Trong tỉnh

Vụ dân chặn xe nghi chở hóa chất độc hại: Nhà máy chưa có phép đã hoạt động

Công ty cổ phần Cromit Nam Việt liên kết với đối tác Trung Quốc xả thải ra môi trường khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép.

Nhà máy của Công ty cổ phần Nam Việt liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc đang bị người dân xã Vân Sơn phản đối vì gây ô nhiễm môi trường.

Hàng chục người dân xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã chặn đoàn xe đầu kéo nghi chở hóa chất độc hại vào nhà máy Công ty cổ phần Cromit Nam Việt (Công ty Nam Việt) để phục vụ việc sản xuất. Theo người dân nơi đây, từ năm 2018, khi Công ty Nam Việt liên kết với đối tác là doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất thì tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra nghiêm trọng. Công ty ngang nhiên xả khí thải, đổ thải trực tiếp ra môi trường. Nhiều thôn xóm của xã vân Sơn bị bao trùm bởi màu khói trắng đục, khi hít phải thì có hiện tượng khó thở, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn...

Người dân nơi đây cũng phản ánh thêm, hiện nay họ không biết cụ thể bên trong nhà máy của Công ty Nam Việt đang nấu cái gì, họ không mua quặng Crom để nấu tinh luyện mà chở nguyên vật liệu bằng xe bồn, container ở các nơi khác về. Có nhiều đêm, cả một đoàn xe khoảng 40 – 50 chiếc ầm ầm kéo về trong đêm cày nát tuyến đường của xã. Khi mỗi mẻ nấu xong ra lò thì bốc lên một mùi rất thối” anh Lê Trọng Sơn cho biết.

Đơn kiến nghị của người dân gửi các cơ quan chức năng tố cáo hành vi xả thải ra môi trường của công ty Nam Việt

“Chiều gió thổi về hướng nào thì khói bay về hướng đấy, nhiều hôm trời âm u, khói không phát tán lên cao lại đọng lại như mây mù suốt cả ngày khiến người dân không thể thở được. Còn việc đau đầu, chóng mặt là chuyện bình thường” – ông Trường - một người dân cho hay.

Tại thôn 11 của xã Vân Sơn có hơn 10 trang trại, tuy nhiên, gần đây tình trạng ô nhiễm còn khiến cho việc chăn nuôi gặp khó khăn. Nhiều trạng trại dê, ông mật, lợn bị phá đàn, xảy thai, đau mắt…

Trước đó, vào chiều 18/12, Sở TN&MT Thanh Hóa chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Thanh Hóa), Phòng TN&MT huyện Triệu Sơn, Công an huyện Triệu Sơn và UBND xã Vân Sơn thành lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra và làm việc với Công ty Nam Việt.

Hóa chất chảy tràn lan phía bên trong khuôn viên công ty (ảnh người dân cung cấp).

Trao đổi với ông Lê Phú Quốc - Trưởng phòng TN&MT huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) được biết “ Thời gian vừa qua, Công ty Nam Việt (đóng hơn 60% vốn) có liên kết với doanh nghiệp của Trung Quốc ( đóng hơn 30% vốn) để tiến hành nấu ra thành phẩm các loại nguyên liệu như: Niken, Coban, Molipden và Volfram..., chứ không sản xuất quặng ra sản phẩm FeroCrom như trước đây nữa. Hiện Công ty Nam Việt đã được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương cho chuyển đổi mục đích sản xuất và đơn vị cũng đã hoàn thiện đánh giá tác động môi trường”.

“Đợt kiểm tra vừa qua, chúng tôi phát hiện một khối lượng chất thải rắn đang tập kết bên trong nhà máy của công ty, có một số thùng phi đựng hóa chất, bụi lắng đọng, khí tích tụ lại nên chúng tôi cũng hướng dẫn đơn vị ký hợp đồng với công ty môi trường để xử lý chất thải” – ông Quốc thông tin thêm.

Nhiều bao hóa chất không được bảo quản nghiêm ngặt đã rò rỉ ra môi trường bên trong khuôn viên nhà máy.

Về thông tin nhà máy của Công ty Nam Việt thời gian vừa qua hoạt động cả ngày đêm khi chưa được phép, ông Quốc cho hay: Sau khi có đánh giá tác động môi trường, công ty tiến hành chạy thử nghiệm các dây chuyền. Tuy nhiên, việc chạy thử nghiệm các dây chuyền Công ty Nam Việt chưa có văn bản báo cáo tỉnh nên đoàn kiểm tra đã lập biên bản yêu cầu công ty tạm dừng chạy thử nghiệm để báo cáo tỉnh theo đúng quy trình.

Khói của nhà máy công ty Nam Việt xả nghi ngút khiến người dân khó thở, gia xúc, gia cầm bị xảy thai.

Hiện nhà máy của Công ty Nam Việt có 6 dây chuyền để sản xuất 6 loại sản phẩm, tuy nhiên hiện nay họ mới tiến hành chạy thử nghiệm 2 dây chuyền của 2 loại sản phẩm là Volfram và Molipden.

Năm 2009, Công ty Nam Việt được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép chuyển mục đích sử dụng cho thuê đất tại xã Vân Sơn để xây dựng nhà máy sản xuất FeroCrom. Đến tháng 3/2011 thì đi vào hoạt động và đến ngày 22/10/2012, Công ty có văn bản gửi UBND tỉnh xin dừng hoạt động nhà máy. Sau gần 10 năm đắp chiếu, năm 2018, Công ty Nam Việt bất ngờ liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc lắp đặt dây chuyền sản xuất và đi vào hoạt động rầm rộ không kể ngày hay đêm.

Tác giả: PHẠM THỌ

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok