Ông Nguyễn Sỹ Dũng tại buổi tọa đàm. |
Trao đổi tại Tọa đàm khoa học “An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và Điều chỉnh chính sách ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) -- thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam, tổ chức chiều 23/3, ông Nguyễn Sĩ Dũng đã phân tích bài học từ vụ lùm xùm liên quan Phó Bí thư tỉnh ủy Thanh hóa để thấy thách thức phát triển trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Nhận định về vụ việc Phó Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng bị tung tin đồn có "bồ nhí" trên mạng xã hội, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng thông tin này có thể là fake, hoàn toàn là bịa đặt nhưng lại là ví dụ điển hình cho những thách thức đối với cơ quan quản lý khi tội phạm dùng không gian số, internet, mạng xã hội để tấn công và gây mất ổn định trong nhân dân.
Vấn đề đặt ra ở đây là pháp luật phải bảo đảm sự tận dụng các cơ hội tạo ra dưới không gian số cho các tổ chức, cá nhân phát triển, đồng thời bảo vệ được quyền riêng tư của mỗi người.
|
Cho đến thời điểm này, gần một tuần từ khi các thông tin này được phát tán tràn lan trên mạng xã hội, cơ quan quản lý vẫn chưa xác định được đối tượng vi phạm. Và điều này góp phần tạo ra kẽ hở trong quản lý.
Ông Sĩ Dũng cho rằng: "Chúng ta có công nghệ thì chúng ta có thể hiện ra ngay, pháp luật được thực thi ngay, do ở đây có vấn đề vu khống và vi phạm quyền riêng tư của người khác (...). Vấn đề đặt ra ở đây là pháp luật phải bảo đảm sự tận dụng các cơ hội tạo ra dưới không gian số cho các tổ chức, cá nhân phát triển, đồng thời bảo vệ được quyền riêng tư của mỗi người".
"Tôi cho rằng một trong những thứ Việt Nam thiếu nhất là đang ít quan tâm đến quyền riêng tư của con người, khi quy phạm pháp luật liên quan đến quyền riêng tư của con người ở nước ta chưa đầy đủ và nhiều khi không dành đủ sự quan tâm để bảo vệ quyền của con người", ông bày tỏ,
Với không gian mạng, rủi ro về quyền riêng tư con người rất lớn, dễ bị xâm phạm hơn. Bạn đang quan tâm điều gì, mua sắm ở đâu, nói chuyện với ai,… Tất cả đều để lại dấu vết và nó gần như "phơi bày" toàn bộ cuộc sống của cá nhân.
"Nói về mặt pháp luật, tôi cho rằng một trong những điểm quan trọng là bảo vệ quyền riêng tư. Nếu không, tất cả mọi người dân đều sợ bị lộ, lọt thông tin. Tôi nghĩ, hướng chính sách và thách thức ở Việt Nam nên đi theo hướng đó, cân bằng giữa lợi ích và bảo đảm phát huy được cơ hội và quan trọng nhất là bảo vệ được quyền riêng tư của con người", ông Sĩ Dũng nói thêm.
Được biết, vào khoảng 20h ngày 19/3 trên mạng xã hội xuất hiện một số tin nhắn, hình ảnh từ tài khoản "Son Thai" tố cáo ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa có quan hệ bất thường với một "hotgirl". Kết quả bước đầu đã xác định các thông tin và hình ảnh liên quan của chị Nguyễn Thị Trang (26 tuổi, tạm trú tại phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa), đang công tác tại Phòng biên tập, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, các tin nhắn có nhắc đến những dữ kiện xảy ra có liên quan đến nội bộ của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua gồm cả việc bỏ phiếu, cách chức. Trong các dòng tin nhắn cũng có nhắc đến trường hợp của “hot girl” Quỳnh Anh và tên một số lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, có những tin nhắn nhắc đến chuyện nhà cửa, xế hộp và những chuyện riêng tư đề cập giữa hotgirl với ông Hưng.
Tác giả: Trần Huyền
Nguồn tin: Báo VietTimes