Trước đó, Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử đã có nhiều bài viết phản ánh việc Công ty Toàn Minh đã ngang nhiên đưa nhiều loại máy móc vào khai thác đá trái phép tại núi Nhót xã Vĩnh An. Không những vi phạm Luật Khoáng sản; việc nổ mìn bừa bãi còn gây ảnh hưởng đến đê tả sông Mã.
Địa điểm núi Nhót thuộc lành lang đê tả sông Mã |
Ngày 24/8/2017, Hạt quản lý đê điều huyện Vĩnh Lộc đã có Báo cáo số 29/BC-ĐĐVL gửi UBND huyện Vĩnh Lộc và Chi Cục đê điều và PCLB Thanh Hóa. Báo cáo nêu rõ: “ Trong thời gian qua, trên địa bàn xã Vĩnh An xảy ra hiện tượng khai thác đá trái phép tại núi Nhót giáp ranh K23+00 cụ thể như sau: Trên đoạn đê K22+760- K23+00 là đoạn đê trong chân núi thuộc địa bàn xã Vĩnh An. Cuối tuyến đê tại K23+00 tiếp giáp núi Nhót đã xảy ra tình trạng tập kết máy móc khai thác đá trái phép… Qua kiểm tra hiện trạng công trình Hạt quản lý đê điều huyện Vĩnh Lộc nhận thấy khu vực trên rất gần K23+00 đê tả sông Mã ( đê cấp III). Nếu được cấp phép khai thác đơn vị khai thác sử dụng biện pháp nổ mìn khai thác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đoạn đê từ K22+760- K23+00, gây mất an toàn cho công trình đê điều.
Trên cơ sở đó, ngày 31/8/2017, Sở Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc, Hạt quản lý đê điều Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh An và Công ty Toàn Minh đã tiến hành kiểm tra thực tế dự án công trình khai thác mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng. Biên bản kiểm tra nêu: Khoảng cách đến các đối tượng nhạy cảm xung quanh: Khu vực khai thác mỏ cách đền Cô Tinh 500m và giáp đê tả sông Mã ( có chiều dài 240m, từ K22+760 đến K23+00). Hiện nay, núi đá khu vực thực hiện dự án đóng vai trò như một đoạn đê ngăn lũ sông Mã, cao độ mặt đê là 10,54 mét…”.
Công văn của Hạt Quản lý đê điều Vĩnh Lộc không đồng ý |
Ngày 6/9/2017, UBND huyện Vĩnh Lộc có Báo cáo số 272/BC-UBND gửi UBND tỉnh Thanh Hóa nêu: “Việc Công ty Toàn Minh đưa máy móc vào khai thác đá tại núi Nhót UBND huyện đã có quyết định số 1436/QĐ-UBND xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Mặt khác theo đề nghị của Hạt quản lý đê Vĩnh Lộc, khu vực Công ty Toàn Minh xin thực hiện dự án có vai trò như một đoạn đê ngăn lũ sông Mã, khoảng cách từ mỏ đến chân đê không đáp ứng yêu cầu theo quy định…Đề nghi với Sở TN&MT Báo cáo UBND tỉnh ngừng các thủ tục, hồ sơ cấp phép khai thác mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Nhót cho Công ty Toàn Minh”.
Ngày 21/9/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 11420/UBND-CN giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở NN&PTNT, UBND huyện Vĩnh Lộc khẩn trương kiểm tra đánh giá tổng thể các tác động nếu tổ chức khai thác tại núi Nhót đến đê sông Mã qua khu vực. Căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tế báo cáo UBND tỉnh.
Công văn không đồng ý của Sở Xây dựng |
Ngày 10/10/2017, Sở Xây dựng có Công văn số 5571/SXD-VLXD gửi Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ: Đối với mỏ đá Công ty Toàn Minh đang lập hồ sơ cấp phép; Do tuyến đê sông Mã đi thẳng vào trung tâm mỏ; Vì vậy đề nghị dừng lại việc lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản đối với đơn vị tại khu vực này. Ngày 09/10, Sở NN&PTNT có văn bản số 3052/SNN&PTNT-ĐĐ khẳng định Khu vực khai thác của Công ty Toàn Minh là đỉnh núi Nhót nằm kẹp giữa 2 đoạn đê tả sông Mã tại vị trí K23… Trường hợp nếu việc khai thác bằng nổ mìn visai gây nguy hiểm đến đoạn đê tiếp giáp thì không thống nhất cấp phép khai thác tại vị trí trên. Sở Công thương có Văn bản số 2379/SCT-KT&ATCN cho rằng: Trong thiết kế cơ sở dự án đã được thẩm định sử dụng khai thác bằng thuốc nổ với khối lượng 146 kgcho một lần nổ là không đảm bảo an toàn cho đê 2 bên và bản thân phần núi làm thân đê đến cos+20m.
Nhưng không hiểu tại sao đến ngày 17/10/2017, Sở Xây dựng lại có Công văn số 5764/SXD-VLXD trái ngược so với Công văn số 5571/SXD-VLXD. Công văn nêu rõ: Yêu cầu Công ty điều chỉnh thiết kế cơ sở, trong đó phải tính toán giảm khối lượng sử dụng vật liệu nổ cho một đợt nổ từ trên đỉnh núi đến cos +20m là dưới hoặc bằng 8,0 kg.
Nhưng sau đó 7 ngày, Sở Xây dựng lại có Công văn khác??? |
Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên & Môi trường có Công văn số 5773/STNMT-TNKS báo cáo UBND tỉnh, Công văn nêu: Cho phép đơn vị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để cấp phép khai thác. Yêu cầu đơn vị lập thiết kế cơ sở và thiết kế khai thác, trong đó phương pháp khai thác chủ yếu bằng công nghệ cao ( máy cắt dây), kết hợp bột nở. Trong trường hợp cần thiết phải dùng vật liệu nổ phải có phương án giám sát.
Có thể khẳng định rằng địa điểm Công ty Toàn Minh xin cấp phép khai thác là nằm trong hành lang bảo vệ đê sông Mã như khẳng định của Hạt quản lý đê điều, UBND huyện Vĩnh Lộc và tại Biên bản Kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 31/8/2017. Nhưng không hiểu tại sao các ngành mỗi lần đi kiểm tra lại có một Văn bản trả lời khác nhau, lúc không đồng ý, lúc lại đồng ý “ Tiền hậu bất nhất”.
Nếu xét về vi phạm hành lang đê điều thì theo Văn bản số 29/BC-ĐĐVL của Hạt Quản lý đê điều và Tại Khoản 2, điểm a, Điều 23 Luật Đê điều thì đã quá rõ ràng. Còn nếu như theo Văn bản trả lời của Sở NN&PTNT thì nếu nổ mìn bằng vi sai không ảnh hưởng sẽ đồng ý, của Sở TN&MT đề nghị khai thác chủ yếu bằng công nghệ cao ( máy cắt dây), kết hợp bột nở…thì có thể khẳng định rằng không có một doanh nghiệp nào xin mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường lại khai thác bằng công nghệ cao ( máy cắt dây), kết hợp bột nở và nổ mìn bằng vi sai. Vì làm như thế rất tốn kém, không đủ chi phí cho sản xuất, chứ chưa nói đến sản lượng xin cấp mỏ quá ít, chất lượng đá chỉ phục vụ vật liệu xây dựng thông thường.
Điều có thể khẳng định rằng: Vào thời điểm hiện tai trên địa bàn Thanh Hóa chỉ có 2 doanh nghiệp là Cty xi măng Bỉm Sơn và Nghi Sơn là nổ mìn bằng phương pháp vi sai. Còn phương pháp khai thác cắt dây mới chỉ một vài doanh nghiệp khai thác đá xẻ đưa vào làm. Vả lại, nếu Công ty Toàn Minh chỉ khai thác cos +20 mét thì làm sao có đường để lên đỉnh? Và khối lượng ít như thế làm sao đủ chi phí?.
Rất mong Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cần xem xét lại việc cấp phép mỏ đá tại núi Nhót xã Vĩnh An cho Công ty Toàn Minh vì vi phạm đến hành lang đê điều và cần xem lại công tác tham mưu của các sở, ban ngành cho UBND tỉnh. Đừng vì lợi ích trước mắt mà coi thường tài sản và tính mạng của hàng chục nghìn hộ dân sống thấp thỏm mỗi khi mùa mưa bão đến, trong khi diễn biến mưa lũ tại sông Mã đang càng ngày càng diễn biến thất thường.
Tại Khoản 2, điểm a, Điều 23 Luật Đê điều quy định: 2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau: a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển; |
Tác giả: Tuyết Trang
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường