Lời đe dọa của Bình Nhưỡng đến sau khi Washington tuần trước yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) bỏ phiếu trong ngày 11-9 về lệnh trừng phạt mới nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay.
Bộ ngoại giao Triều Tiên đe dọa sẽ bắt Mỹ "trả giá thích đáng" nếu tiếp tục thúc đẩy lệnh trừng phạt nói trên. "Các biện pháp sắp tới của CHDCND Triều Tiên sẽ làm cho Mỹ trải qua những nỗi đau đớn và sự đau khổ nhất trong lịch sử" – hãng tin nhà nước KCNA dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên bằng tiếng Anh.
Người phát ngôn bộ này còn mô tả quyết định của Washington là "hết sức điên rồ" khi muốn chống lại "các biện pháp tự vệ hợp pháp" của Bình Nhưỡng.
"Thế giới sẽ chứng kiến cách mà Triều Tiên đối xử với bọn cướp ở Mỹ bằng một loạt các biện pháp khắc nghiệt hơn những gì họ dự đoán. Triều Tiên đã phát triển và hoàn thiện vũ khí hạt nhân như một phương tiện để ngăn chặn các hành động thù địch và mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Mỹ, đồng thời xoa dịu nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang lan rộng trên khắp bán đảo Triều Tiên và khu vực" – người phát ngôn nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên và phu nhân trong bức ảnh được KCNA công bố ngày 10-9. Ảnh: KCNA |
Trước đó, ngày 3-9, Bình Nhưỡng thông báo nước này đã thử nghiệm thành công một quả bom hydro (bom H) có khả năng gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Ngay sau đó, Mỹ công bố một bản dự thảo nghị quyết bao gồm việc ngừng cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên, cấm xuất khẩu hàng dệt may và lao động người Triều Tiên cũng như đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, không rõ Nga và Trung Quốc – hai thành viên thường trực của UNSC – có sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ lệnh trừng phạt mới này hay không.
Hai ngày trước khi cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra, một ủy ban của LHQ nghi ngờ Bình Nhưỡng đang hợp tác với Syria về chương trình tên lửa cũng như hóa học.
Trong bản báo cáo dài 111 trang đăng tải trực tuyến hôm 9-9, ủy ban này cho biết họ đang điều tra khả năng hợp tác chế tạo tên lửa đạn đạo, hóa chất và vũ khí giữa Triều Tiên và Syria. Hai bên có thể đã hợp tác trong chương trình phát triển tên lửa Scud, bảo trì và sửa chữa hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không của Syria.
Một cuộc điều tra cũng đang được tiến hành để xác định liệu các thực thể hoặc cá nhân Triều Tiên nằm trong "danh sách đen" có tham gia vào các hoạt động ở Trung Đông hay không.
"Hai quốc gia thành viên của LHQ đã chặn được các lô hàng vận chuyển tới Syria. Một quốc gia thành viên khác thông báo cho ủy ban rằng họ có lý do để tin rằng các lô hàng là một phần của hợp đồng giữa KOMID và Syria" - ủy ban của LHQ tiết lộ.
KOMID là công ty kinh doanh vũ khí chính, đồng thời là nhà xuất khẩu hàng hóa và trang thiết bị liên quan đến tên lửa đạn đạo và vũ khí thông thường hàng đầu của Triều Tiên.
Tác giả: Phạm Nghĩa (Theo Reuters, Yonhap)
Nguồn tin: Báo Người lao động