Trong tỉnh

Vĩnh Lộc (Thanh Hoá): Sạt lở nghiêm trọng bờ tả sông Mã “còn đâu bãi mía nương dâu”

Từ vài tháng nay, người dân xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) sống trong tâm trạng lo âu do sạt lở bờ sông Mã đang diễn ra nghiêm trọng đến mức báo động đỏ, đe dọa cuộc sống của nhiều hộ dân thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ. Trước thực trạng trên, người dân chỉ biết trông chờ vào giải pháp của các cấp chính quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đi kiểm tra, chỉ đạo phòng chống mưa lũ tại điểm sạt lở xã Vĩnh Hòa.

Sạt lở kéo dài gần 600m và ngày càng “tăng tốc”

Tình trạng sạt lở diễn ra dọc bờ tả sông Mã, cung sạt lở kéo dài tới khoảng 600m, đoạn qua địa bàn hai thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ, hàng chục ha đất bãi bồi màu mỡ, xanh ngắt ngô, lạc, đậu… đã và đang bị “gặm” dần từng mảng lớn, có nhiều đoạn, sạt lở kéo dài vài chục mét, ăn sâu vào bờ từ 30-50m. Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở diễn ra đã nhiều năm, nhưng không nhiều và diễn biến nhanh như thời gian gần đây, có khi chỉ trong vài ngày đã xuất hiện thêm nhiều đoạn sạt, cuốn xuống sông hàng trăm m2 hoa màu của bà con. Cùng với các đoạn đã bị sạt, còn có nhiều vết nứt toác đang chờ đổ ụp xuống sông bất cứ lúc nào.

Không chỉ làm mất đất sản xuất, đồng nghĩa với mất một phần nguồn sống của nhiều hộ dân, sạt lở còn đe dọa đến tài sản và sự an toàn của bà con, vì nhiều đoạn mép sông chỉ còn cách nhà dân khoảng 70m, cách chân đê gần 100m. Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục, khi gặp bão lũ, mưa lớn, hậu quả khôn lường có thể xảy ra.

Nguyên nhân do đâu?

Lãnh đạo xã Vĩnh Hòa cho biết: Sạt lở bãi bồi sông Mã diễn ra từ năm 2018, gia tăng nhanh từ đầu tháng 8 năm nay, nguyên nhân do mưa lớn kéo dài và do việc Nhà máy Thủy điện Trung Sơn xả lũ, khiến tình trạng sạt lở diễn ra nhanh hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến 32 hộ dân, 128 nhân khẩu có đất sản xuất tại đây. Trước tình hình này, xã đã phối hợp với Phòng Đăng ký đất đai huyện, tiến hành đo đạc lại diện tích đất canh tác của các hộ. Qua đó, xác định có hơn 20 hộ dân bị mất đất canh tác, tổng diện tích 12.000m2.

Một điểm sạt lở ăn sâu vào bờ tại thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa.


Cũng cùng quan điểm với UBND xã, báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc cho rằng, do mưa lớn kéo dài kèm Thủy điện Trung Sơn xả lũ, khiến mực nước sông Mã dâng cao, dẫn đến sạt lở lớn dọc bãi bồi sông mã tại hai thôn Nghĩa kỳ và Giang Đông. Trong đó, có 4 điểm sạt lở ở mức báo động, chiều dài mỗi điểm từ 30-50m, chiều rộng từ 25-30m, vách cao 5-7m, cá biêt có một số điểm lên tới 10m.

Về tình trạng này, báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc nêu rõ: Những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, mưa lớn bất thường đã gây biến đổi dòng chảy của sông Mã, mực nước lên xuống thất thường. Nhất là tác động của những đợt mưa lớn đầu mùa mưa năm 2023 kéo dài, lại thêm Nhà máy thủy điện Trung Sơn xả lũ đã gây ra tình trạng sạt lở bờ tả sông Mã, đoạn từ km17 +200 - km17 + 700, chiều dài khoảng 70m tại xã Vĩnh Hòa.

Vết sạt lở ăn vào bờ từ 30-50m, cách chân đê khoảng 100m, sạt đứng thành sâu 7-10m, cách chân đê 100m, nhiều điểm sạt lở gần khu dân cư ngoại đê. Tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng, nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tính mạng, tài sản của nhân dân, nhất là trong tình hình mưa lớn gây lũ lụt đang diễn biến phức tạp; đe dọa trực tiếp đến 32 hộ dân, gồm 128 nhân khẩu thuộc thôn Nghĩa Kỳ và Giang Đông. Nếu không được xử lý khẩn cấp, trong thời gian tới, khu vực này sẽ bị sạt lở hoàn toàn, dòng chảy sẽ áp sát chân đê, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sự an toàn của các hộ dân sinh sống khu vực ngoại đê.

Sạt lở là do khai thác cát

Trái ngược với quan điểm của chính quyền, hầu hết người dân hai thôn Nghĩa Kỳ và Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, những người đang trực tiếp bị “thủy thần” đe dọa lại có ý kiến khác. Theo họ, nguyên nhân chính gây nên sạt lở ngày càng trầm trọng là do hoạt động khai thác cát.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng sạt lở đã diễn ra từ mấy năm trước, nhưng không đáng sợ như hiện tại, nhất là từ giữa năm 2023 đến nay, sạt lở ngày càng tăng, diện tích đất sản xuất bị cuốn xuống sông lớn hơn nhiều năm trước cộng lại, khiến đất canh tác của bà con ngày càng thu hẹp, nhà ít thì hơn một trăm m2, nhà nhiều tới hàng nghìn m2.

Một người dân địa phương bên điểm sạt lở ngay bãi bồi canh tác của gia đình.


Về nguyên nhân, đa số bà con đều cho rằng, sạt lở xảy ra là do khai thác cát, bao gồm cả khai thác tại các mỏ được Nhà nước cấp phép và hút cát lậu.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, một số người dân ở thôn Giang Đông cho biết: Thời gian trước, hoạt động khai thác cát lậu diễn ra cả ngày lẫn đêm, bất chấp bà con xua đuổi, ném đá ngăn chặn. Ngoài ra, còn có sự “góp sức” của các doanh nghiệp có mỏ, vì họ không chỉ khai thác trong phạm vi mỏ, trong giờ giấc cho phép, mà còn hút cát ngoài mốc giới, khai thác sai khung giờ quy định. Có khi, lợi dụng khi vắng người, họ còn ngang nhiên cắm vòi, hút cát ngay mép sông, nơi phía trên là bãi ngô xanh tốt của bà con.

Là một trong những “người đau khổ” bị mất đất canh tác, bà Trương Thị Quế, thôn Giang Đông bức xúc: Nhà có 6 sào đất bãi bồi, mỗi năm thu về vài chục triệu đồng từ trồng cây màu, nhưng nay đã bị “thủy thần” nuốt mất hơn 2 sào, chỉ còn lại gần 4 sào. Mất đất đồng nghĩa với việc mất mỗi năm hàng chục triệu đồng thu từ trồng trọt. Cứ đà này thì chỉ khoảng đến cuối năm sau, bà con sẽ không còn một m2 đất canh tác bãi bồi nào.

Ông Lê Ngọc Lũy, cùng ngụ thôn Giang Đông cho biết, kể từ tháng 4-5 năm nay, sạt lở diễn ra nhiều nhất, nguyên nhân do nạn hút cát gây ra. Cùng quan điểm, bà Trương Thị Quế đề nghị UBND huyện rà soát, nghiêm cấm việc hút cát, tiến hành xây dựng bờ kè dọc sông để ngăn chặn nạn sạt lở, giúp dân được yên tâm lao động sản xuất.

Trước thực trạng trên, người dân hai thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ đã có đơn kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền đề nghị các cấp, ngành chức năng có biện pháp kịp thời ngăn chặn tình trạng sạt lở; xác định diện tích đất canh tác và hoa màu của con bị thiệt hại; xác định rõ nguyên nhân sạt lở, trách nhiệm thuộc về ai và có biện pháp đền bù cho bà con.

Giải pháp nào để an dân

Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên, ngày 15/8/2023, UBND huyện Vĩnh Lộc đã có tờ trình, gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc xin hỗ trợ 28,5 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ tả sông Mã tại xã Vĩnh Hòa. Đề xuất này đã được UBND tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, có ý kiến tham mưu để tỉnh căn cứ ra quyết định.

Cùng với đó, ngày 27/9 vừa qua, trong chuyến thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã đến kiểm tra khu vực sạt lở xã Vĩnh Hòa. Sau khi yêu cầu chính quyền xã, huyện phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Lộc, khẩn trương phối hợp với các ngành của tỉnh, nhanh chóng đề xuất phương án xử lý khoa học, phù hợp để triển khai càng nhanh càng tốt việc chống sạt lở, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng nhân dân.

Trao đổi nhanh qua điện thoại với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Truy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho biết: Tình hình sạt lở chưa có diễn biến mới nghiêm trọng. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài vừa qua đã khiến nước sông Mã dâng cao, cùng với dòng nước mưa từ trên bãi bồi cuồn cuộn đổ xuống, đã khiến một số vết nứt từ trước đổ ụp xuống sông, hình thành thêm một số vết nứt mới... Để giữ an toàn cho bà con, ngoài chăng dây, đóng cọc, cắm biển cảnh báo, trong thời gian mưa lớn, xã cử lực lượng ứng trực, theo sát diễn biến tình hình sạt lở, ngăn không cho người đi vào khu vực nguy hiểm hoặc ra sông đánh cá, vớt củi.

Cũng theo ông Truy, mặc dù mưa lớn chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng ít nhiều cũng gây gia tăng tình trạng sạt lở. Do đó, người dân hai thôn Giang Đông và Nghĩa kỳ đang trông đợi cấp trên nhanh chóng có giải pháp xử lý, chặn đứng tình trạng sạt lở để giúp dân được yên ổn làm ăn, sinh sống.

Tác giả: Đào Nguyên – Thảo Chi

Nguồn tin: Báo Xây Dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok