Trong tỉnh

Về xứ Thanh, gặp nghệ nhân “hồi sinh” nghề đúc đồng

Bằng tình yêu và sự đam mê, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu đã làm sống lại và rạng danh nghề đúc đồng...

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu giới thiệu cho phóng viên Báo Giao thông và khách tham quan về trống đồng

Bằng tình yêu và sự đam mê, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu đã làm sống lại và rạng danh nghề đúc đồng gia truyền, góp phần kiến tạo quê hương Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh, giàu.

Nổi danh bậc nhất về trống đồng

“Cuộc đời tôi trải qua nhiều thăng trầm, nhưng có lẽ dấu mốc quan trọng nhất là cách đây 18 năm”, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu (sinh năm 1962) đã bắt đầu câu chuyện đời, chuyện nghề của mình như vậy.

Nghệ nhân Bá Châu kể rằng, nghề đúc đồng là nghề “cha truyền con nối” trong gia đình ông tới cả chục đời, nên “lửa nghề” ngấm vào máu từ khi còn nhỏ. Thế nhưng, tới những năm 80 của thế kỷ trước, nghề đúc đồng đã gần như không còn chỗ đứng. Nhiều gia đình phải chuyển đổi công việc khác. Bản thân ông Châu đã từng chuyển nghề làm thợ mộc, thợ may để mưu sinh nuôi gia đình.

Nhớ lại giai đoạn những năm cuối thế kỷ XX, ông Châu kể: “Gia đình tôi từng ra ngoài đồng, dựng lều làm ruộng sau một thời gian mở xưởng đồ đồng, nhưng dân làng nợ tiền dẫn đến âm vốn. Cứ tưởng gió ruộng làm “lửa nghề” tắt lụi, nhưng sau ba năm, tôi thấy trong các nghề từng làm, vẫn chỉ đam mê mỗi nghề đúc đồng gia truyền”.

Năm 1998, với số vốn ít ỏi, ông Bá Châu khởi nghiệp với các món đồ đồng giả cổ và tích lũy vốn với mong muốn “khôi phục lại nghề đúc đồng”. Trong khoảng thời gian ấy, ông nảy sinh ý tưởng đúc lại trống đồng đã thất truyền. Cuộc hành trình với trống đồng của ông Nguyễn Bá Châu cũng bắt đầu từ đấy.

Trăn trở và không ngừng tìm tòi, học hỏi, ông Châu ngày đêm đi sưu tập các họa tiết, hoa văn trống đồng ở các bảo tàng, ở cả những người buôn bán đồ cổ. Thất bại vào khoảng năm 1999 chỉ tiếp thêm ý chí cho người thợ tài hoa xứ Thanh đi học hỏi thêm ở các địa phương nổi tiếng đúc đồng khác.

Tới năm 2000, sau quá trình miệt mài nghiên cứu và sáng tạo, ông Bá Châu đã khôi phục thành công chiếc trống đồng đầu tiên sau hàng nghìn năm lịch sử bị thất truyền. Chiếc trống đồng với chiều cao 12cm, đường kính 15cm đã được tặng cho UBND tỉnh Thanh Hóa.

Tài năng và danh tiếng của nghệ nhân Bá Châu ngày càng được khẳng định qua các sản phẩm và sự cải tiến, sáng tạo không ngừng. Năm 2005, ông Châu bắt đầu nghiên cứu làm thế nào để trống đồng phát ra âm thanh như tiếng trống trận dân gian. Ông nghiên cứu độ dày, mỏng của mặt trống đồng để tạo ra các khoảng đàn hồi. Từ đó, trống đồng không chỉ có hình hài giống trống đồng cổ truyền mà còn có âm thanh trầm, vang vọng.

Sau khi làm nên tiếng vang khôi phục trống đồng thủ công truyền thống, ông Châu tiếp tục gặt hái được nhiều trong nghề với thành quả đáng nể phục và trân trọng: 3 lần được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập với tác phẩm Đôi tượng đồng phiên bản “Cây đèn hình người quỳ” lớn nhất Việt Nam, Trống đồng đánh ngang hai mặt đúc bằng phương pháp thủ công đầu tiên ở Việt Nam và tác phẩm Trống đồng lớn nhất Việt Nam với chiều cao 1,65m, chiều rộng 2,4m, nặng 2 tấn.

Nghệ nhân Bá Châu chia sẻ, các yếu tố để làm nghề giỏi, đó là sự chú tâm, cẩn thận từng chi tiết, sự đam mê và khéo léo, vì nghệ nhân cần phải biết cả điêu khắc và chế tác khuôn mẫu. Ông Châu cho chúng tôi biết, làm tác phẩm kích thước càng lớn, càng phải đòi hỏi kinh nghiệm dày dạn. Người thợ cần phải tự trải nghiệm qua các sản phẩm nhỏ, tự đúc kết ra được các đặc điểm, đặc tính của mỗi sản phẩm thì mới mong thành công.

Mới đây, được sự tin tưởng của Ủy ban Quốc gia APEC, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu được giao trọng trách đúc 1.000 pho tượng Mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng.

Thiệu Trung “khởi sắc”

Chuyện nghệ nhân Bá Châu phục dựng làng nghề ai ở trong huyện Thiệu Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung đều biết. Trong chặng đường trở thành bậc thày về nghề đúc đồng, trong lòng ông Châu luôn canh cánh một mong ước: “Phải làm gì đó để cho quê hương, bà con làng xóm vượt qua đói nghèo”. Sau khi bám trụ được với nghề, ông luôn tâm niệm phải phục hưng và truyền nghề để phát triển quê hương.

Nghĩ là làm, khi sản phẩm đồng chưa có thị trường, ông Châu tự bỏ tiền túi đúc những sản phẩm độc đáo đem tặng các nơi để quảng bá. Khi sản phẩm bắt đầu có thị trường, ông đề xuất với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa mở lớp dạy cho 300 học viên trong làng, xã trong vòng 6 tháng. Không chỉ có người dân Thiệu Trung theo học, nhiều người dân ở các địa phương khác cũng tìm đến. Nhờ tâm huyết của thày Châu, nhiều học trò đã thực sự trưởng thành, trong đó có Nghệ nhân ưu tú Thiều Quang Tùng (sinh năm 1965, xã Đông Tín, huyện Đông Sơn).

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Tùng cho biết, ông đã theo học thày Bá Châu từ năm 2000 đến năm 2006. Khâm phục những tâm huyết và tìm tòi từ người thày cũng chỉ ngang tuổi, ông Tùng quyết tâm học nghề và cũng đã khẳng định được tên tuổi tại huyện Đông Sơn.

Hơn chục năm kể từ khi tiếng trống đồng vang lên trên quê hương Thiệu Trung (năm 2005), cũng là bằng ấy thời gian làng nghề đúc đồng truyền thống Thiệu Trung được phục hưng. Ông Trần Công Lạc, Chủ tịch xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, người chứng kiến nhiều đổi thay trên quê hương nói: “Từ một bãi ruộng hoang hóa, nay các nhà xưởng, doanh nghiệp đúc đồng đã mọc lên và trở thành bộ mặt tiêu biểu của làng. Nhờ ông Châu mà làng nghề truyền thống đúc đồng được hồi sinh và nhân dân có công ăn việc làm, cuộc sống trở nên khấm khá”.

Từ khi được công nhận làng nghề, Thiệu Trung được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến và đặt đơn hàng. Chính vì vậy, nghề đúc đồng đã vươn lên trở thành một nghề chính ở địa phương giúp hàng trăm người có công ăn việc làm và làm giàu chính đáng. Tới nay, số hộ nghèo trong xã đã giảm từ 17% (theo tiêu chí cũ) xuống dưới 5% (theo tiêu chí mới), đi đầu trong các địa phương của huyện cũng như của tỉnh Thanh Hóa về xóa đói, giảm nghèo.

Từ sự thành công của chiếc trống đồng đã mở ra cho ông Nguyễn Bá Châu và nghề đúc đồng ở địa phương một trang mới sáng sủa và tươi đẹp hơn. Các con trai, con gái, dâu và rể của nghệ nhân Bá Châu cũng đều theo nghề của gia đình, trong đó, có anh Nguyễn Bá Quý (sinh năm 1987), tuy còn rất trẻ nhưng đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân.

“Bùng... bum”, xa mà gần, gần mà xa, chúng tôi thoáng nghe thấy tiếng trống đồng trầm bổng vang vang của ngày hội làng đầu xuân Mậu Tuất. Chiếc trống đồng - một nét văn hóa chung của nền văn hóa Đông Sơn giờ đã trở thành một nét văn hóa riêng trong sự khởi sắc về kinh tế, chính trị, xã hội của làng nghề Thiệu Trung.

Tác giả: Thùy Dương

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok