Chiều 31/12, cuộc họp báo quý IV năm 2019, được tổ chức tại UBND tỉnh Thanh Hóa. Trước những câu hỏi của báo chí về việc chi 141 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học năm 2019, tỉnh Thanh Hóa chỉ có 1 công trình khoa học quốc tế được công bố, ông Nguyễn Ngọc Tuý, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo giải thích.
Theo ông Túy, việc chi 141 tỷ đồng không phải chỉ chi cho việc nghiên cứu khoa học, mà được chia ra thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Ông Nguyễn Ngọc Tuý, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa |
Cụ thể, trong số 141 tỷ đồng thì có 48 tỷ để thực hiện các đề tài, dự án KH-CN cấp tỉnh và đối ứng để thực hiện các đề tài, dự án cấp Quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; 55 tỷ thực hiện chính sách khuyến khích phát triển KH-CN theo nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hoá; phần còn lại là kinh phí đầu tư phát triển KHCN dùng để thực hiện các dự án đầu tư nâng cao tiềm lực, cơ sở vật chất, công cụ nghiên cứu tại các tổ chức KHCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (phần kinh phí này thực hiện theo Luật đầu tư công).
Cũng theo lý giải của Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thanh Hóa, thực tế trong số tiền 48 tỷ đồng dùng để thực hiện các đề tài, dự án KHCN, chỉ có hơn 10 tỷ đồng để triển khai các đề tài KH-CN cấp tỉnh theo đặt hàng của UBND tỉnh có các sản phẩm KHCN là các công trình được công bố.
Ngoài ra, các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh với loại hình là dự án sản xuất thử nghiệm, đổi mới công nghệ cơ bản là không yêu cầu phải có các công trình khoa học công bố, mà khuyến khích chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KH-CN xây dựng các mô hình sản xuất các sản phẩm có lợi thế của Thanh Hoá theo quy mô lớn, chuỗi giá trị.
Về các công trình khoa học 2019, ngoài 20 công trình là sản phẩm khoa học trực tiếp của các đề tài KHCN cấp tỉnh được thực hiện trong năm 2019 do một số ít các cán bộ khoa học của tỉnh làm chủ nhiệm, thì còn có hơn 599 công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế là kết quả nghiên cứu của tập thể hơn 3.000 cán bộ khoa học tham gia nghiên cứu của tỉnh Thanh Hoá.
Đội ngũ này là các giảng viên, nhà khoa học, cán bộ tham gia nghiên cứu ở các trường Đại học, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức KHCN trên địa bàn tỉnh…
“Đội ngũ này gián tiếp sử dụng các công cụ nghiên cứu được đầu tư từ kinh phí đầu tư phát triển KHCN còn khiêm tốn để cho ra đời một số lượng các công trình nghiên cứu với số lượng và chất lượng đã được các tạp chí khoa học trong và ngoài nước thẩm định trước khi được công bố”, lãnh đạo Sở KHCN Thanh Hóa nêu.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2019, tỉnh này đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KHCN gần 141 tỷ đồng. Trong đó, chi sự nghiệp khoa học hơn 115 tỷ đồng (cao gấp 2,3 lần Trung ương phân bổ), chi đầu tư phát triển KH-CN hơn 23 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ, bổ sung 1,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 0,47% trong tổng chi ngân sách tỉnh Thanh Hóa năm 2019.
Đáng chú ý, theo báo cáo này, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (có 18 phó giáo sư, 149 tiến sĩ, 1.067 thạc sĩ...), quy đổi sẽ là 1.229 cán bộ nghiên cứu toàn thời gian tương đương (tăng 8% so với năm 2015 là 1.131 cán bộ), đạt tỷ lệ 3,5 người/1 vạn dân.
Năm 2019, số lượng công trình khoa học công bố trong nước là 19 công trình gồm: Sách, 15 bài viết đăng tạp chí, 3 bài viết tham dự hội thảo; 1 bài giảng và có 1 công trình khoa học (bài viết hội thảo) công bố quốc tế.
Báo cáo này cũng đánh giá, phân tích một số tồn tại khó khăn như thời gian thực hiện một số nhiệm vụ KH-CN còn dài, làm chậm ứng dụng kết quả vào sản xuất và đời sống.
Những nhiệm vụ KH-CN có tính lan tỏa, đột phá chưa nhiều, tiềm lực KH-CN, hạ tầng cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu... Việc đổi mới công nghệ, thiết bị trong các doanh nghiệp còn chậm; sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít, chưa có những sản phẩm chủ lực mang tầm quốc gia, tạo sự đột phá.
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn