Cuộc sống

Vợ khổ lấy phải chồng chưa kịp lớn

Vợ chồng vừa cãi nhau, vài phút sau Hằng đã nghe tiếng chồng ấm ức gọi điện cho mẹ ở quê để giãi bày.

Mới cưới nhau gần 2 năm nhưng vợ chồng Hằng, cùng sinh năm 1988, đã chuẩn bị dẫn nhau ra tòa ly hôn. "Tôi không thể chịu nổi người đàn ông tính lèm bèm đó nữa", cô kế toán một công ty kinh doanh nội thất ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ.

Hằng cho biết, mỗi lần có bất đồng với vợ, dù chỉ là chuyện phân công việc nhà, việc vợ chốt cửa không thèm mở khi chồng đi nhậu về muộn... anh xã cô lại gọi cho mẹ hay chị gái ở quê để "giãi bày". Sau đó, thể nào Hằng cũng được mẹ chồng gọi điện trách móc và trong mắt gia đình anh, cô là người vợ lười biếng, hỗn hào, không biết quan tâm tới ai.

Không chỉ hay kể tội vợ, khi không bằng lòng với nhà ngoại, chồng Hằng cũng lập tức nói cho cho gia đình mình biết. Có lần, bố mẹ đẻ Hằng làm giỗ, chồng cô đi có việc tới muộn nên cả nhà đã vào mâm. Anh tỏ ra không bằng lòng, ăn lấy lệ rồi lấy cớ về ngay. Ngay hôm sau, mẹ chồng gọi điện nói bóng gió "lần sau bên đó có công việc gì thì đừng có gọi thằng Hà về" là Hằng hiểu ngay vấn đề.

"Về sau, tôi thấy cuộc gọi của mẹ hay chị chồng thì chẳng buồn bắt máy nữa. Hai bên thông gia sau vài lần hiểu lầm cũng chỉ vì tính hay mách chuyện của chồng tôi thì cũng không thèm nhìn mặt nhau. Tôi đã góp ý với chồng nhiều lần nhưng anh vẫn chẳng sửa đổi nên phải đưa ra quyết định thôi", Hằng thổ lộ.

Ảnh minh họa: Dramafeed.

Cũng kết hôn chưa bao lâu nhưng vợ chồng Hải - My đang đứng bên bờ vực chia tay khi cả hai cãi vã liên tục về những bất đồng trong cư xử. Nhiều bạn bè ghen tỵ My lấy được chàng quý tử con một, có sẵn nhà cửa bề thế ở Trương Định, Hà Nội nhưng cô lại cảm thấy mình hoàn toàn cô đơn, lạc lõng trong nhà chồng.

My chia sẻ, theo thói quen thời độc thân, anh xã My vẫn đưa hết tiền cho mẹ. Sau khi kết hôn, My thủ thỉ bảo chồng rằng từ nay, tài chính hai vợ chồng nên quy về một mối rồi sau đó cùng trích ra một khoản đóng góp chi phí sinh hoạt với bố mẹ. Chưa thấy anh xã thể hiện ý kiến gì, ngay tối hôm sau cô đã được mẹ chồng gọi ra lạnh lùng bảo: "Con muốn quản tiền của thằng Hải à? Con sợ nó đưa cho mẹ thì mẹ tiêu hết hả?". "Hóa ra, anh ấy bô bô kể ngay với mẹ", My thổ lộ.

Lần khác, dì của chồng nhờ My xin việc cho con gái ở công ty truyền thông cô đang làm, My tâm sự với chồng là ngại xin nhưng chưa biết phải nói lại với dì sao vì thấy cô bé kia không phù hợp lắm, bằng cấp thì thiếu trong khi tính có vẻ tiểu thư, không ham học hỏi. Anh chồng không đưa ra giải pháp giúp vợ mà bô bô kể với mẹ, khiến cô bị mẹ và dì chồng giận mấy tháng liền.

"Thậm chí khi hai vợ chồng cãi nhau, không thèm nói chuyện trực tiếp, chỉ nhắn tin gây sự, anh ấy cũng đưa cho mẹ đọc khiến bà nhảy dựng lên bảo mình là đứa láo toét, dám gọi chồng là đồ này đồ kia, trong khi bình thường vợ chồng nói với nhau như vậy thì có vấn đề gì đâu", My tâm sự.

Thạc sĩ tâm lý về hôn nhân, gia đình Lê Thị Minh Hoa (TP HCM) cho biết, thực tế cũng như trong hằng chục năm tư vấn, bà từng gặp rất nhiều trường hợp vợ chồng lục đục, thậm chí ly hôn mà nguyên nhân chính vì người chồng có tính hay "méc mẹ".

Bà Hoa cho biết, thực ra, nam giới đã trưởng thành, tự lập hầu hết sẽ không cư xử như vậy. Hay gặp nhất là những người đàn ông đã lập gia đình nhưng vẫn chưa "người lớn". Họ thường là những người con một, rất gắn bó với mẹ hoặc sinh ra trong nhà đông chị em gái hay từ nhỏ tới lớn luôn được gia đình làm và quyết định thay mọi việc.

Theo nhà tâm lý, cách cư xử này của người chồng có thể tạo ra nhiều vấn đề mà chính bản thân họ không lường hết được. Khi nghe con trai "mách" những điều không hay về con dâu, nhà chồng thường có tâm lý bênh con mình, nhìn nhận không hay về nàng dâu.

Hành xử như vậy, trong mắt vợ, hình ảnh người chồng trở nên nhu nhược, không biết thương vợ, thiếu quyết đoán và chín chắn. Dần dần, người phụ nữ có thể nghĩ về chồng, nhà chồng không tốt. Đồng thời, họ cũng sẽ ngại chia sẻ tâm tư, hỏi ý kiến chồng do mất niềm tin vào anh và tình cảm giữa cả hai vì thế ngày càng xa cách.

Hành động đem chuyện riêng tư hay bêu xấu các nhược điểm của bạn đời với gia đình mình có thể khoét sâu thêm các mâu thuẫn nhỏ và tạo hố ngăn cách trong mối quan hệ vốn đã nhạy cảm giữa nàng dâu với nhà chồng. Trong nhiều trường hợp, chính người đàn ông sau đó lại bị kẹt ở giữa mâu thuẫn này mà khó tìm được cách hóa giải.

"Khi lấy vợ nghĩa là bạn đã xây dựng một gia đình riêng và phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống, mối quan hệ của mình. Vì thế, vợ chồng có bất cứ vấn đề gì nên cùng đứng về một hướng để tìm cách giải quyết thay vì kể tội nhau hay tìm tới sự can thiệp bên ngoài", bà Minh Hoa góp ý.

Theo bà, nếu lỡ lấy phải những anh chồng "chưa kịp lớn", người vợ phải thật sự kiên trì và có bản lĩnh mới mong "cải tạo" được. Hãy thẳng thắn nói với chồng cách cư xử của anh khiến bạn cảm thấy thế nào, bạn mong muốn ra sao và khích lệ ngay khi chồng có sự tiến bộ. Nếu gia đình nhà chồng hiểu chuyện và thiện chí, chị em có thể "lấy lòng" các thành viên gia đình để nhờ tác động, chuyển hóa dần anh xã. Khi những việc này không hiệu quả, người vợ chỉ còn cách cố gắng chủ động cuộc sống của mình.

Sau vài lần dở khóc dở cười vì hễ vợ chồng có chuyện gì là anh xã lại mách mẹ và chị cả, chị Trà, 34 tuổi ở Ngọc Hồi, Hà Nội đã lập một quy tắc mới: Khi hai vợ chồng mâu thuẫn, cấm ai được kể với hai bên bố mẹ. Chị bày tỏ với chồng rằng, cả hai đều đã lớn nên có việc gì thì phải tự giải quyết, đừng để bố mẹ đã có tuổi phải lo lắng, suy nghĩ về chuyện của con cái.

Bản thân chị cũng cố gắng hạn chế "xả" với chồng để anh ít có cơ hội đem chuyện về nói với gia đình. "Mình có bức xúc gì thì gặp bạn bè để than thở chứ không kể với anh xã nữa. Như vậy tránh được việc anh ấy đi 'mách' nhưng dần dần mình lại quen với việc không còn tâm sự với chồng nữa và thấy có sự xa cách", chị Trà chia sẻ.

Tác giả: Vương Linh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: phí sinh hoạt , con gái , chồng , vợ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok