Chỉ vì vô cớ bị nghi bắt cóc trẻ con, nhiều người dân vô tội đã bị đám đông bao vây, hành hung, đập phá tài sản,... thậm chí nhiều trường hợp đã nguy hiểm tới tính mạng. Vậy phải ứng xử ra sao nếu chẳng may rơi vào trường hợp 'oái oăm' như thế để tránh được việc rước họa vào thân?
Ngày 17-10-2019, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một bài đăng với nội dung một người đàn ông quê Vĩnh Phúc nghi bắt cóc trẻ em ở xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) khiến dân tình hoang mang về thực hư câu chuyện |
Theo hình ảnh đăng tải của chủ Facebook, có thể thấy người đàn ông quê ở Vĩnh Phúc kia đã bị đám đông vây đánh rồi đưa lên UBND xã Xuân Cao. Tuy nhiên, theo xác minh của cơ quan điều tra thông tin bắt cóc trẻ con là sai sự thật |
Nạn nhân ở đây là ông Trường Văn Sơn (quê Vĩnh Phúc), chiều 16-10-2019, ông Sơn đến xã Xuân Cao để bán áo mưa. Tuy nhiên do xảy ra xung đột với khách mua là ông Hà Văn Khâm (quê Thanh Hóa) nên bị ông này vu vạ là bắt cóc trẻ con khiến ông Sơn bị người dân vây đánh, tạo thành sự hiểu lầm không đáng có này |
Một trường hợp tương tự xảy ra với anh P.V.T (quê Thanh Hóa) làm công nhân ở phường Xuân Tảo (Hà Nội). Vào ngày 17-3-2019, dân mạng truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người dân đang khống chế anh T vì nghi có hành vi bắt cóc trẻ con |
Trong đoạn clip, mẹ đứa trẻ kể lại chuyện qua kiểm tra camera phát hiện anh T đã bế con của mình đi. Tuy nhiên, anh T khai nhận với cơ quan điều tra, vào ngày 17-3-2019, sau khi uống say về anh thấy một bé gái đứng khóc một mình nên đã bế đứa trẻ ra quán nước gần đó mua đồ ăn dỗ dành |
Công an phường Xuân Tảo qua quá trình điều tra đã xác minh không có hành vi bắt cóc trẻ em ở đây. Sáng 18-3-2019, gia đình đứa bé đã đến nhà anh T để xin lỗi |
Ngoài ra, trường hợp của anh Lê Hoài Bảo (HKTT ở Long An) khi chơi đùa cùng con đã bị nghi là bắt cóc trẻ con khiến anh bị đâm đến tử vong. Sự việc của anh khiến nhiều người cảm thấy vô cùng đau lòng, xót xa |
Cụ thể, chiều 21-2-2019, hai cha con anh Bảo chơi đuổi bắt ở công viên thị trấn Hậu Nghĩa thì bất ngờ có người la lên "bắt cóc trẻ con". Đối tượng Nguyễn Ngọc Hải Điền (SN 1993, quê Long An) đang uống rượu gần đó đã chạy đến can thiệp, cùng bạn đánh hội đồng rồi dùng dao đâm chết nạn nhân |
Ngày 27-2-2019, Công an tỉnh Long An đã khởi tố đối tượng Nguyễn Ngọc Hải Điền về tội danh "Giết người" |
Từ những trường hợp trên có thể thấy tâm lý đề phòng với tội phạm bắt cóc trẻ con của người dân đang ngày được nâng cao. Tuy nhiên, mỗi khi có sự bất thường xảy ra thì đám đông lại dễ kích động, gây nên những hành vi quá khích, gây thương tổn và phá hoại tài sản của người bị tình nghi |
Điều đó cũng giải thích một phần cho những trường hợp bắt gặp một đứa trẻ gặp nạn, nhiều người lại lưỡng lự việc có hay không nên giúp đỡ chúng. Vậy ứng xử sao cho đúng khi gặp một đứa trẻ gặp nạn hoặc cách "giải vây" khi "chót" trở thành kẻ tình nghi bắt cóc? |
Nếu gặp một đứa trẻ đang chơi một mình, đang khóc hoặc gặp nguy hiểm hãy hỏi han thông tin xác thực liệu đứa bé có cần sự trợ giúp không. Lưu ý, nên tránh những hành động dễ gây hiểu lầm như bế, cho kẹo hay tự ý dẫn đứa trẻ đi,... |
Nếu bạn chắc chắn đứa bé đang gặp nạn hay gọi ngay đến các trung tâm cứu trợ. Đây là hành động được khuyến khích nhất. Bởi việc tìm đến sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng chính là biện pháp an toàn, hiệu quả cho cả bản thân bạn và đứa bé |
Trường hợp bị người dân nghi ngờ, quây đánh, theo Đại tá Đỗ Cảnh Thìn - Chuyên gia tâm lý tội phạm học, bạn nên quyết liệt, đề nghị mọi người bình tĩnh, nói rõ ràng mục đích, hành vi không bắt cóc của mình, khuyến khích việc tự đề xuất hoặc chủ động liên hệ với cơ quan công an để dễ dàng xử trí |
Trường hợp xấu nếu đám đông vẫn vây đánh, bạn nên lui về một bức tường, cái cây,... để tránh tình trạng ai đó đánh lén từ phía sau gây nguy hiểm tới tính mạng. Vì chúng ta không thể bỏ chạy, nên hãy cố bảo vệ các vị trí hiểm trên cơ thể như hạ bộ, thái dương, gáy, bụng bằng cách liên tục di chuyển chậm (không nên đứng im một chỗ) |
Ngoài ra, bạn cũng nên trang bị cho mình kiến thức pháp luật để có thể dễ dàng "đàm phán" với người dân. Việc bị vu khống là kẻ bắt cóc nằm trong "Tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm" có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo điều 121 Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức phạt cải tạo không giam giữ là 2 năm, phạt tù nhẹ nhất là 3 tháng, nặng nhất là 3 năm |
Đối với tội cố ý gây thương tích thì điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% phạt tù từ 6 tháng-3 năm; Từ 31-60% phạt từ từ 2-6 năm; Từ 61% trở lên phạt từ 5-10 năm. Tùy vào trường hợp có thể chung thân hoặc tử hình |
Tác giả: Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô