Thế nhưng đã gần 15 năm dự án khu ven biển cũng chỉ nằm… trên giấy. Người dân không có đất sản xuất, không được đền bù, nhà cửa thì sập sệ, môi trường ô nhiễm từ bãi đất bỏ hoang, rừng phòng hộ ven biển bị chặt phá không thương tiếc, còn doanh nghiệp thì cứ giữ đất!
Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử: Ngày 29/4/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1420/QĐ-UB về việc thu hồi 266.000 m2 (26,6 ha) đất ven biển của 95 hộ gia đình tại 2 xã Quảng Hùng và Quảng Đại cho Công ty CP Văn Phú Invest (Công ty Văn Phú) thực hiện Dự án Khu biệt thự Hùng Sơn- Nam Sầm Sơn. Trong đó, đất tại xã Quảng Hùng là 236.810 m2, xã Quảng Đại là 29.190 m2 chủ yếu là đất lâm nghiệp trồng cây phi lao chắn sóng đất màu và đất thổ cư ven biển
Hàng chục héc-ta rừng phòng hộ ven biển trước kia nay đã bị chặt phá thành những bãi đất trống |
Đến ngày 29/7/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 2636/QĐ-UBND giao cho Công ty Văn Phú 130.000 m2 tại xã Quảng Hùng để thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu biệt thự Hùng Sơn- Nam Sầm Sơn. Tiếp đó, ngày 12/11/2013, UBND tỉnh lại tiếp tục có Quyết định số 3973/QĐ-UBND giao tiếp cho Công ty Văn Phú 80.768,5 m2 để thực hiện xây dựng đường giao thông vào dự án khu biệt Hùng Sơn. Như vậy, qua 2 Quyết định giao đất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản bàn giao mặt bằng cho Công ty Văn Phú để thực hiện dự án
Bà L.T.Đúc chỉ tay về khu đất rộng hàng chục hecta, khu đất mà Công ty Văn Phú invest san bằng hàng nghìn cây và giờ là nơi chăn thả bò |
Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường có mặt tại địa điểm xây dựng Khu biệt thự Hùng Sơn vào những ngày đầu năm 2019, cả hàng chục héc-ta đất lâm nghiệp, đất màu vẫn bỏ hoang, đường vào khu biệt thư vẫn là con đường đất ngập nghềnh ổ voi, ổ gà. Khu nhà ở của dân do không được đầu tư sửa chữa đã xuống cấp trầm trọng sập bất cứ lúc nào, mồ mả vẫn chưa được giải tỏa.
Bà Lê Thị Đúc, người dân thôn 2 (thôn 3 cũ), xã Quảng Hùng, bức xúc cho biết: Khoảng hơn chục năm trước, phía Công ty CP Văn Phú invest cam kết với tôi và các hộ gia đình có trồng cây nằm trong diện tích đất giải phóng là sẽ đền bù 6.500đ/cây, từ cây mới trồng đến những cây trồng được 3-5 năm đều bị chặt hết. Tuy nhiên, từ lúc đó đến giờ gia đình tôi và một số gia đình khác vẫn chưa nhận được một đồng tiền cây nào, cây thì chặt xong rồi bỏ đó nhưng tiền thì không thấy đâu, chúng tôi đã báo cáo lên phía UBND xã Quảng Hùng nhưng chưa được giải quyết.
Vào mùa mưa lũ, khi không còn những rặng phi lao che chắn, cuộc sống của người dân thôn 2 như “ngọn nến trước gió” |
Chỉ tay về phía khu đất trống rộng hàng chục hecta, ông Lê Thanh Phương, thôn 2, chia sẻ: Tôi sinh sống ở đây từ những năm 1989, trước kia toàn bộ khu đất này cây được trồng khắp nơi, phủ kín cả khu vực ven biển. Từ khi Công ty Văn Phú vào thuê đất rồi ủi bằng hết và yêu cầu bà con chặt cây thì nơi đây không còn một cây to nào, khiến cuộc sống của chúng tôi vô cùng bị ảnh hưởng, mùa hè thì nắng nóng, gió thổi cát bay bụi mù, mùa mưa bão thì nước dâng tận mép nhà, tàu thuyền phải kéo vào tận làng để tránh bão.
Trong cuộc họp Báo định kỳ ngày 9/1/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, nhiều Phóng viên đã đặt câu hỏi vì sao dự án chậm tiến độ gần 15 năm, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Đầu tư nhưng vẫn không bị thu hồi?. Trong khi tại Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa thì năm 2018, UBND tỉnh đã thu hồi 26 quyết định giao đất, cho thuê đất cho các dự án vi phạm Luật Đất đai?
Tàu bè của ngư dân cứ nơm nớp mỗi khi mùa mưa bão về |
Rõ ràng một dự án đã gần 15 năm được giao đất nhưng vẫn không thực hiện dự án, Trong khi hàng chục héc-ta rừng phòng hộ ven biển đã bị chặt phá, trở thành bãi đất trống hoang sơ, cứ mỗi trận bão về người dân nơi đây lại nơm nớp lo sợ nước biển dâng cao, đe dọa đến tài tài sản và tính mạng, còn doanh nghiệp mặc nhiên cứ ôm đất(!?).
Tác giả: Tuyết Trang - Đức Duy
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường