Trong tỉnh

Vụ giám sát xây dựng trả lương người lao động bằng ma túy: Nhóm công nhân đối diện với tội danh nào?

Theo luật sư, nếu nhóm công nhân biết giám sát xây dựng mua bán trái phép chất ma túy mà không báo cáo tới công an thì có thể bị xử lý về tội không tố giác tội phạm.

Liên quan đến vụ chủ thầu xây dựng trả lương công nhân bằng ma túy, trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc trả lương cho công nhân xây dựng bằng ma túy ở Hà Nội là rất hi hữu.

Việc giám sát công trình cung cấp ma túy cho người lao động của mình để trừ vào tiền lương có thể bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn hành vi mua ma túy về để trả nợ tiền công, tiền của người lao động thì chưa đủ căn cứ để xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy nhưng có thể xử lý về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý nếu cơ quan chức năng thu được số ma túy chưa kịp sử dụng.

Nhóm đối tượng được đưa về trụ sở công an làm việc. Ảnh: CACC

Trường hợp phát hiện quả tang nhóm đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, hành vi này có thể xem xét xử lý về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo điều 255 Bộ luật hình sự 2015 đối với những người đã đứng ra tổ chức việc sử dụng ma túy này: cung cấp ma túy, cung cấp phương tiện sử dụng ma túy, tạo điều kiện về nơi sử dụng ma tuý...

Ngoài ra, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: Đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác)...

“Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng đối tượng, làm rõ vai trò của từng đối tượng nếu thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh nào thì sẽ xử lý về tội danh đó theo quy định pháp luật trong các tội danh thuộc nhóm tội về ma túy”, luật sư Cường cho biết.

Luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp

Cũng theo luật sư Cường, trong vụ việc này ngoài hành vi phạm tội của chủ thầu xây dựng thì nhóm công nhân sử dụng trái phép chất ma túy cũng có thể bị xử lý về tội không tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”

Như vậy trong trường hợp có người lao động nào biết được người chủ doanh nghiệp này mua bán trái phép chất ma túy mà không thông báo cho các cơ quan chức năng thì có thể bị xử phạt tới 03 năm tù về tội không tố giác tội phạm.

Theo thông tin ban đầu về vụ việc, ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự 2 nghi phạm Lê Văn Anh (30 tuổi, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Đặng Quang Huy (27 tuổi, quê quán Thái Bình) để điều tra về hành vi "Tổ chức sử dụng ma túy".

Công an bước đầu xác định Đặng Quang Huy là người cung cấp ma túy, sau đó Lê Văn Anh (bảo vệ) là người phát ma túy cho công nhân và cho tổ chức sử dụng tại công trình.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận mỗi ngày phát ma túy 2 lần cho các công nhân, mỗi lần một gói tương ứng 100.000 đồng. Số tiền này sẽ được trừ vào lương công nhân. Với những người không nghiện thì được chủ thầu trả lương bình thường.

Trước đó, ngày 3/1, Công an phường Hạ Đình phối hợp với Công an quận Thanh Xuân ập vào khu lán trại trong một công trình xây dựng nằm trên địa bàn. Tại đây, lực lượng chức năng bắt quả tang hàng chục người đang sử dụng ma túy. Gần 20 người có mặt trong khu vực bị tạm giữ, đưa về công an phường để làm rõ.

Điều 255, Bộ luật Hình sự 2015 về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo đó, người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi; Đối với phụ nữ mà biết là có thai; Đối với người đang cai nghiện; Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây bệnh nguy hiểm cho người khác; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người; Gây tổn hại cho sức khoẻ cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây bệnh nguy hiểm cho 2 người trở lên; Đối với người dưới 13 tuổi.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: Gây tổn hại cho sức khoẻ của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Làm chết 2 người trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tác giả: Nguyễn phượng

Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok