Kinh tế

Việt Nam nhập khẩu loại trái cây nào nhiều nhất trong năm 2023?

Trong năm 2023, Việt Nam chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu các loại rau quả. Vậy loại trái cây nào được nhập về và bày bán tại thị trường Việt nhiều nhất?

Những năm gần đây, trái cây nhập khẩu được bày bán la liệt từ chợ truyền thống đến các “chợ online”, phủ sóng khắp các siêu thị lớn, nhỏ ở nước ta. Đáng chú ý, bên cạnh các loại trái cây nằm ở phân khúc cao cấp, rất nhiều loại quả được nhập về bán với giá rẻ, thậm chí là siêu rẻ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 5, nước ta đã chi ra 725,6 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả về phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Riêng năm 2023, nhập khẩu rau quả của Việt Nam lên tới 1,96 tỷ USD.

Thông tin trên VietNamNet, Trung Quốc là thị trường cung cấp mặt hàng rau quả lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu đạt 794,7 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước đó. Năm 2023, hàng từ Trung Quốc chiếm 40,5% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của nước ta.

Mỹ xếp vị trí thứ hai, với kim ngạch nhập khẩu đạt 331,5 triệu USD, giảm 7%. Kế tiếp là thị trường Úc, kim ngạch nhập khẩu đạt 142,4 triệu USD, giảm 10% so với năm 2022.

Trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam năm 2023, hàng Mỹ và Úc lần lượt chiếm tỷ trọng 16,9 và 7,3%.

Tại thị trường Việt, táo được nhập khẩu về bán quanh năm, với vài chục loại khác nhau.Ảnh minh họa: báo Thanh Niên

Về chủng loại, theo báo Đầu tư, táo là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2023, đạt 237 triệu USD, giảm 11,5% so với năm 2022, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây.

Xếp vị trí thứ hai là nho, đạt 158,4 triệu USD, giảm 17,4% so với năm 2022, chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu quýt chiếm 7,8%, các chủng loại trái cây, rau quả còn lại chiếm 52%.

Cùng với việc xuất khẩu rau quả (trái cây tươi, sản phẩm chế biến) lên tới 5,6 tỷ USD trong năm ngoái, thị trường nội địa của nước ta với 100 triệu dân là điểm đến lý tưởng cho nhiều quốc gia sản xuất, cung ứng nông sản.

Nhiều chuyến đi của các Hiệp hội ngành hàng rau quả của Mỹ, Pháp, Australia ... đến Việt Nam ngày càng nhiều nhằm quảng bá các sản phẩm trái cây xuất khẩu.

Đầu tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp tiểu bang Washington (Mỹ), Derek Sandison cùng phái đoàn các doanh nghiệp đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, trong đó có một số đơn vị bán lẻ để tìm cơ hội thúc đẩy nông sản Mỹ.

Năm 2023, ước tính có khoảng 1.200 tấn táo từ bang Washington được nhập khẩu vào Việt Nam, với sự tăng trưởng hiện nay, dự kiến năm 2024 sẽ có 1.600 tấn táo Mỹ xuất sang Việt Nam với loại táo đỏ Red Delicious, táo xanh Granny Smith và táo Ambrosia.

Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của tiểu bang Washington. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ bang Washington sang Việt Nam đạt 157 triệu USD. Với kim ngạch này, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của tiểu bang Washington.

Nhập siêu mặt hàng rau quả từ Mỹ của nước ta trong năm 2023 là 74 triệu USD.

Cuối năm 2023, Hiệp hội Liên ngành Rau quả tươi Pháp (Interfel) đã tổ chức sự kiện quảng bá táo Pháp với vị thế là nhà sản xuất trái cây lớn thứ ba tại châu Âu, sau Ba Lan và Ý.

Pháp là một trong những nước có sản lượng táo đứng đầu tại EU với nhiều loại táo đa dạng và đạt tiêu chuẩn. Trong số hàng nghìn loại táo trên thế giới, gần 100 loại được trồng tại Pháp và 30 trong số đó được sản xuất hàng loạt.

Các nhà xuất khẩu táo của Pháp đã xuất khẩu sang Việt Nam các chủng loại táo phổ biến, gồm Royal Gala, Pixie, Candine, Granny Smith, Story và Juliet.

Một chuyên gia ngành hàng trái cây chia sẻ với VietNamNet, trong thương mại, nhập khẩu nhiều hay ít tuỳ theo nhu cầu của thị trường. Các loại trái cây Việt Nam nhập về hiện nay chủ yếu là những mặt hàng mà chúng ta không sản xuất được, hoặc không phải thế mạnh. Đơn cử, các loại táo, lựu Việt Nam chưa thể trồng được; hay như nho, lê có vùng trồng nhưng sản lượng còn khiêm tốn nên phải nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Ngoài ra, các loại trái cây đứng đầu bảng nhập khẩu phần lớn đều nằm trong phân khúc giá rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc với sản lượng lớn nên nhập về rất nhanh. Đây cũng là lý do hàng năm, táo, nho, quýt và lê luôn được nhập về Việt Nam với khối lượng lớn.

Tác giả: Minh Hoa

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

ok