Trong nước

Việt Nam - Pháp có tầm nhìn chung

Tăng cường quan hệ hợp tác Việt - Pháp trở thành một yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, sáng 25-3, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi Pháp có tổng thống mới và diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (1973-2018), 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước (2013-2018). Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta đến khu vực Tây Âu trong nhiệm kỳ Đại hội XII trong bối cảnh quan hệ thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) bước vào thời kỳ then chốt trong năm 2018.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Cộng hòa Pháp từ ngày 25 đến 27-3 Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thiết lập quan hệ với chính quyền mới của Pháp, tạo động lực, xác lập khuôn khổ và định hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao, mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, năng lượng, phát triển bền vững… góp phần khẳng định, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam và vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp liên tục phát triển, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pháp tăng mạnh hơn hàng hóa của Pháp xuất khẩu sang Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn xuất siêu vào thị trường Pháp. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 4,6 tỉ USD, tăng 11,6% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu sang Pháp đạt hơn 3,35 tỉ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu đạt 1,27 tỉ USD, tăng 11,1% so với năm 2016.

Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á (sau Afghanistan) với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỉ USD (tính từ năm 1993). Năm 2017, Việt Nam đã giải ngân 104 triệu USD. Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).

Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, trước thềm chuyến thăm Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết đăng trên báo "Thế giới" (Le Monde) của Pháp với tựa đề "Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt - Pháp". Trong đó có đoạn: "Trong giai đoạn hiện nay, hai nước chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là cường quốc nòng cốt tại châu Âu, đang cải cách mạnh mẽ để vươn lên, tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á.

Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động với gần 100 triệu dân, có vai trò quan trọng trong ASEAN và Đông Á. Hai nước Việt Nam và Pháp cũng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng trong các vấn đề quốc tế. Do đó, tăng cường quan hệ hợp tác Việt - Pháp trở thành một yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước".

Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng và phức tạp hiện nay, hơn bao giờ hết, hai nước chúng ta cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Việt Nam và Pháp đều chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới đa cực và chủ nghĩa đa phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng, hợp tác trên tinh thần cùng có lợi, cùng nỗ lực phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững bao trùm".

Tác giả: LỤC SAN

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok