Pháp luật

Vì sao đại gia Trầm Bê 'ngã ngựa'?

Từ đại gia lừng lẫy trên thương trường, làm gì "trúng" đó, nhưng bất ngờ Trầm Bê bị bắt và bị truy tố với khung hình phạt lên tới 20 năm tù khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Ngày mai (8/1), TAND TP.HCM sẽ tiến hành phiên xét xử đối với Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) cùng 44 đồng phạm cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đặc biệt, phiên tòa này sẽ được bố trí phòng xử án theo Thông tư 01 của TAND Tối cao (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), tương tự phiên xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh. Theo đó, phòng xử án được bố trí hai bục, vị trí của HĐXX ở trên bục cao nhất, bục thứ hai sau HĐXX là vị trí kiểm sát viên ngang hàng với luật sư, thư ký ngồi giữa dưới bục của HĐXX. Vành móng ngựa được thay bằng bục khai báo.

Phạm Công Danh và Trầm Bê

Phiên xét xử do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa cùng thẩm phán Huỳnh Thị Việt Tiên và 3 hội thẩm, 2 thư ký và 2 thẩm phán dự khuyết.

Đại diện VKS tham gia phiên tòa là ông Trần Quỳnh Lan và bà Nguyễn Việt Liên. Phiên xét xử dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 7/2.

Hiện có tới 70 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó có luật sư Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM) - người sẽ bào chữa song song cho Phạm Công Danh và ông Đinh La Thăng. Vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng cũng được xét xử vào ngày 8/1.

Trong giai đoạn 2 này, bị can được chú ý nhất là Trầm Bê - "ông trùm" trong ngành tài chính ngân hàng. Mặc dù, lĩnh vực đầu tiên khi Trầm Bê bước chân vào thương trường là chế biến lâm sản rồi bất động sản, y tế…nhưng lĩnh vực đưa Trầm Bê nổi lên là tài chính ngân hàng và cũng chính lĩnh vực này đã khiến ông “ngã ngựa”.

Theo cáo trạng, mặc dù biết rõ Phạm Công Danh không được phép vay tiền từ ngân hàng VNCB, nhưng tháng 4/2013 khi Danh đến gặp và đề nghị Trầm Bê cho vay tiền. Do có mối quan hệ quen biết, ông Bê đã dẫn ông Danh tới gặp Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) và chỉ đạo ông Khang cho Danh vay 1.800 tỉ đồng; tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Sau đó, Sacombank chi nhánh Q.8, chi nhánh Trần Hưng Đạo tiếp nhận hồ sơ của 6 công ty sân sau của ông Danh và giải quyết cho vay số tiền trên.

Đến khi 6 công ty của Danh không trả được tiền, Sacombank đã cấn trừ các khoản tiền gửi của VNCB tại ngân hàng này. Mặc dù, Sacombank không bị thiệt hại trong việc cho vay nhưng Trầm Bê và Phan Huy Khang đã giúp sức cho Phạm Công Danh rút tiền của VNCB gây thiệt hại cho VNCB.

Về phần Phạm Công Danh, ngoài việc nhờ Trầm Bê cho vay 1.800 tỉ đồng, đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân. Nhóm công ty này đã lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên vay vốn tại Sacombank, TPBank, BIDV bằng việc dùng tiền gửi tại các ngân hàng này làm tài sản đảm bảo, gây thiệt hại cho VNCB hơn 4.000 tỉ đồng.

Để lập các công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, ông Danh nhờ nhân viên hành chính, nhân viên bảo vệ, nhân viên rửa xe, bảo dưỡng xe của Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà đứng tên làm Giám đốc công ty.

Tác giả: Đoàn Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok