Trong tỉnh

Vỡ công trình hơn 4 ngàn tỷ: Chủ đầu tư đổ lỗi cho địa chất

Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 cho rằng, kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã vỡ là do nằm trên lớp đá phong hóa, có cung trượt phức tạp(?).

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp giao khắc phục sự cố trong 3 ngày để đảm bảo nước sản xuất vụ xuân... Ảnh: Võ Dũng.

Mất 5-7 ngày mới khắc phục được sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã

Kết luận cuối cùng phải chờ cơ quan chức năng. Song điều dư luận băn khoăn chính là chất lượng công trình cũng như những vấn đề đặt ra trong việc nghiên cứu, thi công của dự án mấy ngàn tỷ đồng này.

Khoảng 9 giờ 45 phút ngày 27/12, trong quá trình vận hành kênh chính thuộc hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã, đoạn đi qua xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) để phục vụ sản xuất, 70 m đê tại vị trí K5+170 - K5+ 240 bị vỡ.

Hàng ngàn m3 đất; 28 tấm bê tông mái và 14 tấm bê tông đáy; 400m3 đá xây gia cố mái bị tống trôi cùng dòng nước chảy tuôn tuồn tuột.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp giao khắc phục sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã trong vòng 3 ngày

Tại buổi làm việc với các bên liên quan diễn ra sáng 29/12/2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, Ban 3 đã quá chậm trong việc báo cáo sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã. Thứ trưởng yêu cầu Ban 3 phải tập trung nhân lực, làm 3 ca/ngày để khẩn trương khắc phục sự cố trong vòng 3 ngày, đảm bảo nước tưới vụ xuân cho trên 30 nghìn ha đất nông nghiệp tại Thanh Hóa.

Sự việc cũng khiến 3,5 ha đất hai lúa; gần 0,5 ha ao bị đất, đá vùi lấp, 130 con gia cầm bị cuốn trôi; trên 30 nghìn ha đất nông nghiệp tại các huyện Ngọc Lặc, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy chuẩn bị bước vào sản xuất vụ xuân gặp khó khăn về nước tưới.

Theo thông tin từ Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (gọi tắt là Ban 3, (đơn vị được giao quản lý, vận hành), trước thời điểm vỡ đê, công tác tuần đê vẫn diễn ra thường xuyên và không phát hiện có điều gì bất thường.

Sau sự cố, tuyến kênh đang được khẩn trương khắc phục. Lớp đất đá bị sạt trượt trong hố móng cơ bản đã được đào hết và đang tiếp tục đào vét sạch hố móng đến lớp đá phong hóa.

“Hiện đang có 6 máy đào, 10 ô tô, 2 máy ủi, 2 lu rung thi công với tinh thần khẩn trương hết sức, vừa thiết kế vừa tổ chức thi công khắc phục. Thứ trưởng giao làm xong trong vòng 3 ngày nhưng phải đến 5-7 ngày mới hoàn thành. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo đào bóc hết lớp sạt trượt đưa hết ra ngoài; dùng đá cấp phối đắp lại nền móng, lu lèn theo tiêu chuẩn và đắp lại thân đập bằng vật liệu chống thấm.

Đơn vị đang khắc phục và nhanh chóng rà soát đánh giá, đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang giao cho Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Cửa Đạt trích kinh phí để khắc phục sự cố” - Ông Lê Bá Huân, Trưởng phòng quản lý thi công Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 cho biết.

Nhưng đại diện Ban 3 cho rằng, phải mất 5-7 ngày mới hoàn thành. Ảnh: Võ Dũng.


Về lâu dài, ông Huân cho biết hiện đơn vị đang yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành đánh giá lại toàn bộ tuyến kênh chính cũng như công trình đầu mối, kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn tránh xẩy ra sự cố tương tự. Tuy nhiên, việc rà soát phải mất nửa năm mới hoàn thành.

“Phải mất thời gian 6 tháng, phải mời đơn vị tư vấn mới rà soát hết được những điểm có nguy cơ tiềm ẩn xẩy ra sự cố” – vẫn lời ông Huân.

Thời điểm vỡ kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã không có mưa, mực nước thấp hơn mực nước thiết kế

Đoạn kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã vỡ do Ban 3 làm chủ đầu tư. Anh: Võ Dũng.

Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân vỡ kênh, ông Huân cho rằng phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học, những người có chuyên môn mới có kết luận chính xác. Nhưng bước đầu, nguyên nhân có thể là do nền địa chất phức tạp?!

“Qua khảo sát, thân đê, cơ đê đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế. Muốn xác định được nguyên nhân phải có cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học vào cuộc đánh giá. Nhưng ban đầu qua quan sát hiện trường, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp nhận định, đoạn kênh nằm trên nền địa chất có cấu trúc phức tạp, một bên núi, một bên suối, đất không đồng nhất.

Đặc biệt đây là đoạn kênh nổi có chiều cao đắp lớn, từ 6-8m, nằm trên lớp đá phong hóa lớp 6, có cung trượt phức tạp. Đá phong hóa lớp 6, nếu bình thường đào bằng máy không được nhưng khi có nước nó rời rạc và lực kháng cắt giảm. Đến điểm tới hạn nó sẽ tự trượt. Trong quá trình mưa lâu ngày, có thể một phần thấm từ kênh gây ra sự cố(?)” – ông Huân giải thích thêm.

Hình ảnh này khiến không ít người hoài nghi về chất lượng công trình kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã. Ảnh: Võ Dũng.

Vậy, quá trình khảo sát, tư vấn thiết kế đã không tiên lượng được điều này? – PV hỏi.

Ông Huân cho rằng, quá trình thiết kế, bản vẽ, thi công, các đơn vị đã lưu ý đến vấn đề này. Nếu nằm trên lớp đá phong hóa 6 thì không vấn đề gì nhưng lại có cung trượt phức tạp và bị tác động bởi điều kiện khí hậu thì nền địa chất sẽ biến động theo thời gian.

“Chắc chắn tư vấn đã lưu ý vấn đề này nhưng có thể có những điểm không tiên lượng được vì có quy định khoảng cách các mũi khoan thăm dò địa chất. Cũng không khẳng định được khi khảo sát thiết kế họ có phát hiện ra cung trượt này không nhưng trong mặt cắt địa chất thì không có cung trượt” – trích lời ông Huân.

Ông Huân cho biết thêm, thời điểm vỡ, mực nước trên kênh là khoảng 2,1 m nước/mực nước thiết kế 3,28 m. Trước đó mấy tháng, bão số 4,5,6 gây mưa nên lượng nước ngấm dưới chân đê lớn.

Khi được hỏi về đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị giám, sát thi công, nhất là đoạn bị vỡ, ông Huân nói, ông không nhớ vì có rất nhiều đơn vị và cũng không nên thông tin. Trong khi hàng ngàn ha đất sản xuất thì đang mong có nước để chuẩn bị vào vụ sản xuất. Còn dư luận thì muốn biết rõ nguyên nhân sự cố trên là từ đâu?

Kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã (đoạn vỡ) do Ban 3 làm chủ đầu tư

Hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã dài 16,276 km có tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ (khoảng 1.400 tỷ đồng) và vốn vay từ Ngân hàng phát triển châu Á (khoảng 2.900 tỷ đồng). Trong đó, kênh chính và kênh nhánh (đoạn bị vỡ) do Ban 3 làm chủ đầu tư. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016.

Trước đây, công trình này được giao cho Công ty TNHH MTV Sông chu và Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Sông Mã quản lý vận hành. Từ tháng 2/2019 chuyển hệ thống kênh chính cho Ban 3 quản lý vận hành.

Tác giả: Võ Văn Dũng

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok