Mì chính, nước ngọt đều làm giả
Đánh đúng tâm lý người thu nhập thấp, các đối tượng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để sản xuất, mua, bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bán thu lợi nhuận cao. Các loại hàng giả chủ yếu là hàng thiết yếu.
Ngày 19/12, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp Trần Minh Hải (36 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM), chủ cơ sở sản xuất nước giải khát tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, để điều tra về hành vi sản xuất hàng giả.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai bắt khẩn cấp Trần Minh Hải. |
Theo cơ quan công an, vào chiều 17/12, Công an tỉnh phối hợp với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam Bộ (bộ Công an) bắt quả tang cơ sở sản xuất nước ngọt giả tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa do Hải làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 8.500 chai nước ngọt ghi nhãn hàng hóa “Nước tăng lực Number One"; trên 38.000 chai nguyên liệu đã được đóng nắp chai chưa dán nhãn mác; hơn 1.000 vỏ thùng giấy thành phẩm ghi “nước tăng lực Number One" cùng tang vật có liên quan để thực hiện hành vi sản xuất hàng giả.
Qua điều tra, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông kiểm tra 4 điểm kinh doanh được xác định là nơi tiêu thụ các sản phẩm nước Number One giả do Trần Minh Hải cùng đồng bọn sản xuất, thu giữ hơn 17.000 chai nước nghi sản xuất giả.
Ngoài ra, công an Đồng Nai cũng đang phối hợp Công an TP.HCM kiểm tra nơi sản xuất, cung cấp chai nước tăng lực tại chi nhánh công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Sài Gòn Phương Nam (quận 12, TP.HCM) do bà Nguyễn Ngọc Thanh Vân (SN 1955) làm Giám đốc và thu giữ nhiều chai nguyên liệu chứa chất lỏng màu vàng, không nhãn mác, nhiều tem nhãn hàng hóa.
Bước đầu, công an xác định Trần Minh Hải cùng đồng bọn đã có hành vi mua sản phẩm nước uống tăng lực đã đóng chai, sau đó về dán nhãn hàng hóa, đóng thùng giả nhãn hàng hóa. Tình trạng làm giả các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm diễn ra khá phổ biến.
Trưa 16/12, tổ công tác đội Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế và chức vụ, Công an huyện Gia Lâm làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm sát tại địa bàn xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm đã phát hiện Nguyễn Thị Thảo (SN 1994; trú tại thôn 5, xã Đình Xuyên) đang vận chuyển 25kg mỳ chính nhãn hiệu Ajinomoto Việt Nam có dấu hiệu làm giả.
Người phụ nữ này sau đó đã được tổ công tác đưa về trụ sở Công an huyện Gia Lâm và mời đại diện lãnh đạo công ty cổ phần Ajinomoto Việt Nam đến làm việc. Tại Công an huyện Gia Lâm, đại diện công ty cổ phần Ajinomoto Việt Nam đã tiến hành kiểm tra và xác định toàn bộ số hàng trên không phải là sản phẩm chính hãng do công ty sản xuất.
Qua đấu tranh, Thảo khai nhận tự sản xuất, đóng gói số sản phẩm trên. Khám xét nơi ở của người phụ nữ này, Công an huyện Gia Lâm đã phát hiện và thu giữ 203 gói mỳ chính Ajinomoto thành phẩm loại 100g/gói, 51 gói mỳ chính Ajinomoto thành phẩm 400g/gói, 107 kg bột ngọt nguyên liệu để sản xuất mỳ chính cùng nhiều vỏ, túi nilon chứa mỳ chính mang nhãn hiệu Ajinomoto. Hiện công an huyện Gia Lâm đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Ma trận rượu, mứt không rõ nguồn gốc
Ngày 19/12, phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Đà Nẵng phối hợp với trạm Cảnh sát Giao thông cửa ô Hòa Hiệp kiểm tra phát hiện xe container BKS 12C-028.20 chở hàng nghìn chai rượu ngoại nhập lậu tại cửa phía Nam hầm Hải Vân. Container nói trên do tài xế Võ Đức Thắng (41 tuổi), ngụ tỉnh Khánh Hòa điều khiển, trên xe chở hơn 4.500 chai rượu ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được dán tem của hải quan chủ yếu là nhãn hiệu Macallan, Chivas...
Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế khai nhận, được chủ xe điều đến chở hàng ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị vào TP.HCM tiêu thụ dịp Tết nhưng không rõ chủ hàng. Giá chở thuê 100.000 đồng/kiện hàng. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng tiếp tục điều tra làm rõ.
Cùng ngày, phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ngãi vừa phối hợp Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phát hiện và thu giữ 160 bao đường kính trắng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ theo quy định.
Được biết, số đường trên được vận chuyển trên ô tô BKS 74B - 00627 do tài xế Phan Công Tú, SN 1978, ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều khiển.Chủ của 160 bao đường kính là ông Lê Reo (SN 1976, ở TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), ông Reo mua lại của nhiều người buôn ở cửa khẩu và đưa vào miền Nam bán lại.
Trước đó, ngày 23/11, lúc 15h30 ngày 22/11, tổ tuần tra của trạm Cảnh sát giao thông Hàm Tân làm nhiệm vụ trên đoạn Quốc lộ 1A qua xã Tân Đức (Bình Thuận) phát hiện xe container biển số tỉnh Bình Dương từ Bắc vào Nam có dấu hiệu bất thường đã cho dừng để kiểm tra thì phát hiện 104 thùng rượu ngoại các loại không rõ nguồn gốc được trộn lẫn với trái cây. Lập tức, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ xe container nói trên.
Được biết, số rượu kiểm đếm được trong lô hàng này có 744 chai, nhiều nhãn hiệu khác nhau như Jager Meiter, Beluga Export, Chivas Regal và Chivas 25, tổng trị giá khoảng trên 1 tỷ đồng.
Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế xe ô tô là Nguyễn Văn Hà (43 tuổi, trú thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) khai nhận, xe container này chuyên chở trái cây từ cửa khẩu Lào Cai về bỏ hàng tại chợ đầu mối trái cây Thủ Đức, TP.HCM. Về số rượu ngoại nói trên, Hà không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, nên tổ tuần tra yêu cầu đưa xe về trạm, chuyển tất cả số rượu ngoại ra ngoài, sau đó bàn giao cho Phòng cảnh sát kinh tế, Công an Bình Thuận xử lý theo quy định của pháp luật.
Cách đây không lâu, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, thuộc cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất hai cơ sở sản xuất bánh, mứt tại khu công nghiệp La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã phát hiện và thu giữ hàng nghìn hộp mứt, bánh kẹo kém chất lượng.
Cụ thể, qua kiểm tra doanh nghiệp tư nhân thực phẩm bánh kẹo Tú Tài, phát hiện cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đáng nói, các mặt hàng thành phẩm và nguyên liệu của cơ sở này có dấu hiệu vi phạm về định lượng, do đó, lực lượng chức năng đã lấy mẫu sản phẩm để tiến hành kiểm nghiệm, tạm giữ trên 1.000 hộp bánh thành phẩm các loại, 27 kg bánh nguyên liệu, 400 vỏ hộp và 100 khay nhựa...
Các mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết không đảm bảo chất lượng thường được tuồn ra thị trường thông qua các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Đó là các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc hàng nhái giống hàng thật từ kiểu dáng đến màu sắc, tên "na ná" thương hiệu xịn. Nếu người tiêu dùng không chú ý kỹ sẽ rất dễ mua phải hàng kém chất lượng.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật