Hàng Tết giảm mạnh
Tết đang cận kề nhưng không khí mua sắm tại các chợ truyền thống khá vắng vẻ. Tại Chợ Cồn (quận Hải Châu) ngôi chợ lớn nhất nhì TP. Đà Nẵng không chỉ đáp ứng nhu cầu bán lẻ mà còn bán sỉ cho các xã, phường vùng ven và các tỉnh lân cận cũng trong tình trạng chung.
Chị Vòng Thị Trang, tiểu thương bán hải sản khô tại chợ Cồn vừa soạn lại hàng vừa thở dài: “Tết nhất đến nơi mà có khách đâu, thỉnh thoảng có vài ba khách quen ghé mua thôi”.
Theo chị Trang, kinh tế khó khăn nên người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu, đã vậy, các mặt hàng thứ gì cũng tăng khiến sức mua yếu. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều người chuyển qua mua hàng online cho tiện lợi chứ không có thói quen đi chợ truyền thống như trước nữa. Vì vậy, chị không dám lấy hàng dự trữ Tết, chỉ bán đến đâu lấy tiền đến đó.
Sức mua yếu nên các tiểu thương chợ Cồn không dám dự trữ hàng Tết, chỉ bán đến đâu lấy đến đấy. |
“Trước đây, cứ gần Tết khách mua ăn, mua biếu nhiều lắm nhưng nay thì không còn cảnh đấy nữa”, chị Trang nói thêm.
Các mặt hàng bánh kẹo, mứt, các loại hạt khô… cũng trong tình cảnh tương tự. Cô Kiều Thu, tiểu thương hàng bánh, kẹo (chợ Cồn) cho hay, Tết năm cô không dám dự trữ hàng vì sức mua rất yếu. Cô chỉ bán đến đâu lấy hàng đến đó, không có hàng thì thôi.
“Những năm trước, mỗi dịp Tết cô đều dự trữ hàng gấp 3-4 lần ngày thường. Tuy nhiên nay cô không dám lấy hàng dự trữ, chỉ bán như ngày thường thôi”, cô Thu nói và cho biết, giá các mặt hàng tăng 5-10% so với ngày thường.
Theo cô Thu, những năm gần đây, nhiều kênh thương mại điện tử phát triển khiến chợ truyền thống ngày càng mất thị phần. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn cũng là nguyên nhân khiến các chợ vắng khách.
Theo các tiểu thương, hiện các mặt hàng đã bắt đầu tăng giá. |
Ông Phan Thành Thoại, Trưởng Ban Quản lý chợ Cồn cho hay, chợ có khoảng 1.900 hộ kinh doanh, trong đó mặt hàng bánh kẹo, hải sản khô khoảng hơn 200 hộ. Đặc thù của chợ Cồn là vừa bán buôn vừa bán lẻ, vì vậy nguồn hàng của các hộ kinh doanh ở đây luôn chủ động để điều phối, tùy thuộc vào sức mua.
“Sức mua tại chợ năm nay có khả quan hơn một chút chứ chưa có sự sôi động, chưa có sự nhộn nhịp. Những năm gần đây, người dân cũng chỉ mua đủ dùng trong những ngày Tết chứ không trữ nhiều như trước kia. Các hộ kinh doanh cũng nắm bắt được nhu cầu, thực tế để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết”, ông Thoại nhận định.
Theo ông Thoại, Ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra lấy giá hàng ngày và công tác niêm yết giá cũng được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ cũng tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm để người dân yên tâm sắm Tết.
Chợ du lịch cũng không dám trữ hàng
Chợ Hàn được biết đến là chợ du lịch, đây cũng là một trong những ngôi chợ sầm uất nhất nhì Đà Nẵng. Chợ có 800 hộ kinh doanh, trong đó 300 hộ kinh doanh hải sản khô, bánh, kẹo. Tuy nhiên, các tiểu thương ở đây cũng không dám trữ hàng Tết.
Chị Hồ Ngọc Hà, tiểu thương bán hải sản khô tại chợ Hàn cho biết, hiện khách du lịch đến chợ Hàn chủ yếu là khách Hàn Quốc nhưng khách tham quan là chính, ít mua sắm. Trước đây, vào thời điểm này, người dân địa phương cũng thường ghé chợ để mua hàng làm quà biếu tặng, ăn Tết. Tuy nhiên, năm nay khách địa phương cũng ít. Bên cạnh đó, nay người dân ăn uống đơn giản, không mua nhiều để tiết kiệm giữa thời buổi kinh tế khó khăn.
Là chợ du lịch, có khách thường xuyên nhưng sức mua tại chợ Hàn cũng yếu. |
Chị Nguyễn Thị Tìm, tiểu thương bánh, kẹo chợ Hàn cho hay, tầm 20 tháng Chạp người dân sẽ đi sắp Tết nhiều hơn nhưng năm nay chị cũng không trữ hàng Tết.
“Bây giờ ai còn dám trữ hàng Tết nữa. Buôn bán khó khăn, giá cả hàng Tết lại càng cao, ai dám ôm hàng đâu”, chị Tìm nói.
Phạm Thị Kim Loan, Trưởng ngành hàng đặc sản khô (chợ Hàn) cho hay, đặc thù của chợ là phục vụ du khách, còn người dân mua sắm tại chợ rất ít. Tuy nhiên, khách du lịch nay họ cũng chỉ mua sắm cho vui, không mua nhiều.
“Dân địa phương không có nhu cầu mua sắm ở đây, họ chủ yếu đi mua ở siêu thị. Ví dụ như trước đây khách địa phương có 10 thì nay còn 1 thôi. Giờ chủ yếu là khách du lịch nhưng kinh tế khó khăn, họ cũng sắm ít lại”, chị Loan nói.
Chợ Hàn sẽ mở cửa xuyên Tết để phục vụ du khách đến mua sắm. |
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban quản lý chợ Hàn cho hay, để phục vụ du khách dịp Tết Nguyên đán, chợ sẽ mở cửa xuyên Tết, không đóng cửa. Tuy nhiên, năm nay do kinh tế khó khăn nên sức yếu mua.
“Những năm gần đây, chợ truyền thống đa số rơi vào tình trạng ế khách. Chợ Hàn có khách du lịch quanh năm thì đỡ hơn nhưng sức mua cũng yếu, không được như các năm trước. Khách hàng chủ yếu đến xem, vui xuân, hàng nào cần mua mới mua”, ông Thành nói.
Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025, các doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ các loại hàng hóa đa dạng phong phú, đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, nếp các loại; thịt các loại; đồ khô, đóng hộp (bò khô, mực khô, cá khô...); bánh kẹo mứt hạt dưa; rau, củ quả… dự kiến khoảng 2.812 tỷ đồng.
Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng bình ổn các mặt hàng gia súc, gia cầm bình ổn trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Theo đó, thời gian thực hiện 3 ngày giáp Tết Nguyên đán (dự kiến từ ngày 25- 27/1/2025 nhằm ngày 26 - 28 tháng Chạp, năm Giáp Thìn); Dự kiến có 14 điểm bán, tập trung tại các chợ gần các khu dân cư trên địa bàn thành phố gồm: UBND phường Thọ Quang, 33 Nguyễn Duy Hiệu (quận Sơn Trà), chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chợ Đống Đa, chợ Nguyễn Tri Phương, 407 Trưng Nữ Vương, Số 36 Lương Nhữ Hộc (quận Hải Châu), chợ Cẩm Lệ, chợ Hòa An (quận Cẩm Lệ), chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang), chợ Phú Lộc, 262 Cù Chính Lan và 178 Trần Cao Vân (quận Thanh Khê), Chợ Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). Mặt hàng bình ổn gồm thịt heo (thịt vai, thịt mông, ba chỉ, sườn…), thịt bò, trứng gà… Doanh nghiệp cam kết bán thấp hơn thị trường và giữ mức ổn định (giá bán được niêm yết hàng ngày, công khai). |
Tác giả: Khánh Hồng
Nguồn tin: vietnamfinance.vn