Nếu khởi hành từ chợ Bến Thành, có thể đón xe buýt số 12 ( tuyến Bến Thành – Giang Điền) đến ngã 3 Trị An. Du khách tiếp tục bắt xe buýt tuyến số 19 về thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu.
Tới đây đi bộ thêm khoảng 800m là tới bến đò Đồng Trường. Bến đò xuồng máy xưa giờ là một bến tàu khang trang, hiện đại được tăng cường thêm đội tàu cao tốc vỏ composite.
Lên Đảo Ó, du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, tạo dáng bên vườn lan, đạp xe qua cây cầu phao nối liền hai ốc đảo và chụp ảnh, ngắm nhìn những chú chim công đi lại trên cỏ kiếm ăn…
Đó cũng chính là điều quan trọng mà những nhà bảo tồn, những người làm du lịch luôn muốn hướng đến: “Con người hãy hòa vào thiên nhiên và cảm nhận nó chứ không phải bắt thiên nhiên phải thay đổi theo ý của con người!”.
Đảo Ó- Đồng Trường bây giờ đã khác, chỉ sau 9 tháng, khu dịch vụ cơ bản hoàn thành với những ngôi nhà rường gỗ làm nới đón khách và ăn uống, những dãy phòng nghỉ tiện nghi hướng nhìn ra hồ Trị An thơ mộng, cây cầu phao nối liền hai hai đảo làm cho việc di chuyển trở nên tiện lợi hơn đã được thành hình…
Đến đây, du khách có cơ hội nếm thử món cá Hoàng Đế nướng muối ớt, cá lăng nấu ngót… nét ẩm thực đặc sắc của ốc đảo giữa hồ Trị An…
Cá Hoàng Đế có trọng lượng trung bình khoảng 0,5 - 1 kg, con lớn nhất ngư dân bắt được nặng hơn 2 kg, đầu gù đầu lên như cá la hán.
Một thời, loài cá này được xem là “hung thần” vì mức độ sinh sản và tập quán ăn tạp. Ngày nay, loại cá này trở thành đặc sản khi đến đảo vì thịt chắc, dai ngọt và không có xương dăm.
Không chỉ có ngư dân, mà dân câu cá giải trí từ khắp nơi cũng đổ xô về hồ Trị An để câu cá hoàng đế vì loại này dễ câu, nhất là dùng mồi sống như tép, cá chép nhỏ. Ngoài ra, các loại lưới kéo, lưới bén, lờ tép hay lờ cá rô cũng bắt được cá hoàng đế.
Tuy chính quyền Đồng Nai đang đầu tư biến hòn đảo xanh giữa lòng hồ Trị An thành thiên đường du lịch, Đảo Ó đang thay đổi từng ngày với nhiều dịch vụ phục vụ du khách hơn nhưng các nhà chuyên môn cho là vẫn chưa đạt yêu cầu.
Trong 1 hội thảo góp ý phát triển du lịch tại Đảo Ó, ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch TPHCM, góp ý cho lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu: “Có dịch vụ đạp xe băng rừng mà không thấy chỗ dừng chân bán nước giải khát hay đồ lưu niệm. Vì sao không đưa văn hóa người Choro, câu chuyện về lá Trung Quân, rượu cần 72 loại lá… giới thiệu”.
Ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và cho biết: “Tôi đang ấp ủ một ý tưởng cho tương lai, xây dựng hình ảnh những đàn thú như hươu, nai tự do đi lại kiếm ăn trên các ốc đảo, bên những cánh rừng… để du khách thực sự trở về với thiên nhiên khi đến với nơi này”.
Tác giả: Phạm Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí