Đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè, cho lãnh đạo huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Trung và các nghệ nhân đúc đồng. |
Dự buổi lễ có đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các sở, ban, ngành cấp tỉnh và một số huyện, thị xã trong tỉnh; Huyện ủy, HĐND, UBND và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Trung, cùng đông đảo nhân dân địa phương.
Một sản phẩm trống đồng được đúc thành công bằng phương pháp thủ công truyền thống làng Chè. |
Theo dân gian lưu truyền thì nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè có từ cuối thời Tiền Lê, đầu thời Lý, do 2 người họ Vũ mang đến cho làng. Cũng có truyền thuyết cho rằng, nghề đúc đồng làng Chè do Thái sư Không Lộ, tự Minh Không truyền về và người làng Chè đã tôn vinh ông là ông tổ nghề đúc đồng của làng. Nghề đúc đồng được nhiều người dân làng Chè gắn bó, phát triển, trao truyền và sớm nổi danh khắp các vùng. Trước năm 1945, hơn 80% số hộ trong làng làm nghề, cũng nhờ đó, nghề đúc đồng càng trở nên hưng thịnh và hình thành nhiều làng chuyên thu gom nguyên liệu phục vụ làng nghề, hoặc chuyên buôn bán, trao đổi các sản phẩm của làng nghề.
Nguyên liệu sau khi nấu chảy được cho vào khuôn đúc. |
Mỗi sản phẩm làng nghề là thành quả của một quy trình kỹ thuật phức tạp, với nhiều công đoạn và là sự kết tinh của lao động, trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa người thợ. Các sản phẩm được làm ra từ làng nghề rất đa dạng, phong phú, gồm đồ thờ cúng, tế lễ, đồ mỹ nghệ, tranh tứ linh, tứ quý... Đặc biệt, các nghệ nhân đúc đồng làng Chè đã nghiên cứu và đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống, với nhiều kích cỡ khác nhau. Không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, các sản phẩm thủ công truyền thống này còn có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa. Nghề đúc đồng làng Chè với lịch sử lâu dài, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất riêng có, cùng trí tuệ dân gian được đúc kết qua nhiều thế hệ và vô số những sản phẩm thủ công tinh xảo... chính là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tại Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL, ngày 4-9-2018.
Các sản phẩm thủ công tinh xảo của làng nghề. |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền, khẳng định: Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Việc nghề cổ truyền này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không chỉ là niềm tự hào của người dân làng Trà Đông, mà của cả tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, vinh dự này cũng đặt ra cho người dân và chính quyền địa phương trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghề. Theo đó, đồng chí đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan và chính quyền huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Trung cần quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các cơ sở đúc đồng, các nghệ nhân và nhân dân trong việc gìn giữ và phát triển nghề. Bên cạnh việc quy hoạch làng nghề tập trung, cần có các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nghề như đào tạo và truyền nghề cho thế hệ trẻ; nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm theo hướng vừa gìn giữ yếu tố truyền thống, vừa phù hợp thẩm mỹ thời đại; quan tâm đến việc liên kết, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn lao độngtại các cơ sở đúc đồng...
Tác giả: Lê Dung
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử