Xe

Vì sao người dân Nghệ An, Hà Tĩnh ‘đua nhau’ mua xế hộp?

Nằm trong 10 tỉnh có nhiều hộ nghèo nhưng người dân Nghệ An và Hà Tĩnh lại là hai trong số 10 địa phương mua nhiều xe con nhất trong năm 2021. Nhiều hơn một số nơi nằm trong top 10 địa phương giàu như Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng...

Cảnh ùn tắc giao thông trên đường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An vào giờ cao điểm - Ảnh: PHAN HỒNG

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2021 số lượng ôtô cá nhân từ 9 chỗ trở xuống do người dân mua và đăng kiểm lần đầu tại Nghệ An là 14.628 xe, xếp vị trí thứ 4 và Hà Tĩnh là 8.262 xe, xếp thứ 8.

Người dân các tỉnh này còn mua ôtô nhiều hơn cả một số tỉnh, thành nằm trong top 10 địa phương giàu nhất như Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng.

Xe phổ thông chiếm ưu thế

Những năm gần đây, vào giờ cao điểm tại các ngã ba, ngã tư hoặc ngày thời tiết mưa gió ở TP Vinh (Nghệ An), người dân dễ bắt gặp cảnh tình trạng ùn tắc giao thông do lượng ôtô quá lớn.

Đây là hình ảnh hiếm thấy trước thời điểm năm 2017 trở về trước. Tỉ lệ người dân sở hữu ôtô ngày càng nhiều trong khi hạ tầng giao thông đáp ứng không kịp được cho là nguyên nhân xảy ra tình trạng trên.

Để giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông, UBND tỉnh Nghệ An đã không cho xây dựng thêm các khu chung cư ở khu vực trung tâm TP Vinh; đồng thời UBND TP Vinh có nhiều giải pháp như mở rộng các ngã ba, ngã tư, xây dựng các điểm dừng đỗ ở vỉa hè.

Tỉ lệ người dân sở hữu ôtô ngày càng cao là gánh nặng lên hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông ở TP Vinh vào những giờ cao điểm - Ảnh: DOÃN HÒA

Theo Phòng cảnh sát giao thông tỉnh Nghệ An, trung bình mỗi tháng tại tỉnh này có hơn 1.000 chiếc ôtô dưới 10 chỗ đăng ký mới. Đặc biệt, từ ngày 1-12-2021 (thời điểm được giảm 50% phí trước bạ xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước) đến ngày 26-1-2022, số xe ôtô đăng ký mới là 5.294 chiếc.

Không riêng gì TP Vinh, "phong trào" mua ôtô lan ra nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An do những năm qua nhiều người đi làm ăn ở các địa phương khác, đi xuất khẩu lao động... có tiền gửi về xây nhà lầu, mua ôtô. Những người sở hữu ôtô cho rằng xe con là phương tiện phục vụ đi lại, giao dịch nên dù trả thẳng hay trả góp, người dân vẫn cố gắng mua xe.

Người dân Nghệ An xếp hàng chờ tới lượt bấm biển số ôtô tại Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Ông Nguyễn Khánh Hoan - ngụ xã Hưng Lộc, TP Vinh - cho rằng: "Ôtô là phương tiện đi lại, mua xe là nhu cầu chính đáng của mọi người. Tỉnh nghèo không có nghĩa là toàn dân đều nghèo. Mua ôtô, người dân đã đóng góp nhiều khoản thuế, phí, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước...".

Một chủ đại lý hãng xe trên đại lộ Lê Nin, TP Vinh cho hay lượng ôtô bán ra tại đại lý này đều tăng trong những năm qua, đặc biệt là thời điểm Nhà nước giảm 50% lệ phí trước bạ. Trong đó người dân chủ yếu chọn mua xe phổ thông, giá từ 400 - 700 triệu đồng.

"Nhiều người chọn hình thức trả góp qua ngân hàng, chỉ cần trả trước 30% giá trị xe là có xe lăn bánh", chủ đại lý này cho biết.

Xuất ngoại, bán đất mua ôtô?

Một góc đường phố TP Hà Tĩnh có nhiều xế hộp hơn trong những năm gần đây - Ảnh: LÊ MINH

Tại Hà Tĩnh, năm 2021, GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 67,03 triệu đồng/người/năm. Thu nhập ổn định khiến đời sống, nhu cầu người dân cũng tăng theo. Hà Tĩnh được xem là "chảo lửa, túi mưa", thời tiết khắc nghiệt bão lũ thường xuyên nên ngoài việc xây nhà cửa kiên cố thì mua sắm ôtô cá nhân là nhu cầu đối với người dân.

Anh Lê Văn Sỹ - ngụ huyện Cẩm Xuyên - cho biết, do đặc thù công việc đi lại nhiều, nhu cầu mua sắm xe ôtô cá nhân đối với anh rất cần thiết. Năm 2021, vợ chồng anh gom góp được hơn 400 triệu đồng, sau đó vay mượn thêm 200 triệu đồng nữa mua chiếc ôtô.

"Nhiều năm trước đây, đối với tôi để mua ôtô hơn nửa tỉ đồng là cả ước mơ. Nhưng hiện nay đời sống đã tăng, việc mua ôtô cũng không khó khăn như trước. Mình góp được một số tiền, vay mượn thêm sắm chiếc xe đi lại đỡ mưa nắng", anh Sỹ nói.

Theo anh Sỹ, nhu cầu mua xe ôtô cá nhân hiện nay trở nên phổ biến hơn. Người có sẵn tiền thì không nói làm gì, những người không có tiền nay sẵn thị trường giá đất đang rất cao, họ chỉ cần bán ra một lô đất là tha hồ mua sắm xe cộ.

Người dân Nghệ An đi học bằng lái ôtô ngày càng nhiều - Ảnh: DOÃN HÒA

Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh được xem là "thủ phủ" của "nghề đi xuất khẩu lao động", thị trường lao động chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản nên mang lại thu nhập cao cho người dân. Hằng năm nguồn tiền tiết kiệm của người dân gửi về rất lớn.

Ông Hoàng Văn Hà - chủ tịch UBND xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân - cho hay toàn xã có hơn 3.000 công dân lao động ở nước ngoài, trong đó phần lớn đang lao động tại Hàn Quốc. Với địa phương, xuất khẩu lao động là mũi nhọn của kinh tế. Trung bình mỗi người lao động tại Hàn Quốc gửi về quê nhà khoảng 1.000 - 1.200 USD/tháng.

"Toàn xã Cương Gián có khoảng 3.500 hộ dân thì có khoảng 100 chiếc ôtô, người dân đi xuất khẩu lao động về xây nhà cửa, dùng vốn tích cóp được buôn bán, kinh doanh. Người nào có nhu cầu thì mua ôtô làm phương tiện đi lại và phục vụ cho công việc hằng ngày", ông Hà nói.

Theo Cục Thống kê Hà Tĩnh, những năm gần đây số lượng ôtô đăng ký mới tăng đáng kể. Cụ thể năm 2020 có 5.200 ôtô các loại đăng ký mới, năm 2021 tăng đột biến với 9.110 ôtô và chỉ 2 tháng đầu năm 2022 có đến 2.105 ôtô được đăng ký mới.

"Về nguyên nhân, hai năm gần đây một số hãng xe đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho người dân Hà Tĩnh nên lượng người mua tăng cao. Hơn nữa, nhiều dòng xe bán trên thị trường dao động khoảng 300 triệu đồng, hợp túi tiền nên việc người dân mua ôtô trở nên phổ biến hơn", đại diện Cục Thống kê Hà Tĩnh nhận định.

Đồ họa tổng quan thị trường ôtô Việt Nam - Nguồn thông tin: Cục Đăng kiểm Việt Nam, Đồ họa: DƯƠNG HỒNG TRƯỜNG

Tác giả: DOÃN HÒA - LÊ MINH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok