Trong nước

'Việt Nam cần tránh bài học tiền không có nhưng muốn tăng lương'

Nguyên Thứ trưởng Lao động cho rằng, điều quan trọng nhất trong cải cách tiền lương là tinh gọn bộ máy, giảm biên chế.

Đề án cải cách chính sách tiền lương đang được trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) xem xét với nhiều đề xuất đổi mới lĩnh vực này.

VnExpress có cuộc phỏng vấn ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội, người có nhiều năm tham gia việc cải cách tiền lương của Chính phủ, về nội dung trên.

- Đề án nêu dự kiến ban hành hệ thống bảng lương mới (tính bằng số tiền tuyệt đối, thay cho quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Điều này được hiểu như thế nào, thưa ông?

- Đề án quy định cán bộ, công chức trong khu vực công sẽ hưởng lương theo vị trí việc làm, tức là quay lại thiết kế mức lương theo chức vụ hoặc chức danh. Nếu nhìn vào quá trình cải cách ta thấy trước năm 1993 hệ thống lương đơn giản hơn, bây giờ chúng ta đang có 7 bảng lương và muốn quay lại thời kỳ đó. Nghĩa là, Chính phủ sẽ phải thiết kế một bảng lương chức vụ, một bảng lương chuyên môn và ba bảng lương cho lực lượng vũ trang.

Hiện thấp nhất là người lao động hưởng lương cơ sở, cao dần lên cho đến cao nhất là lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội... Quan hệ này có các mốc, ví dụ lương cơ sở là 1, lương người tốt nghiệp đại học ra trường là 2,34 (hệ số nhân với mức lương cơ sở hiện nay là 1,3 triệu đồng), lương Bộ trưởng là 10, của Chủ tịch nước là 13.

Trên cơ sở các mốc này, sau khi Trung ương xem xét, cho định hướng thì Chính phủ thiết kế hệ thống bảng lương mới tính bằng số tiền tuyệt đối. Chẳng hạn, người tốt nghiệp đại học ra trường, ở vị trí việc làm cụ thể nào đó trong đơn vị sẽ có mức lương là 5 triệu đồng, thay cho cách tính hệ số 2,34 nhân với lương cơ sở.

Điều quan trọng ở đây là Chính phủ xác định hệ thống thước đo, quan hệ giữa các mức lương ở công việc, chức danh này so với công việc, chức danh khác sao cho phù hợp. Theo quy định hiện hành, hệ số lương chức vụ cao nhất ở nước ta là 13, nhân với lương cơ sở 1,3 triệu đồng thì tổng lương của Chủ tịch nước khoảng 15 triệu đồng. Hiện chỉ có Việt Nam và Trung Quốc tính lương lãnh đạo đảm bảo với quan hệ bên dưới, nhưng so với thế giới thì thấp. Khi đề án được thông qua, nếu mốc lương cao nhất tăng lên, cùng với lương cơ sở tăng thì tổng lương từ người hưởng mức thấp nhất cho đến lãnh đạo các cấp cũng tăng theo.

Năm 1993, khi chúng tôi làm cải cách tiền lương, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Trần Đình Hoan lúc bấy giờ chỉ ước ao đến năm 2000 lương Bộ trưởng được 1.000 USD mỗi tháng, tức khoảng 20 triệu đồng. Đến nay đã là 2018 nhưng lương Bộ trưởng cũng mới được khoảng 13 triệu đồng.

Tất nhiên, ở các nước thiết kế lương rất rõ, còn Việt Nam ngoài lương còn có các chế độ làm việc khác.

Nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Phạm Minh Huân. Ảnh: PV

- Ở trên ông nói đến lương của lãnh đạo, tuy nhiên trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương, Tổng bí thư có yêu cầu cải cách chính sách tiền lương lần này phải chú ý đến người yếu thế trong xã hội. Ông nghĩ sao?

- Trong nghiệp vụ làm lương bao giờ cũng phải chú ý đến lương tối thiểu để bảo vệ lao động yếu thế, những người có trình độ chuyên môn thấp, làm công việc giản đơn nhất và không có khả năng mặc cả với chủ. Đây là vấn đề chống nghèo đói, để người hưởng lương có thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu.

Khi nghiên cứu lương tối thiểu, chúng ta phải căn cứ 3 yếu tố là nhu cầu, thị trường và khả năng của nền kinh tế. Điều kiện của nước ta thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 2.000 USD thì phải khác với Hàn Quốc khoảng 40.000 USD.

Để thực hiện được yêu cầu nhân văn của Tổng bí thư, chúng ta phải giãn mốc trung bình lên, nếu hiện nay là 1 - 2,34 - 10 thì có thể thiết kế lên 1 - 3 chẳng hạn. Bên trên giữ nguyên hoặc tăng nhẹ để đảm bảo người có mức lương dưới trung bình được tăng nhiều hơn. Vì tổ chức lương của ta theo hình chóp, trên cao chỉ vài người, còn trung bình trở xuống nhiều nên khi thiết kế như vậy, người lao động yếu thế sẽ được điều chỉnh nhiều hơn.

Sự điều chỉnh này cũng nhằm tiến gần hơn với mức lương khu vực doanh nghiệp. Hiện mốc lương trong quan hệ thị trường là 1 - 2 - 80, với mức lương tối thiểu vùng gần 4 triệu đồng, lương kỹ sư trong khu vực doanh nghiệp thấp nhất là 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng, người cao nhất có thể đến khoảng 300 triệu đồng.

"Cải cách lương phải trên cơ sở tăng năng suất, tăng hiệu quả"

- Cách tính lương trong khu vực công phức tạp do bên cạnh lương chính còn có phụ cấp. Vấn đề này nên được giải quyết như thế nào?

- Trước năm 1993, một người làm vụ trưởng thì hưởng lương vụ trưởng, khi xuống chuyên viên thì vẫn hưởng lương Vụ trưởng. Vì vậy khi cải cách, chúng tôi đổi thành lương vụ trưởng gồm có lương chuyên môn và phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Khi ông giữ chức vụ được hưởng phụ cấp, không làm nữa thì thôi. Tuy nhiên, lương chuyên môn khác nhau nên có câu chuyện cùng một vị trí, cùng một nhiệm vụ nhưng mức lương lại khác nhau. Ông làm lâu năm thì hưởng lương chuyên viên cao cấp, ông mới làm thì hưởng lương chuyên viên chính. Bây giờ phải thiết kế lại lương theo chức vụ, mỗi chức vụ có một hoặc hai mức lương cho đơn giản.

Cũng trước 1993, bên cạnh lương, chúng ta có 50 loại phụ cấp. Khi cải cách chúng tôi giảm đi còn khoảng 20 loại phụ cấp. Thu nhập phần mềm chuyển vào lương cứng. Tuy nhiên từ đó đến nay qua hơn 20 năm, các khoản phụ cấp lại phát sinh rất nhiều. Điển hình như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực... Tất cả các loại phụ cấp này đều do ngân sách chi trả. Vì vậy, cần sắp xếp lại cho gọn, minh bạch tiền lương bằng cách tập trung thu nhập vào lương và chuyển qua tài khoản, hạn chế tiền mặt.

- Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam cải cách tiền lương, vậy bài học từ các lần trước đây là gì, thưa ông?

- Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương, vào các năm 1960, 1985, 1993 và năm 2003. Khi cải cách thì ai cũng mong chờ tăng lương, tuy nhiên tăng lương khu vực công thì sẽ tạo áp lực cho ngân sách nhà nước.

Ngân sách là thuế của dân và doanh nghiệp, "cái bánh" này còn phải chia cho đầu tư phát triển, trả nợ và dự phòng, chứ không chỉ để dành chi thường xuyên (trong đó có trả lương). Muốn chi thường xuyên tăng thì bánh phải to ra, nếu không sẽ ảnh hưởng đến đầu tư phát triển. Trước đây chúng tôi tính cứ tăng 10.000 tiền lương cơ sở thì quỹ lương tăng khoảng 50.000 tỷ đến 60.000 tỷ đồng. Đó là một con số khổng lồ gây áp lực rất lớn lên ngân khố quốc gia.

Vấn đề lương rất phức tạp. Năm 1985 để lại kinh nghiệm xương máu cho những người làm lương, đó là bài học về giá - lương - tiền. Tiền thì không có nhưng lại muốn tăng lương. Không có tiền thì đổi tiền, hạ giá đồng tiền xuống, can thiệp vào giá để giữ mặt bằng, rồi lo hàng. Như vậy là không có gì bảo đảm, nên dù có quyết tâm chính trị nhưng chỉ duy trì được khoảng 4 tháng. Sau đó tiền mất giá, giá cả bị đẩy lên, làm khủng hoảng kinh tế - xã hội thêm trầm trọng.

Như vậy, muốn cải cách lương phải trên cơ sở tăng năng suất, tăng hiệu quả ở khu vực doanh nghiệp, thị trường,; còn khu vực công phải tăng nguồn thu, trên cơ sở đó chia thêm cho phần chi thường xuyên. Thu tăng thì chi tăng, còn thu không tăng thì không làm gì được. Đây là bài toán cân đối ngân khố quốc gia.

Tóm lại, khu vực doanh nghiệp do thị trường quyết định, còn khu vực công là ngân sách quyết định.

"Không đánh giá được cán bộ thì tăng lương là vô nghĩa"

- Vậy theo ông, lời giải cho bài toán cải cách chính sách tiền lương lần này nằm ở đâu?

- Có hai cách, một là chú ý tăng nguồn thu, hai là giảm tiếp biên chế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tách riêng khu vực sự nghiệp như giáo dục, y tế, nhà nước chỉ bao cấp một phần, còn để các đơn vị tự chủ. Bác sĩ thì để cho người bệnh trả lương, giáo viên thì để người học trả lương. Nhà nước thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế...

Điều quan trọng nhất là phải tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Hiện bộ máy của chúng ta song trùng quá nhiều. Nhiều cơ quan cùng làm một nhiệm vụ, dẫm chân lên nhau, không hiệu quả mà lại tốn tiền ngân sách. Nếu tinh giản được 10% biên chế thì sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể để tăng lương.

Ngoài ra, cần giao quyền cho người đứng đầu cơ quan tiết kiệm nguồn kinh phí được cấp để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.

- Là một chuyên gia tiền lương lâu năm, điều ông muốn hiến kế cho Trung ương lần này là gì?

- Tôi quan tâm nhiều nhất đến bộ máy biên chế, phải phân loại được đội ngũ cán bộ, công chức. Nếu không đánh giá lại chất lượng cán bộ, công chức thì tăng lương, dù tăng thấp cũng là vô nghĩa.

Tôi đi sang Thái Lan, Malaysia, bộ máy của họ từ cấp huyện, xã phục vụ dân rất tốt, còn mình, tôi cảm nhận nhiều nơi hành dân là chính. Đề án nói giao cho người đứng đầu có thể thuê người tài vào làm việc nhưng e là khó thực hiện. Tôi nói thẳng, hiện khu vực công đang thiếu người giỏi, rất nhiều người kém tồn tại ở đây vì lương thấp và cơ chế sử dụng chưa thu hút được người tài.

Một vấn đề nữa là lương khu vực công phải đảm bảo cuộc sống cho người hưởng lương. Chỉ khi nào người làm khu vực công sống được bằng lương của mình thì xã hội mới trong sạch. Tất nhiên, làm công chức thì chỉ trung bình khá thôi, còn muốn làm giàu phải ra khu vực thị trường.

Kinh nghiệm của tôi từ những lần cải cách tiền lương trước đây là không nên nói to mà phải có quyết tâm chính trị lớn từ người đứng đầu, vì thực tế những người quyết định lương đang không sống bằng lương. Đấy là điều khó nhất.

Mục tiêu của Đề án đến năm 2020, đối với khu vực công, tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề...

Đối với khu vực doanh nghiệp, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế-xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp và mức sống của người lao động, để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Từ năm 2021, khu vực công áp dụng chế độ tiền lương mới, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp; định kỳ (2 đến 3 năm) thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng CPI, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của NSNN. Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp...

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok