Theo số liệu từ cục Thống kê TP.HCM: Từ đầu năm đến ngày 15/9/2019, TP.HCM đã cấp phép cho gần 31.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 495.257 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép tăng 2,8%, vốn tăng 33%.
Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có số lượng là giấy phép là 22.424 đơn vị, chiếm 71,2%, tăng 2,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 360.479 tỷ đồng, tăng 36,7%.
Một con số khác cũng đáng chú ý là tính từ đầu năm đến ngày 31/8/2019, trên địa bàn thành phố có 3.264 doanh nghiệp giải thể, tăng 35,25%. Tốc độ doanh nghiệp giải thể có xu hướng giảm so với 6 tháng đầu năm. Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 31/5/2019, thành phố có 1.960 doanh nghiệp giải thể, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước.
Song số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động lại tăng chóng mặt sau 9 tháng (6 tháng đầu năm chỉ là 3.374, tăng 0,9%) với 6.834 đơn vị ngưng hoạt động, tăng 44,8%; số doanh nghiệp ngưng hoạt động có thời hạn là 6.109 đơn vị.
Các doanh nghiệp giải thể và ngưng hoạt động chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, bán buôn bán lẻ, tư vấn bất động sản, sửa chữa....
Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, người lao động cũng lao đao theo. |
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Thanh Nghiệp, Giám đốc một công ty lữ hành nội địa tại quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết: “Chúng tôi mới thành lập được chưa lâu nên việc hoạt động kinh doanh, nhất là cạnh tranh với các đơn vị khác hết sức khó khăn.
Chính vì thế, chúng tôi có ý định vay vốn ngân hàng để mở rộng kinh doanh, đặc biệt là phục vụ thị trường khách nội địa, thế nhưng khi đến ngân hàng thì không thể vay được vốn”.
Ông Nghiệp cho biết thêm: “Lý do là doanh nghiệp quá nhỏ, lại không có tài sản thế chấp (do văn phòng cũng là đi thuê, mướn).
Vì vậy, chúng tôi không thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Cánh cửa tiếp cận nguồn vốn ngân hàng coi như đã đóng, buộc chúng tôi phải ngưng hoạt động”.
Đồng tình cảnh, một doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai tại quận Bình Tân, TP.HCM cũng cho biết: “Chúng tôi kẹt vốn, tìm đến ngân hàng nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn.
Mặc dù nghe nói đến nhiều chương trình vay vốn cho doanh nnghiệp nhỏ nhưng đến hỏi ngân hàng thì nhân viên cũng lắc đầu không có hỗ trợ, khi công ty chúng tôi không có tài sản thế chấp.
Từ đó, buộc chúng tôi phải tìm đến vay ở chợ đen, với lãi suất rất cao và hiện không có khả năng xoay sở để giải quyết vấn đề nên buộc phải đóng cửa”.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Văn Hồng cho biết: "Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, đa phần hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chiến lược cụ thể.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo... Muốn tồn tại họ phải chuẩn bị thật tốt các yếu tố này".
Tác giả: Dương Thanh Tùng
Nguồn tin: Báo Người đưa tin