Năm 31 tuổi, ông Nguyễn Văn Huệ (năm nay 65 tuổi, Từ Am, Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội) xin rời môi trường quân ngũ để về quê làm kinh tế với hi vọng thoát nghèo. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, ông vẫn chưa được an nhàn. Ông Huệ có 3 cô con gái và 1 cậu con trai út. Trong đó, cô con gái thứ ba là Nguyễn Thị Tuyến (30 tuổi) bị bại não.
Đạp xe hàng trăm cây số đưa con đi chữa bệnh
Trong kí ức của ông Huệ, quãng thời gian mà hai vợ chồng đưa con gái Nguyễn Thị Tuyến từ nhà lên Hòa Bình chữa bệnh bằng xe đạp lưu lại nhiều kỉ niệm.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Huệ. |
Khi sinh ra, Tuyến vẫn bình thường và khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Tai họa ập xuống khi Tuyến bị sốt lúc 4 tháng tuổi.
“Hôm đó là 30 Tết, Tuyến bị sốt và sau đó, vợ chồng tôi đưa đi tiêm ở trạm y tế xã, sau đó, cháu bị sùi bọt mép”, ông Huệ nhớ như in.
30 năm qua, vợ chồng ông Huệ đưa con đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng đều nhận kết luận: “Tuyến bị bại não”. Không đầu hàng số phận, hai vợ chồng ông đưa con đưa chạy chữa khắp nơi, từ viện nhỏ, viện lớn đến thầy lang.
Lên 3 tuổi, Tuyến chỉ nằm một chỗ. Thấy vậy, nhiều người chỉ vợ chồng ông Huệ lên Hòa Bình vì nơi đây có thầy lang “cao tay” có thể chữa khỏi bệnh cho con gái. Tia hi vọng lóe lên, ông Huệ đèo vợ ngồi sau ẵm con gái trên chiếc xe đạp cà tàng lên Hòa Bình tìm thầy lang điều trị.
Bà Nguyễn Thị Phú kể về những tháng ngày chạy chữa cho con gái. |
“Khi đó, chồng tôi đạp xe, còn tôi ẵm con bé trong tay. Trên quãng đường gần trăm cây số, nhiều lúc xe hỏng lại phải dắt bộ kiếm tiệm sửa", bà Nguyễn Thị Phú (61 tuổi) nhớ lại.
Khi đến nơi, hai vợ chồng ông bà Huệ hi vọng có phép màu đến với con nhưng đó chỉ là mơ ước.
Lo cho con đến khi sức tàn lực kiệt
Không cảm nhận được nóng hay lạnh nên Tuyến chẳng chịu mặc quần áo.
“Mặc quần áo cho Tuyến xong, mẹ nó lên nhà là nó xé hết. Trời nóng, mất điện là nó đập quạt, nhà tôi có một đống quạt bỏ xó do nó đập”, ông Huệ nói.
Thương con, mỗi tối, bà Phú ngủ cùng để con được yên giấc. Và khi ở bên con, bà Phú cảm nhận được tình cảm mà con gái dành cho mình.
Hiện, đôi tay của Tuyến có thể cử động nhưng đôi chân bị liệt. |
“Khi nằm ngủ, nó khoác tay ôm người tôi, má nó kề sát mặt tôi. Khi bảo, con hôn mẹ cái nào, là Tuyến sẽ hôn. Khi đó, tôi cảm thấy hạnh phúc lâng lâng khó diễn tả thành lời”, bà Phú tâm sự.
Những lúc như vậy, Tuyến giống như một đứa trẻ. Những khi thời tiết thay đổi, Tuyến lên cơn động kinh, đấm bà Phú túi bụi, khiến người mẹ già té ngã.
Tuổi già đến, mang nhiều bệnh tật nhưng hai vợ chồng ông Huệ canh cánh nỗi lo không biết ai sẽ chăm sóc con gái khi khuất núi.
Mỗi tháng chị Tuyến được trợ cấp 700.000 đồng. |
Là nông dân gắn bó với ruộng đồng, lợn gà, ông Huệ chả mấy khi ốm đau. Ấy vậy mà cách đây 1 tháng, ông trải qua trận ốm "thập tử nhất sinh".
“Bị đau bụng tôi đi khám ở 2 bệnh viện gần nhà nhưng đều không phát hiện bệnh. Đến bệnh viện thứ 3, may mắn, phát hiện ra bệnh áp xe ruột thừa. Bác sĩ bảo, may cho tôi nếu chậm chút nữa là nguy hiểm đến tính mạng”, ông Huệ cho hay.
Bệnh án của hai vợ chồng ông Phú. |
Không chỉ ông Huệ mà bà Phú cũng bị bệnh xẹp ống sống lưng, khiến bà không thể làm việc nặng. Giờ đây, mọi việc trong gia đình do cậu con trai gánh vác.
Nhiều lúc hai vợ chồng ông chỉ biết thở dài nhìn nhau, khi nghĩ đến lúc chết đi thì ai sẽ chăm Tuyến. Thấy ở xã có 2 trường hợp mắc bệnh giống Tuyến, gia đình làm các thủ tục để đưa con lên trung tâm bảo trợ xã hội.
“Nhiều lần, chúng tôi định cho em nó lên trung tâm bảo trợ xã hội để người ta chăm sóc. Nhưng, thương con quá, chắc chúng tôi sẽ cố gắng sống để chăm sóc con đến khi nào sức tàn, lực kiệt thì thôi", ông Huệ nghẹn ngào nói.
Anh Cao Văn Quảng, trưởng thôn Từ Am (Thanh Thùy) cho biết, gia đình ông Huệ thuộc diện hộ cận nghèo của xã.
Mọi sự ủng hộ của độc giả cho gia đình ông Nguyễn Văn Huệ xin gửi về: Gia đình ông Nguyễn Văn Huệ ở Từ Am, Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội |
Tác giả: MẠNH ĐOÀN
Nguồn tin: Báo VTC NEWS