Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vật thể được cho là đầu đạn tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters) |
Triều Tiên ngày 3/9 tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch có thể được trang bị trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Chuyên gia đánh giá đây là vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay của nước này trong hơn 10 năm qua.
Cơ quan Địa chất Mỹ ước tính vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên đã gây ra rung chấn tương đương một trận động đất 6,3 độ Richter. Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) và Cơ quan Giám sát địa chấn độc lập (NORSAR) của Na Uy cho rằng cường độ của trận động đất này vào khoảng 6,1 độ Richter.
Dựa trên các kết quả này, trang mạng 38 North của Mỹ chuyên nghiên cứu về Triều Tiên và có liên kết với Đại học Johns Hopkins đã nâng mức ước tính về sức công phá của vụ thử bom nhiệt hạch Triều Tiên lên “khoảng 250 kiloton”.
Trước đó, quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945 có sức công phá 15 kiloton và khiến khoảng 80.000 thiệt mạng. Như vậy, so với quả bom nguyên tử này, sức công phá của bom nhiệt hạch do Triều Tiên thử nghiệm mạnh gấp 16 lần.
“Sức công phá từ vụ nổ bom Triều Tiên cũng gần bằng mức tối đa mà bãi thử Punggye-ri (Triều Tiên) có thể chịu đựng được, theo ước tính của 38 North trước đây”, trang mạng của Mỹ cho biết.
Giới khoa học Trung Quốc từng bày tỏ lo ngại về nguy cơ ngọn núi Mantap ở gần bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên đổ sập sau vụ thử và có thể khiến phóng xạ phát tán ra môi trường.
Con số do 38 North đưa ra về sức mạnh của vụ thử bom Triều Tiên cao hơn nhiều so với ước tính của chính phủ các nước. Hàn Quốc nhận định cường độ của vụ thử này là 50 kiloton, trong khi Nhật Bản cho là 160 kiloton. Giới chức Mỹ cho biết vẫn đang đánh giá xem liệu đây là một quả bom nhiệt hạch hay không.
Tác giả: Thành Đạt (Theo AFP)
Nguồn tin: Báo Dân trí