Năm 2016, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF ước tính khoảng một nửa dân số Ấn Độ không sử dụng nhà vệ sinh. Ảnh: BBC. |
Trước tòa, người vợ khoảng hơn 20 tuổi cho biết trong suốt 5 năm sống ở nhà chồng, mỗi lần muốn đi vệ sinh, cô luôn phải ra ngoài cánh đồng, BBC đưa tin ngày 21/8.
Luật pháp Ấn Độ chỉ cho phép các cặp vợ chồng ly hôn trong một số trường hợp nhất định, ví dụ như xảy ra bạo lực gia đình hoặc có hành động tàn ác.
Trong vụ này, thẩm phán đã ra phán quyết người vợ buộc phải đi vệ sinh ngoài trời là một hình thức tra tấn, luật sư bên nguyên nói với hãng tin AFP.
"Chúng ta bỏ tiền ra mua thuốc lá, rượu và điện thoại di động nhưng không sẵn sàng chi tiền xây dựng nhà vệ sinh để bảo vệ phẩm giá của người thân trong gia đình", bồi thẩm đoàn đưa ra nhận định dựa trên sự thật là người vợ buộc phải đợi trời tối mới dám ra ngoài ruộng để đi vệ sinh.
"Đây không chỉ hành hạ người phụ nữ về mặt thể chất mà còn hạ thấp phẩm giá của cô ấy", tòa án bang Rajasth, tây bắc Ấn Độ, kết luận.
Theo truyền thông địa phương, người vợ đã đâm đơn ly hôn từ năm 2015.
Tình trạng thiếu nhà vệ sinh luôn là bài toán nan giải với chính phủ Ấn Độ. Năm ngoái, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF ước tính khoảng một nửa dân số Ấn Độ không sử dụng nhà vệ sinh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc phóng uế bừa bãi đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng. Hàng tấn chất thải của con người không được đưa xuống xử lý trong hệ thống thoát nước mà thường thấm vào các đường ống dẫn nước, gây bệnh tiêu chảy và nhiều bệnh tiêu hóa khác. Theo thống kê, khoảng 10% số bệnh nhân tại các bệnh viện Ấn Độ mắc các bệnh liên quan tới việc sử dụng nguồn nước mất vệ sinh.
Tác giả: An Hồng
Nguồn tin: Báo VnExpress