Mật cho biết, nhiều năm thu mua rắn khắp cả nước, ông cũng chưa từng gặp con rắn nào quá 20kg.
“Tôi từng đọc trên mạng, ở Ấn Độ có con rắn hổ mang chúa nặng tới 30kg. Ở nước mình, tôi chưa nghe nói bao giờ”, ông Minh nói.
Theo chuyên gia buôn rắn, các loại rắn ở khu vực miền Bắc, miền Trung thường có kích thước nhỏ, kể cả những con sống lâu năm. Rắn kích thước lớn chủ yếu ở miền Tây và khu vực biên giới giáp Campuchia.
“Vảy của những con hổ mang chúa lâu năm, kích thước lớn thường nổi cộm lên như múi quả na. Thậm chí nhiều con còn mốc, mọc rêu xanh trên lưng”, ông Minh cho hay.
Theo TS Nguyễn Thiên Tạo (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), loài hổ mang chúa có tên khoa học Ophiophagus hannah (Cantor, 1836). Loài này phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới
Nọc của rắn hổ mang chúa có hàm lượng độc tố cao, kích thước lớn, chiều dài cơ thể có thể đạt tới gần 5m, nặng hàng chục kg. Thực tế rất hiếm gặp loài này ngoài tự nhiên.
Loài rắn hổ mang chúa này có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007, xếp hạng cực kỳ nguy cấp và nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định của Chính phủ.
Tác giả: Tất Định
Nguồn tin: Báo Dân Việt