Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường có mặt tại xã Vĩnh Ninh, đi dọc theo hai bên bờ sông, đoạn chảy qua thôn Yên Lạc xóm Long Vân, xã Vĩnh Ninh. Tại những đoạn quanh co, chúng tôi ghi nhận xuất hiện nhiều điểm sạt lở đứng thành, toàn bộ đất canh tác của người dân và hoa màu bị dòng sông nuốt chửng.
Có những điểm sạt lở vào đất vườn của nhà dân, chỉ cách khoảng 50m là vào đến nhà ở, tại khu vực đất vườn nhiều điểm bị sụt lún. Nhiều cây cối được người dân xưa nay trồng giữ đất, giờ trôi hết xuống sông, gốc rễ trồi lên.
Tình trạng sạt lở đất vô cùng nghiêm trọng |
Thôn Yên Lạc có 380 hộ dân cư, gần 1.800 nhân khẩu, dân làng sinh sống chủ yếu là từ nông nghiệp. Có hai loại đất là đất lúa và đất bãi bồi ven sông. Trong đó có một xóm là xóm Long Vân có 72 hộ và 420 nhân khẩu là sống ở ngoại đê. Có một thôn Yên Lạc 2 là được công nhận là thôn nông thôn mới.
Mặc dù cuộc sống đang còn khó khăn nhưng người dân nơi đây sống rất bình yên và hạnh phúc. Nay bị sạt lở nhiều diện tích đất canh tác của người dân do khai thác cát và mưa lũ vừa qua khiến người dân nơi đây lo lắng vì không còn đất để canh tác và nguy cơ có thể mất cả nhà do sạt lở.
Nhiều hộ dân sống ở thôn Yên Lạc cho biết: Thôn Yên Lạc chúng tôi, đất chật người đông, ruộng đất bình quân nhân khẩu thấp 45% là đất bồi ven sông. Thời gian trước cát tặc ngày đêm dùng tàu có công xuất lớn để hút cát sỏi ven sông và trận lũ tháng 10 vừa qua đã làm cho bờ sông Mã bị sạt lở nghiêm trọng, dân mất đất sản xuất. Có vị trí bị sạt lở vào sâu vài chục mét, chỉ cách nhà dân ở chưa đầy 50m.
|
Thời gian qua, xã có ra thông báo cho người dân là nhà nước cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác cát sỏi ở dòng sông Mã, đoạn chảy qua thôn Yên Lạc. Nhưng hiện nay thôn Yên Lạc đang có sạt lở nghiêm trọng cũng là do khai thác cát gây ra nên người dân chúng tôi kiến nghị lên cơ quan chức năng có thẩm quyền, đề nghị không cấp phép khai thác cho bất kỳ đơn vị nào tại vị trí thôn Yên Lạc đang có sạt lở.
Khu vực thôn Yên Lạc được hình thành do phù xa bồi đắp từ ngàn xưa, đây được gọi là một cồn cát. Nếu hút cát tại vị trí này sẽ bị sụt lún rất nguy hiểm cho sự an toàn về nhà ở của hàng trăm hộ dân.
Bà Hà Thị Chung ở thôn Yên Lạc 2 chỉ tay vào điểm sạt lở cho biết: Nhà tôi có 2 xào đất, nay bị sạt lở hết không còn đất mà canh tác. Sạt lở vào đến đất vườn nhà tôi, chỉ còn cách nhà ở vài chục mét, có nguy cơ mất nhà luôn. Toàn bộ cây cối và hoa màu của nhà tôi bị dòng sông cuốn trôi. Sạt lở là do khai thác cát cộng với trận lũ vừa qua.
Nhà tôi lúc nào cũng lo sợ, cứ cái đà sạt lở như hiện nay thì nhà cửa bị dòng sông cuốn trôi bất kỳ lúc nào. Chỉ mong nhà nước kè sông và không cấp phép khai thác cho đơn vị nào vào đây khai thác cát sỏi thì chúng tôi mới có thể yên tâm sinh sống và sản xuất.
Bà Hà Thị Chung cho rằng việc sạt lở đất là do khai thác cát |
Ông Lưu Văn Lộc, Trưởng thôn Yên Lạc 2 cho biết: Khu vực thôn Yên Lạc 2 bị sạt lở rất nghiêm trọng, chủ yếu là do khai thác cát sỏi gây ra. Hiện nay bị sạt lở đứng thành, vào sâu đến đất canh tác của người dân gần chục mét. Việc hút cát ở lòng sông chảy qua thôn Yên Lạc dần dần đáy sông sẽ bị hạ thấp, mực nước sẽ bị hạ xuống.
Khiến 400 cái giếng khơi của người dân sẽ bị khô đáy, không còn nước mà ăn. Đặc biệt, người dân đang sinh sống tại đây là một cồn cát, nếu hút cát ở lòng sông thì sẽ gây ra sạt lở, sụt lún, có nguy cơ cả làng xóm bị trôi xuống sông.
Sạt lở ngày càng ăn sâu vào trong |
Được biết, cũng trên đoạn sông này, ngày 23/08/2016 UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 9374/UBND- CN đồng ý với đề nghị của Sở TN&MT và UBND huyện Yên Định, dừng hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ cát số 23 xã Vinh Ninh, huyện Vĩnh Lộc (khu mỏ HTX Xây dựng Thành Công được cấp phép khai thác) và mỏ cát số 40 xã Yên Thọ, huyện Yên Định (Khu mỏ Công ty Nhất Linh được cấp phép khai thác) do tình hình sạt lở đất nông nghiệp của xã Yên Thọ ( huyện Yên Định) và xã Vĩnh Ninh ( huyện Vĩnh Lộc).
Ông Lưu Văn Lộc – Trưởng thôn Yên Lạc 2 chỉ điểm sạt lở cho PV |
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Tiến Dũng – Bí thư Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Ninh cho biết: Việc sạt lở vào đất canh tác của người dân ở thôn Yên Lạc 2 là có thật. Chúng tôi cũng vừa đi kiểm tra về, sạt lở vào sâu từ 18m đến 20m, bị mất khoảng 3 ha đất dọc bờ sông Mã, chủ yếu vào thôn Yên Lạc 2.
Nguyên nhân sạt lở là do khai thác cát và mưa lũ. Người dân cũng như chính quyền địa phương chỉ mong UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí kè sông và không cấp phép bất kỳ mỏ cát nào trên địa bàn, có như vậy thì người dân nơi đây mới yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Rất mong UBND tỉnh, UBND huyện Vĩnh Lộc cùng các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần có biện pháp hữu hiệu như kè đá những đoạn xung yếu, cấm việc khai thác cát, sỏi…nhằm hạn chế sạt lở đất canh tác để người dân an tâm sản xuất.
Tác giả: Tùng Minh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường