Căn nhà trên của vợ chồng ông Phan Văn Huỳnh (SN 1966, trú xóm 2B, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) khóa trái cửa, căn nhà dưới trống huơ trống hoác bởi bao nhiêu đồ đạc sắm sanh được đều bị anh em Phan Văn Lý, Phan Văn Bằng đập phá bằng sạch. Hai chiếc xe đạp cong queo dựng ở tường cũng là “sản phẩm” của hai đứa con điên dại suốt hai mươi năm kia.
25 tuổi, Phan Văn Lý cũng chỉ là một chàng trai ngờ nghệch khi mang trong mình căn bệnh tâm thần thể nặng |
Trời nóng, cái nắng như đổ ụp xuống mái nhà nhưng ông Huỳnh phải xích Phan Văn Bằng (SN 1995) ngoài hiên. Bằng cao lớn lồng ngồng, khuôn mặt già đanh, ngồi cười một cách ngơ ngác. Thấy có người lạ đến, Bằng chìa bàn tay cáu bẩn ra “mừng tuổi đi”. Khách đưa cho 50 nghìn, Bằng cầm lấy, cười hềnh hệch. Phan Văn Lý (SN 1993) tiến lại, giật phắt tờ tiền trên tay em rồi nói: “mua thuốc lá”.
Ông Huỳnh quát lên, chỉ chỗ bảo Lý ngồi xuống. Hai gã thanh niên gừ gừ nhìn cha, tựa hồ, nếu ông không “cứng”, sức vóc hai gã lực điền vô thức ấy có thể quật ngã ông xuống sân. “Vợ chồng tui cũng bị chúng đánh, xô (đẩy) ngã chòng queo. Nhưng mà chúng điên, lúc lên cơn biết cái gì hả cô?”, ông nói, đôi mắt loang loáng nước.
Người em trai của Lý là Phan Văn Bằng cũng chung chứng bệnh của anh |
Bà Nguyễn Thị Hằng – vợ ông Huỳnh khe khẽ ngồi xuống chiếc chõng tre, nơi xích thằng Bằng. Thấy mẹ, Bằng tươi tỉnh hẳn lên, kêu “Hằng, Hằng” rồi giơ cái chân xích lên, ấn tay mẹ vào đó.
“Nó bảo mở xích đó. Nhưng mở xích, sơ sểnh một chút, hai anh em chúng chạy tuốt ra khỏi cổng, chẳng biết gây họa ở đâu. Hai vợ chồng lại lóc cóc đi tìm, mà chúng chạy nhanh lắm, mà chẳng hiểu sao, cứ ra khỏi cổng là mỗi đứa phóng mỗi ngã. Ra đường, chúng nó phá, nhỡ người ra không biết mà đánh lại tội, thôi cứ bằng xích lại…”, bà Lý nói, cánh tay phải rung rung không làm chủ được. Căn bệnh thần kinh xuất hiện từ hai năm nay, đi viện mấy lần rồi nhưng không chữa khỏi. Có lẽ hơn hai mươi năm kiệt sức chăm con, cơ thể và trí óc của người phụ nữ ấy đã không còn chịu được nữa mà bắt đầu rệu rã chăng?
Để con không quậy phá hàng xóm hoặc đi lang thang, bà Hằng phải xích chân con lại |
Ông bà cũng không hiểu sao hai đứa con trai của mình sinh ra là ốm yếu, nóng sốt quanh năm suốt tháng. Đi viện huyện, viện tỉnh rồi ra tận Hà Nội, cầm tờ giấy kết quả kiểm tra, hai vợ chồng tê tái, uất nghẹn: cả Bằng và Lý đều bị tâm thần thể nặng. Có lẽ, di chứng hồi năm 1979 ông Huỳnh nhập ngũ, đóng quân ở khu vực đã từng nhiễm chất độc da cam chăng? Đó là ông bà nghĩ thế nhưng để đi xác minh, kiểm tra, xin chế độ đâu phải đơn giản.
Hai vợ chồng làm lụng quần quật nuôi hai cái miệng ăn không biết no, uống thuốc đều như vắt chanh hằng ngày. Nỗi khổ tâm cũng dần quen đi nhưng rắc rối mà hai đứa con càng lớn càng mang lại nhiều hơn.
Xác nhận về hoàn cảnh gia đình ông Phan Văn Huỳnh của UBND xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên, Nghệ An) |
Ông Nguyễn Anh Kiếm (hàng xóm) chép miệng: “Làng xóm chẳng bao giờ được yên ổn với hai thằng con anh Huỳnh, chị Hằng. Sểnh một chút, chúng kéo sang, ti vi đập đằng ti vi, xe máy phá đường xe máy, bể chứa nước nó tháo không còn một giọt. Có nhà, ti vi màn hình phẳng mới mua, nhà khóa cửa hẳn hoi trước khi đi vắng, không hiểu sao thằng Bằng mở được cửa, vào tháo luôn chiếc ti vi ra đặt giữa sân để… sửa”.
“Biết chúng nó điên dại, chẳng ai nỡ bắt đền. Khổ nhất là hai thằng mê ô tô lắm, chỉ cần nghe tiếng ô tô chạy qua ngõ là phi ra, chặn ngay trước đầu xe hoặc leo tót lên thùng. Hôm trước, anh tài xế xe cẩu dừng xe đầu làng, khóa cửa đi ăn cơm. Anh em thằng Bằng đập vỡ hết kính, leo vào buồng lái phá chán thì xuống tháo cạn thùng dầu. Người ta không biết, suýt đánh nó một trận đó. Nhưng may biết nó điên, họ tha cho”, ông Huỳnh tiếp lời hàng xóm.
Hơn hai chục năm chăm hai con tâm thần, bà Hằng suy kiệt cả về sức khỏe lẫn tinh thần, cộng với căn bệnh thần kinh, bà hầu như mất khả năng lao động |
Hai anh em Lý – Bằng ngồi cười chán lại gây sự với nhau. Có hôm, chúng lao vào nhau đấm đá, ông Huỳnh, bà Hằng mỗi người ôm một đứa kéo ra. Mà sức vóc lẻo khẻo của hai ông bà sao trụ lại được với hai thằng con trai lực lưỡng ấy. Nó huých một cái, bà Hằng văng ra, nằm xuội lơ một góc sân, ông Huỳnh lại phải buông con ra, lo cho vợ. Hai thằng con cũng buông nhau ra, nhìn mẹ cười một cách man dại.
Nhưng nó còn đánh nhau, còn chạy đi tung tung, còn phá phách được, nghĩa là chúng khỏe trong người. Ông Huỳnh sợ cái cảnh hai thằng con tồng ngồng của mình cứ nằm luội một chỗ, không ăn, không uống được và lịm đi dần.
Vợ ốm, con bệnh, ông Huỳnh chỉ mong mình đủ sức khỏe để cáng đáng gia đình, chăm sóc vợ con |
“Mới đây chứ có xa xôi chi, hai thằng ốm một lúc, mẹ nó cũng ngã bệnh luôn. Hai thằng đi viện tâm thần, mẹ nó ra Hà Nội điều trị, một mình tôi lo cũng kiệt sức. Hồi mẹ nó chưa ốm đau như bây giờ, tôi đi làm đá, ngày cũng được 200 nghìn đồng, đủ mua thuốc thang, thức ăn cho con. Giờ chẳng làm lụng được chi cả mà chúng nó ăn có biết no đâu!”, ông Huỳnh nói.
Buổi ngày bà Hằng xích con lại, buổi đêm tháo ra cho con ngủ. Hai ông bà ghép thêm chõng, 4 người ngủ một chỗ. Ông Huỳnh, bà Hằng ngủ ngoài, Lý với Bằng ngủ ở giữa. Đêm thanh vắng, hai thằng con ông lại thính tai lạ lùng, chỉ cần nghe tiếng ô tô từ đâu vọng tới, hai thằng bò dậy, chạy ra khỏi nhà. Hai ông bà lại lục cục dậy, đuổi theo con, có khi đến sáng đêm mới tìm được về.
“Hơn hai chục năm, hình như tôi chưa được ngủ một giấc đúng nghĩa. Giá bà ấy còn khỏe, đỡ đần tôi được một chút. Sức tôi ngày càng hèn, không biết mai kia, ai lo cho chúng nó”. Câu hỏi của người cha khốn khổ như lọt thỏm giữa nắng trưa hoe hoắt, giữa tiếng thở dài của vợ và tiếng cười ngờ nghệch của hai đứa con…
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Ông Phan Văn Huỳnh – xóm 2B, xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An ĐT: 0164 81 52 439 |
Tác giả: Hoàng Lam
Nguồn tin: Báo Dân trí