Giáo dục

Vào đại học: Đừng ‘chạy’ tương lai hộ con

Nhiều phụ huynh ép con chọn ngành, bất kể ngành học có phù hợp sở thích, năng lực hay không.

Những ngày này, thí sinh cả nước ráo riết đăng ký xét tuyển ĐH đợt 1. Chọn ngành học nào là vấn đề rất quan trọng vì nó quyết định đến tương lai của mỗi thí sinh. Thực tế đã có không ít trường hợp chọn sai ngành và phải trả giá đắt cho việc làm đó.

Tôi có đứa cháu năm ngoái tốt nghiệp THPT với số điểm 17. Sau khi rà soát các ngành học ở nhiều trường, cháu quyết định đăng ký vào học ngành quản trị kinh doanh của một trường ĐH ở TP.HCM vì trường này lấy điểm phù hợp với số điểm của cháu. Học được một học kỳ, cháu bỏ học ngang vì nhận ra mình không yêu thích, không phù hợp. Thế là lỡ mất một năm vì chọn sai ngành học. Tôi an ủi cháu rằng nếu tiếp tục học đến hai, ba năm, thậm chí ra trường đi làm mới thấy mình không phù hợp với ngành đã học thì lúc đó càng ân hận hơn. Năm nay cháu tôi quyết định đăng ký học ngành mỹ thuật công nghiệp, phù hợp với năng lực và sở thích. Cái giá mà cháu phải trả là mất một năm để đánh đổi lấy sự chững chạc này.

14 chot gryc
Các thí sinh đang làm thủ tục xét tuyển đợt 1 tại trường ĐH Sài Gòn năm 2016. Ảnh: HTD

Những trường hợp chọn sai do bản thân không chịu tìm hiểu về ngành học như cháu tôi không phải ít. Nhưng cũng có nhiều trường hợp chọn sai ngành là do cha mẹ. Có những bậc phụ huynh yêu cầu con phải đăng ký ngành này, ngành kia vì thấy “có tương lai” mà không chịu xem xét con mình có đủ năng lực theo học không, có thích không.

Thông tin báo chí cho thấy tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM mỗi năm có vài trăm sinh viên bị loại do sức học yếu, thiếu chuyên cần trong học tập - chủ yếu do chọn sai ngành dẫn đến không có hứng thú học tập. Các trường ĐH khác hằng năm cũng phải loại ra hàng trăm sinh viên như thế. Những sinh viên lỡ chọn sai ngành học sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc làm, vì khó lọt được vào đôi mắt tinh tường của nhà tuyển dụng. Cũng qua báo chí, tôi được biết hiện cả nước có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Thất nghiệp trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Còn nếu nhìn ở góc độ kinh tế thì đây là một lãng phí vô cùng lớn cho đất nước.

Để chọn đúng ngành học, trách nhiệm trước hết thuộc về thí sinh và gia đình. Điều quan trọng là không nên áp đặt con em chọn theo ý mình. Đừng cứ chăm chăm chọn ngành trúng điểm sàn, cốt cho lọt được vào ĐH. Xin các phụ huynh đừng “chạy” ĐH, lo tương lai giùm cho con mình.

Tác giả bài viết: LÊ ĐÔNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok